ClockChủ Nhật, 13/03/2022 08:10

Kinh doanh bất động sản phải thực hiện đúng luật

TTH - Là loại hình hàng hóa đặc biệt, có giá trị, nên việc giao dịch mua bán bất động sản (BĐS) không thể thiếu các sàn, doanh nghiệp (DN) môi giới BĐS làm cầu nối để thông tin chính xác, đảm bảo giao dịch mua bán thuận lợi, đúng pháp luật. Tuy nhiên, hoạt động này còn mới và được “biết tiếng” trong mấy năm gần đây. Để hiểu rõ hơn tình hình hoạt động cũng như công tác quản lý Nhà nước, Thừa Thiên Huế Cuối tuần có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Phước Bửu Hùng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng.

Sớm hoàn thiện hồ sơ sửa đổi Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sảnBức tranh bất động sản năm 2022

Ông Nguyễn Phước Bửu Hùng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng

Trên địa bàn tỉnh hiện có bao nhiêu sàn giao dịch BĐS đang hoạt động, thưa ông?

Trong Luật Kinh doanh BĐS có 3 loại hình dịch vụ: Môi giới BĐS; Sàn kinh doanh BĐS; Tư vấn, quản lý BĐS. Giữa 3 dịch vụ này, dịch vụ môi giới và dịch vụ sàn hiện nhiều người vẫn có sự nhầm lẫn. Đối với sàn, theo Luật Kinh doanh BĐS, các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ BĐS phải thành lập DN và bắt buộc phải có ít nhất 2 người có chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS và người quản lý sàn phải có chứng chỉ này.

Sàn kinh doanh BĐS bắt buộc phải có quy chế hoạt động và có địa chỉ cụ thể, rõ ràng. Sàn có quy định hoạt động chặt chẽ hơn loại hình môi giới BĐS, có chức năng ký kết hợp đồng thực hiện mua bán BĐS, có sản phẩm để bán.

Thị trường bất động sản ở Huế mấy năm gần đây khá sôi động. Ảnh: NGUYỄN PHONG

Đúng nghĩa, trên địa bàn tỉnh hiện chỉ có 2 đơn vị được công nhận là “sàn”, gồm: Công ty CP Xây lắp Thừa Thiên Huế và Công ty CP Bất động sản Ân Nam. Còn lại các tổ chức kinh doanh BĐS chủ yếu làm môi giới BĐS là chính. Đây là đại diện trung gian để thương lượng, giao kết cho 2 bên mua và bán ký kết hợp đồng mua bán BĐS, mà không được là người thứ 3 cùng đứng ra ký hợp đồng mua bán và họ được hưởng thù lao, phần trăm hoa hồng khi giao dịch thành công. Loại dịch vụ này trên địa bàn hiện có khoảng 12 tổ chức môi giới BĐS là DN.

Ông đánh giá tình hình hoạt động của các sàn giao dịch, tổ chức môi giới BĐS trên địa bàn như thế nào?

So với nhiều địa phương đang phát triển khác, hoạt động môi giới BĐS ở Thừa Thiên Huế chưa nhộn nhịp bằng, còn trầm lắng. Tuy nhiên, thời gian gần đây, hoạt động này khởi sắc và tương đối sôi động.

Bên cạnh những sàn, DN môi giới hoạt động tốt, vẫn còn một số DN đưa ra thông tin giao dịch BĐS thiếu chính xác, làm cho quá trình giao dịch sai quy định, dẫn đến xảy ra tranh chấp, khiếu kiện, gây mất ổn định trong môi trường kinh doanh BĐS tại địa phương.

Vậy đã có sàn BĐS hay tổ chức môi giới, tư vấn BĐS nào bị “tuýt còi” và nguyên nhân sai phạm là gì?

Đối với hoạt động môi giới hay sàn kinh doanh BĐS tại địa bàn tỉnh về chất lượng, quá trình hoạt động chưa có vấn đề gì đáng lo ngại so với nhiều địa phương khác. Chẳng hạn như chưa có hiện tượng tranh mua, tranh bán, không có tổ chức thổi phồng giá. Đến nay, cơ quan quản lý chưa xử lý trường hợp DN môi giới, sàn, tư vấn nào về hoạt động kinh doanh BĐS. Nếu có chỉ xử lý chủ đầu tư. Tức là chủ đầu tư kinh doanh BĐS nhưng khi thực hiện việc mua bán chưa bảo đảm các điều kiện theo quy định của pháp luật thì Sở Xây dựng đã tiến hành xử lý hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền xử lý.

Hiện nay, hoạt động kinh doanh BĐS đã được quy định rõ trong Luật Kinh doanh BĐS và các chế tài xử lý những hành vi vi phạm về hoạt động kinh doanh BĐS đã được quy định rõ trong Nghị định 139 và mới đây là Nghị định 60 thay thế Nghị định 139 vừa được ban hành, có hiệu lực từ đầu năm 2022.

Nghị định 60 có các mức xử phạt nâng lên gấp 2 lần so với Nghị định 139. Như vậy, về góc độ Nhà nước thì đã có biện pháp mạnh mẽ trong quá trình quản lý đối với hoạt động kinh doanh BĐS một cách triệt để.

Trong năm 2022, Sở Xây dựng đã có kế hoạch thanh tra, kiểm tra hoạt động các DN môi giới BĐS, các sàn kinh doanh BĐS để kịp thời chấn chỉnh, xử lý theo quy định nếu phát hiện sai phạm.

Để tránh mua phải sản phẩm BĐS ở “dự án ma”, việc thông tin công khai các dự án BĐS là rất cần thiết. Vậy công tác quản lý của ngành về vấn đề này như thế nào?

Để tránh gặp phải tình trạng mua bán “dự án ma”, nhằm giúp các nhà đầu tư cũng như khách hàng biết được tính pháp lý của dự án (DA), sau khi chủ đầu tư có yêu cầu chứng nhận đủ điều kiện để huy động vốn, chứng nhận đủ điều kiện để bán nhà ở hình thành trong tương lai, Sở Xây dựng xem xét hồ sơ và sau khi chấp nhận các điều kiện trên thì đưa lên trang web của Sở Xây dựng để công khai cho người dân biết tất cả các DA đủ điều kiện được huy động vốn và bảo đảm mua bán nhà ở hình thành trong tương lai, nhằm tiến hành mua bán, giao dịch bảo đảm. Cụ thể đến nay, có 4 DA nhà ở xã hội, 16 DA nhà ở thương mại, DA khu đô thị mới đã và đang triển khai.

Ngoài việc đăng công khai thông tin các DA trên trang web của Sở Xây dựng, đơn vị thường xuyên theo dõi trên các trang mạng xã hội các loại hình quảng cáo, rao mua bán không đúng quy định để kịp thời có biện pháp nhắc nhở, phối hợp với thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông xem xét xử lý theo đúng luật định. Sở Xây dựng có các văn bản yêu cầu các chủ đầu tư khi giao dịch kinh doanh BĐS phải thực hiện đúng Luật Kinh doanh BĐS mới được giao dịch mua bán, góp phần đưa hoạt động mua bán BĐS đi vào quy củ, nâng cao chất lượng của quá trình mua bán cũng như chất lượng sản phẩm BĐS cho người dân khi mua hàng được an tâm.

Để hỗ trợ và tư vấn giao dịch BĐS đảm bảo đúng pháp lý, tác động tích cực đến thị trường BĐS rất cần nguồn nhân lực có chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng tốt. Vậy việc đào tạo, quản lý đội ngũ này ra sao?

Thời gian qua, Sở Xây dựng đã phối hợp với Hiệp hội BĐS Thừa Thiên Huế cùng với Trường đại học Nông Lâm - Đại học Huế tổ chức 3 lớp đào tạo về môi giới kinh doanh BĐS và đã cấp được 138 chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS. Năm 2022, Sở Xây dựng tiếp tục ký hợp đồng với Hiệp hội BĐS tỉnh tổ chức thêm các khóa đào tạo, bồi dưỡng hoạt động môi giới BĐS và tổ chức sát hạch để cấp chứng chỉ hành nghề nếu đạt kết quả theo yêu cầu.

Việc đào tạo, cấp chứng chỉ hành nghề là cơ sở giúp cơ quan quản lý Nhà nước dễ quản lý hoạt động môi giới BĐS cũng như sẽ tiến hành xử lý, xử phạt theo quy định nếu môi giới BĐS không có chứng chỉ hành nghề, chứng chỉ hết thời hạn.

Đối với số lượng 138 chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS được cấp đã đáp ứng phần nào các quy định, điều kiện, năng lực để những người tham gia môi giới đưa ra những giao dịch, tư vấn, môi giới có tính lô-gic, có cơ sở, chính xác để 2 bên mua- bán bảo đảm về pháp lý giấy tờ, bảo đảm thực chất, đúng giá cả của sản phẩm BĐS, tránh tình trạng đẩy giá, thổi giá, gây ảnh hưởng đến giá trị BĐS, tạo “bong bóng” giá BĐS, tác động xấu đến thị trường kinh doanh BĐS trên địa bàn. Đây cũng nhằm góp phần đưa hoạt động này đi vào khuôn khổ, có tính chuyên nghiệp, chất lượng, đảm bảo tính pháp lý và thực hiện nghĩa vụ thuế cho Nhà nước.

Để quản lý hoạt động môi giới, giao dịch BĐS, ngoài tổng kết đánh giá hằng năm, hằng tháng, hằng quý, Sở Xây dựng yêu cầu các sàn, tổ chức kinh doanh, môi giới phải báo cáo hoạt động và chấp hành sự thanh tra, kiểm tra của cơ quan quản lý Nhà nước.

Cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

HOÀI THƯƠNG (Thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Công bố quyết định về thành lập Đoàn kiểm tra việc triển khai thực hiện Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 14 của Tỉnh ủy

Chiều 3/5, tại Phú Vang, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ công bố quyết định về thành lập Đoàn kiểm tra việc triển khai thực hiện Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số14 NQ/TU ngày 17 / 4 / 2020 của Tỉnh ủy về chương trình phát triển đô thị tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Ông Phan Xuân Toàn, UVTV Tỉnh uỷ, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn kiểm tra tham dự và công bố quyết định.

Công bố quyết định về thành lập Đoàn kiểm tra việc triển khai thực hiện Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 14 của Tỉnh ủy

TIN MỚI

Return to top