ClockThứ Sáu, 04/02/2022 06:30

Mai này ngó về bờ Đông

TTH - 10 giờ 40 phút ngày 27/4/2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua nghị quyết điều chỉnh địa giới để mở rộng địa giới hành chính TP. Huế. Đó là một thời khắc lịch sử của đô thị Huế.

Xây dựng Huế xứng tầm là đô thị động lực trung tâmTái thiết đô thị Huế sau mở rộngTừng bước mở rộng đô thị Huế

 TP. Huế mở rộng cả bốn phía, nhưng người ta trông đợi nhiều vào một sự phát triển mạnh ở phía bờ Đông

“Hy vọng một tương lai tốt cho bọn trẻ”

Ngày Quốc hội thông qua Nghị quyết, ông Nguyễn Hóa (60 tuổi), thôn Thanh Vinh, xã Phú Mậu, huyện Phú Vang (nay là TP. Huế) vẫn cặm cụi cuốc đám đất quanh vườn. Tin tức về mở rộng thành phố vẫn chưa ai ở xóm ông biết. Tối đó, tivi đưa tin địa giới hành chính TP. Huế sẽ được mở rộng, ông quay qua nói với vợ: “Làng mình ri sắp tới là thuộc về thành phố rồi”.

Bảy tháng kể từ khi Nghị quyết mở rộng thành phố được thông qua, 4 tháng từ ngày địa giới đô thị Huế mở rộng về các huyện, thị, những thay đổi vẫn chưa có nhiều. Cuộc sống của người dân thôn Thanh Vinh và những vùng lân cận vẫn cứ diễn ra như mọi ngày, người đi phụ hồ, người trồng hoa cho kịp vụ tết, nhà làm hoa giấy… Sự xáo trộn vẫn chưa hiện rõ.

Hôm tôi gặp vợ chồng ông Hóa, bà vợ vẫn cần mẫn làm những đơn hàng hoa giấy cho khách. “Hôm trước tôi có thấy người ta về đo đạc gì đó ở ngoài đường xóm, hy vọng tuyến đường sẽ được nâng cấp tốt hơn”, ông Hóa ngồi vót tre ở sân mở chuyện. Bà vợ ngồi ở trong nói vọng ra: “Tôi chỉ mong họ làm cách nào đó để giúp dân bán được nhiều hoa giấy. Còn chuyện lên thành phố chắc chỉ đời con cháu mới hưởng được”. “Thì cũng phải từ từ, không thể một sớm một chiều được”, ông Hóa nói với vợ.

Nghị quyết mở rộng thành phố chính thức có hiệu lực, 4 tháng sau, những mốc giới phân chia TP. Huế và các huyện, thị xung quanh được di dời. Diện tích TP. Huế tăng lên gần gấp 4 lần: Từ 70,67km2 lên 265,99km2. 298.448 người một chốc trở thành dân thành phố, điều mà họ vẫn hay đùa “sau một đêm thấy mình là dân phố”.

“Từ hồi có cái đập La Ỷ, đoạn đường lên thành phố cũng đã rút ngắn hơn nhiều. Nhưng tôi hy vọng sau này họ sẽ đầu tư, nâng cấp để mở rộng hơn”, ông Nguyễn Hóa gởi gắm.

Chờ một cuộc đổi dời của đất

Mở rộng địa giới là một điều tất yếu cho quá trình phát triển của một đô thị vốn dĩ đã quá chật chội. Sẽ có không ít thách thức khi mở rộng địa giới, nhưng, không phải vì thế mà cứ kìm nén mãi trong một không gian bức bí. Đô thị Huế lúc chưa mở rộng, phân thành hai bờ bắc - nam với trục sông Hương. Một đô thị chật, ngắn mà nhiều người vẫn hay đùa “chạy năm phút đã hết thành phố”.

Sông Hương vẫn là trục chính, chia thành phố Huế thành hai bờ bắc - nam sau mở rộng. Ở một số tỉnh, thành, việc quy hoạch đô thị luôn gặp vấn đề về không gian của các dòng sông, không gian cho nước thoát. Nó khiến mùa lũ, nước gây ngập nội đô. Đó cũng là một trong những lý do UBND tỉnh đã thông qua bản quy hoạch chi tiết “hai bên bờ sông Hương”. Điểm nhấn của quy hoạch là thiết lập các điểm mốc ven sông, địa điểm tổ chức các sự kiện, đồng thời hình thành cảnh quan ven sông hài hòa với cảnh quan tự nhiên và môi trường văn hóa lịch sử.

Sắp xếp và định hướng phát triển các công viên xanh gắn với các khu vui chơi giải trí ngoài trời, quảng trường nhằm thiết lập không gian ven sông thân thiện với môi trường và an toàn trước thiên tai, biến đổi khí hậu. Đây rõ ràng là một nội dung mà người dân rất quan tâm trong việc mở rộng, quy hoạch TP. Huế. Người dân hiểu rằng, những hậu quả của mưa lũ sẽ ảnh hưởng đến họ, đến đô thị Huế. Quy hoạch bài bản những không gian hai bên bờ sông - làm tốt việc này không chỉ là nơi thoát lũ, nó còn là không gian cho cây xanh - một thứ không thể thiếu nếu không nói nó làm nên tầm vóc và sự khác biệt cho đô thị Huế. Những không gian sống thoáng đãng, sạch là một phần giúp cuộc sống người dân được nâng cao.

Phía đông TP. Huế khi mở rộng, sẽ có được một Rú Chá nằm ngay giữa đô thị. Với khoảng không gian này, về sau được mở rộng, trồng thêm cây, tương lai sẽ hình thành một khu sinh thái cực đẹp ngay giữa lòng phố. Khi đô thị hướng biển, dĩ nhiên tốc độ đô thị hóa sẽ tăng, có một khu rừng giữa lòng phố không chỉ đẹp về cảnh quan, nó điều tiết không khí cho cả một vùng. Nó tạo một sự thanh thoát, mềm mại và hài hòa hơn cho đô thị.

Địa giới Huế về cơ bản mở rộng cả bốn hướng, nhưng người ta vẫn mong chờ một sự đổi thay, một bộ mặt khác của thành phố trong tương lai khi hướng về phía đông. Hướng về biển, sẽ đưa Huế nằm trong danh sách những thành phố biển như những đô thị khác ở miền Trung. Tạo hình hài cho một thành phố có cả núi, sông, đầm phá và biển. Hướng về biển, dĩ nhiên nó không chỉ dựng lên một đô thị bên chân sóng. Ẩn ý nằm trong định hướng này là một “tuyên ngôn” đầy hoài bão: Hướng ra biển lớn.

Diện tích tăng lên gần gấp 4 lần, khó để phát triển trong một sớm một chiều, nhưng nó sẽ có không gian để phân tầng cho TP. Huế. Bờ bắc với Thành nội sẽ giữ lại những ký ức xưa cũ. Bờ nam vùng sát sông Hương sẽ bị giới hạn chiều cao và xây dựng các khu thiết chế văn hóa. Khi lui dần về phía đông, đông nam ở đó, các đô thị mới đã nên hình hài, các khu dân cư mới sẽ tạo nên một vùng sinh động hơn, nhộn nhịp hơn cho đô thị Huế.

Những không gian chật chội nằm cạnh di tích, đền đài, cung điện khiến Huế lấn cấn trong việc bảo tồn, phát triển. Đụng bên này, chạm bên kia - Huế mãi cứ cựa quậy trong một “tấm áo chật” suốt mấy mươi năm. Ngày Nghị quyết mở rộng địa giới được thông qua, nó chứng kiến một cái thở phào nhẹ nhõm của những người yêu Huế, của giới nghiên cứu Huế, của di sản Huế.

Địa giới mở rộng, tạo tiền đề cho Huế giữ những thứ cần giữ, xây những thứ cần xây. Khi tránh được những vùng di sản, Huế sẽ có điểm vui chơi năng động hơn, hiện đại hơn. Đó cũng là cơ hội để đầu tư những dự án hiện đại mà không sợ đối chọi với di sản. Một vùng mênh mông phía bờ đông TP. Huế sẽ có những cú hích để phát triển, ít nhất về hạ tầng. Nó rút lại khoảng cách giữa trung tâm - ngoại ô, điều này giúp Huế có điều kiện giãn dân, tránh những cảnh ùn tắc về sau.

Bài, ảnh: Nguyễn Đắc Thành

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Xã hội hóa nguồn lực xúc tiến thương mại

Ngày 24/12, Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh (Trung tâm) tổ chức đánh giá hoạt động xúc tiến thương mại năm 2024 và phương hướng nhiệm vụ, giải pháp năm 2025.

Xã hội hóa nguồn lực xúc tiến thương mại
Tăng cường quản lý đối với các trung tâm ngoại ngữ, tin học

Tăng cường quản lý đối với các trung tâm ngoại ngữ, tin học, đặc biệt chú trọng kiểm tra việc chấp hành các quy định, đáp ứng các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên là nhiệm vụ được đặt ra tại hội nghị triển khai hoạt động các trung tâm ngoại ngữ, tin học năm 2025 do Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức chiều 20/12.

Tăng cường quản lý đối với các trung tâm ngoại ngữ, tin học
Cơ hội và thách thức trong quản lý đô thị di sản của TP. Huế trực thuộc Trung ương

Với tính chất là đô thị di sản, trong chiến lược lâu dài, Thừa Thiên Huế sẽ được cấu trúc thành chùm đô thị đa trung tâm. Sự phát triển sẽ dựa trên các điều kiện về sự phân bổ dân số, điều kiện tự nhiên, sông ngòi, đầm phá, biển, khoáng sản…và đặc biệt các thế mạnh của tài nguyên văn hóa. Điều này cũng đặt ra nhiều cơ hội kèm thách thức một khi Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Cơ hội và thách thức trong quản lý đô thị di sản của TP Huế trực thuộc Trung ương
Return to top