Thiếu nước sạch hơn 1 năm nay
Đã nhiều tháng nay, người dân thôn 5 xã Hương Sơn (Nam Đông) không có nguồn nước hợp vệ sinh để sử dụng trong sinh hoạt hằng ngày. Vào những ngày nắng nóng như hiện nay, các khe suối bị khô hạn khiến nguồn nước sinh hoạt càng trở nên khó khăn hơn. Ông Hồ Minh Phùn ở thôn 5 than thở: “Công trình nước tự chảy có cũng như không. Đã hơn 1 năm nay, gia đình tôi phải lấy nước suối về để sử dụng, bình quân mỗi ngày từ vài chục lít đến nửa khối. Từ nhà đến suối chừng vài cây số, đường đi lại rất khó khăn nên phải mất hơn cả giờ đồng hồ mới gùi được nước về nhà. Vào mùa mưa, việc đi lấy nước càng khó hơn nên bà con phải hứng nước mưa để sử dụng”.
|
Bể chứa của người dân không có nước hơn một năm nay
|
Ông Phùn còn cho biết, toàn thôn 5 có khoảng 32 hộ, nhiều năm nay đều sử dụng từ công trình nước tự chảy. Từ khi công trình hư hỏng, cả thôn đều phải sử dụng nước suối và nước mưa để phục vụ trong sinh hoạt. Hàng chục hộ dân ở thôn 4, xã Hương Sơn cũng lâm vào cảnh tương tự. Ông Hồ Minh Thức ở thôn 4 nói: “công trình nước tự chảy bị hư hỏng, bà con quay lại sử dụng nguồn nước suối không hợp vệ sinh”.
Theo bà Hồ Thị Thời, Phó Chủ tịch UBND xã Hương Sơn, công trình nước tự chảy ở Hương Sơn được xây dựng từ năm 2004 do dự án NAV tài trợ với tổng kinh phí khoảng 1 tỷ đồng. Công trình có quy mô chiều dài 10m, rộng 8m, cao 6 mét, với dung tích bể chứa khoảng 250m3. Đường ống chính dẫn nước từ bể chứa về khu dân cư kích cỡ fi 100, dài trên 2km, trong đó một nửa đường ống sắt đấu nối một nửa đường ống nhựa và hệ thống đường ống dẫn nước từ ống chính vào các hộ gia đình... Công trình được bàn giao cho địa phương sử dụng và quản lý, phục vụ nhu cầu cấp nước sinh hoạt cho khoảng 70% hộ dân trong tổng số 303 hộ trên địa bàn xã. Tuy nhiên, hơn 1 năm nay do các hạng mục đập đầu mối, bể chứa, nắp đậy bị vỡ với khối lượng khoảng 35%; hệ thống đường ống chính bị rò rỉ, dập nát nhiều đoạn nên người dân phải sử dụng nước suối trong sinh hoạt. Chính quyền địa phương nhiều lần kiến nghị với cấp trên hỗ trợ kinh phí sửa chữa nhưng đến nay chưa được giải quyết.
Mong sớm khắc phục
Ông Trương Công Nam, Giám đốc Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Xây dựng và Cấp nước tỉnh cho biết, vừa qua lãnh đạo công ty và Sở Kế hoạch và Đầu tư đã kiến nghị với Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc xin kinh phí cho dự án cấp nước sạch trên địa bàn huyện Nam Đông, với tổng kinh phí khoảng 25 tỷ đồng. Đến nay, Bộ vẫn chưa có quyết định về hỗ trợ kinh phí nên công ty vẫn chưa thể lập dự án xây dựng công trình. Theo ông Trương Công Nam, nếu kinh phí sớm được đầu tư thì công ty sẽ triển khai dự án ngay trong năm 2012.
|
Ông Lê Minh Hòa, Q. Trưởng phòng Dân tộc huyện Nam Đông cho biết, toàn huyện Nam Đông có 5 công trình nước tự chảy ở Thượng Lô, Thượng Long, Hương Hữu, Thượng Nhật, Hương Sơn do các chương trình, dự án trong và ngoài nước hỗ trợ xây dựng, bình quân mỗi công trình khoảng 1 tỷ đồng; dung tích bể chứa khoảng 200-300 m3. Do được xây dựng từ năm 2004 đến nay nên hầu hết các công trình bị xuống cấp, hư hỏng không phát huy tác dụng. Theo ông Lê Minh Hòa, nguyên nhân chủ yếu là do chính quyền địa phương và người dân thiếu ý thức trách nhiệm trong quản lý, duy tu bảo dưỡng. Từ khi bàn giao đưa vào sử dụng đến nay, hầu hết các địa phương đều không có cơ chế quản lý công trình. Nhiều người dân chưa được hưởng lợi đã cố tình gây hư hỏng bể chứa, hệ thống đường ống. Bão lũ hằng năm cũng là tác nhân dẫn đến công trình bị xuống cấp, hư hỏng nặng.
Việc hệ thống công trình nước tự chảy trên địa bàn huyện bị xuống cấp, hư hỏng đang là vấn đề rất nan giải đối với huyện. Phòng Dân tộc huyện phối hợp với các ban ngành đã tổ chức kiểm tra, khảo sát tình hình và có hướng đề xuất cấp trên đầu tư sửa chữa các công trình. Thời gian qua, được sự hỗ trợ của Chương trình 134, các ban ngành đã đầu tư khắc phục, sửa chữa một số hạng mục. Tuy nhiên, do điều kiện kinh phí hạn chế nên những hạng mục quan trọng như đường ống chính vẫn chưa được khắc phục. Nhiều công trình vẫn chưa thể phát huy tác dụng như công trình ở các xã: Hương Sơn, Thượng Nhật, Thượng Lộ...
Theo ông Lê Minh Hòa, các ban ngành cấp trên cần tăng cường tổ chức khảo sát, nghiên cứu để có hướng đầu tư khắc phục, sửa chữa hợp lý. Hạng mục nào hư hỏng nặng, không có tác dụng cần phải đầu tư thay mới. Sau khi sửa chữa, bàn giao công trình, các địa phương cần có quy chế, quy định về cơ chế quản lý như thu phí sử dụng nước để phục vụ việc duy tu bảo dưỡng, xử phạt nghiêm những trường hợp vi phạm... Người dân cũng cần nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc quản lý, duy tu bảo dưỡng nhằm đảm bảo công trình phát huy tác dụng và bền vững.
Bài, ảnh: Hoàng Thế