Ngoài Bến số 3 (do Công ty TNHH Hào Hưng Huế làm chủ đầu tư), Bến số 2- Cảng Chân Mây đang triển khai xây dựng. Khi hoàn thiện Bến số 2 sẽ trở thành cảng chuyên khai thác hàng rời, khi đó Bến số 1 sẽ dành không gian phát triển hàng container và dịch vụ tàu biển.
Trong những năm tới, khi bến số 2 và bến số 3 hoàn thành, bến số 1 sẽ ưu tiên không gian để đón tàu khách tại cảng Chân Mây
Tàu chờ bến thường xuyên diễn ra
Ông Nguyễn Văn Chương, Phó Giám đốc Công ty CP Cảng Chân Mây thông tin, nhiều năm nay, Bến số 1 của cảng đang khai thác trên 2 triệu tấn hàng/năm, vượt thiết kế của cảng (chỉ khoảng 1,2 triệu tấn hàng/năm).
Gần đây, Bến số 1 được đầu tư nâng cấp bổ sung để tăng năng lực tiếp nhận, đặc biệt là tàu du lịch biển nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng với khối lượng hàng hóa ngày càng lớn, dẫn đến tình trạng tàu chờ bến thường xuyên diễn ra.
Giữa tháng 6/2018, dự án đầu tư xây dựng Bến số 2 - Cảng Chân Mây do Công ty CP Cảng Chân Mây làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư 849 tỷ đồng, đã được khởi công.
Công trình có tổng chiều dài 280m, có khả năng tiếp nhận tàu hàng tải trọng 50.000 tấn, bao gồm các hạng mục như bến có chiều dài 225m, rộng 32,5m, 2 cầu dẫn; khu đậu tàu có kích thước 26.000m2, độ sâu -14m; vũng quay tàu có đường kính 340m độ sâu -13,5m. Công trình còn có các hạng mục như kè bảo vệ bờ, tôn tạo bãi và đường bãi trong cảng với diện tích 4,92ha và các công trình kiến trúc, kỹ thuật khác.
Bến số 2 cảng Chân Mây đang triển khai xây dựng
Ưu tiên không gian đón tàu khách
Ông Lê Thành Công, Trưởng phòng Kỹ thuật - Công ty CP Cảng Chân Mây cho hay, dự án Bến số 2 được chia làm 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 chủ đầu tư sẽ tập trung đầu tư xây dựng bến cập tàu, đảm bảo cho tàu 50.000 tấn cập cảng làm hàng, 1 cầu dẫn, kè bảo vệ bờ, đường dẫn ra biển, nạo vét khu đậu tàu đến độ sâu -12,5m và khu quay trở tàu độ sâu hơn -12m. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 385 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng quý I năm 2020.
Giai đoạn 2 của DA, chủ đầu tư sẽ tập trung hoàn thiện các hạng mục công tình còn lại như nạo vét khu đậu tàu đến độ sâu -14m, nạo vét khu quay trở tàu -13,5m, tôn tạo bãi, đường giao thông và bãi hàng rời, công trình kiến trúc và mạng kỹ thuật; thiết bị khai thác trong cảng. Tổng mức đầu tư giai đoạn 2 khoảng 464 tỷ đồng, sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong năm 2021.
Ông Nguyễn Văn Chương khẳng định, ngoài nâng cấp, hoàn thiện kết cấu hạ tầng cảng, đơn vị thường xuyên nghiên cứu và đầu tư thiết bị xếp dỡ để nâng cao năng lực xếp dỡ hàng, rút ngắn thời gian làm hàng tại cảng, giảm thiểu tối đa tình trạng chờ tàu trong thời gian chờ xây dựng các bến khác; tổ chức đào tạo và đào tạo lại đội ngũ cán bộ, nâng cao công suất làm việc của người lao động để đáp ứng nhiệm vụ là điều hết sức bức thiết nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp.
Theo ông Chương, do là cảng tổng hợp vừa đón tàu khách du lịch, vừa làm hàng nên hiện tại cơ sở hạ tầng của cảng chưa thể đáp ứng hoàn toàn nhu cầu đón khách do thiếu nhà ga hành khách và vị trí đón khách riêng biệt, dùng chung lối đi với tàu hàng. Để khắc phục hạn chế, Công ty CP Cảng Chân Mây đã nỗ lực trong việc ưu tiên không gian hậu cần khi đón tiếp tàu khách bằng cách sắp xếp tinh gọn nhất các thiết bị xếp dỡ hàng hóa, đầu tư nhiều thiết bị, hạn chế bụi từ công tác làm hàng, tăng cường lực lượng nhân công dọn vệ sinh…
Trong những năm tới, khi bến số 2 và bến số 3 và hệ thống hạng mục đê chắn sóng hoàn thành đi vào hoạt động, bến số 1 sẽ ưu tiên không gian để đón tàu khách và phía đơn vị cũng đang xây dựng khu trưng bày các mặt hàng lưu niệm phục vụ du khách…
Sẽ xử lý khoảng 900.000m3 bùn thải
Về phương án xử lý chất bùn thải trong quá trình thi công bến số 2, ông Lê Thành Công, Trưởng phòng Kỹ thuật - Công ty CP Cảng Chân Mây cho biết: Theo Báo cáo đánh giá tác động môi tường đã được Bộ Tài nguyên&Môi trường phê duyệt, dự kiến vật chất nạo vét (bùn thải) tại các khu vực trong quá trình thi công bến số 2 khoảng 900.000m3 (giai đoạn 1 khoảng 490.000m3) sẽ được phối trộn, sử dụng phụ gia để xử lý nền yếu. Sau khi đắp kè, làm bãi bến số 2, vật chất nạo vét sẽ được bơm vào xử lý phụ gia làm bến bãi trên diện tích khoảng 11 ha, đảm bảo không để tình trạng bùn thải tràn ngược lại biển.
|
Bài, ảnh: Hà Nguyên