Những bất cập hiệu hữu
Mới đây qua khảo sát trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn, chúng tôi tiếp cận nhiều chủ phương tiện tham gia giao thông trên tuyến này, họ có cảm giác sợ mất an toàn.
Anh Lê Văn Tý (phường Đông Ba, TP. Huế) lái xe tải đường dài chia sẻ, hiện nay hầu hết các xe chạy bắc - nam đều chọn cao tốc qua địa bàn Thừa Thiên Huế vì rút ngắn được một khoảng thời gian, lại đỡ đóng phí tại trạm Phú Bài và hầm đường bộ Hải Vân nếu theo QL1A.
Bên cạnh tiện ích trên, anh Tý cho rằng hiện ở cao tốc này mới chỉ có 2 làn xe, mỗi làn rộng 3,7m. Trong khi đó hàng ngày lượng xe qua lại đông mà toàn tuyến chưa thấy đoạn nào có dải phân cách cứng nên nhiều xe vẫn chủ quan vi phạm tốc độ vượt làn, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông.
Hơn nữa không hiểu sao, cao tốc Cam Lộ - La Sơn mới đưa vào sử dụng mà đã xuất hiện nhiều điểm sụp lún hai bên, nhất là đoạn tuyến qua địa bàn thị xã Hương Trà, huyện Phong Điền. Cũng trên đoạn tuyến này, nhiều hạng mục phụ trợ như đèn chiếu sáng, lan can bảo vệ... hiện đang thi công làm ảnh hưởng đến tầm quan sát, tốc độ của phương tiện tham gia giao thông. Nhiều chủ phương tiện cho rằng, những điểm sạt lở bên tuyến hay điểm đang thi công chưa được che chắn, cảnh giới nên nguy cơ mất ATGT, nhất vào ban đêm.
Một vấn đề khá nhiều chủ phương tiện băn khoăn tại các điểm nhập làn vào cao tốc Cam Lộ - La Sơn hiện cũng bất cập. Hiện tại đoạn qua Thừa Thiên Huế có 3 điểm để các phương tiện ra, vào cao tốc là: nút giao nối với TL9B và TL11B (Phong Mỹ - Phong Điền) tại Km48+827; nút giao với QL49 và QL1 tránh TP Huế, tại Km80+139; nút giao với TL14B tại Km102+043 (La Sơn - Phú Lộc). Thế nhưng hiện tại nút giao tại xã Phong Mỹ - Phong Điền đang thi công dang dở, chưa thông nên phương tiện muốn ra vào điểm này "bí" khi muốn đi cao tốc hướng từ Phong Điền theo TL9, TL11B vào và ngược lại.
Không ít trường hợp trao đổi với chúng tôi, cao tốc Cam Lộ - La Sơn dài gần 100km nhưng chưa thấy quy hoạch trạm xăng, trạm dừng...
Anh Lê Văn Toàn (TP. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) cho rằng, vừa rồi xe anh chở người thân từ Hà Nội vào quê đã đi qua cao tốc Cam Lộ - La Sơn. Khi đến điểm đầu cao tốc này thấy kim báo xăng xe vơi nên lo vì suốt cả tuyến chẳng thấy trạm đổ xăng. Đến đoạn gần TP. Huế anh phải điện thoại gọi người quen ra "cứu hộ". Theo anh Toàn, việc một số tuyến cao tốc không có trạm xăng, trạm dừng để phương tiện kiểm tra kỹ thuật, tiếp nhiên liệu, lái xe nghỉ ngơi là quá bất cập, mong cơ quan chức năng nhanh chóng có giải pháp khắc phục cho vấn đề này.
Sẽ khắc phục, hoàn thiện
Không riêng các chủ phương tiện ở Thừa Thiên Huế nhận xét, từ thời điểm đưa vào khai thác cao tốc Cam Lộ - La Sơn trở thành lựa chọn di chuyển của nhiều tài xế khi đi qua địa phận Thừa Thiên Huế. Đây là "trục" kết nối, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của khu vực miền Trung.
Đề cập những bất cập hiện hữu tại cao tốc Cam Lộ - La Sơn như nhiều người chia sẻ, ông Võ Duy Hưng, Trưởng Ban điều hành 4, Ban Quản lý DA đường Hồ Chí Minh - đơn vị chủ đầu tư thừa nhận, từ cuối năm 2022 tuyến khánh thành đưa vào sử dụng đang nảy sinh, có những điểm khuyết và hiện nay cũng đang gấp rút hoàn thiện. Tuy vậy, thời gian đầu mới đưa vào hoạt động có nguy cơ mất ATGT trên tuyến một phần có tâm lý chủ quan của một số tài xế khi thấy đường mới, thông thoáng nên không làm chủ tốc độ... ảnh hưởng đến phương tiện ngược chiều.
Để phòng tránh những vụ tai nạn giao thông xảy ra trên cao tốc này, đơn vị kiến nghị ban, ngành chức năng tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm soát, lắp đặt các camera giám sát tốc độ trên tuyến" - đại diện lãnh đạo này chia sẻ.
Trao đổi về hạn chế thiết kế xây dựng cao tốc này, lãnh đạo Ban Quản lý đường Hồ Chí Minh cho rằng, cao tốc Cam Lộ - La Sơn được đầu tư phân kỳ, giai đoạn 1 thiết kế 2 làn xe với vận tốc tối đa 80km/h đã được Chính phủ phê duyệt và đáp ứng quy chuẩn đường cao tốc.
Theo quy hoạch, đến năm 2030, Việt Nam có khoảng 5.000km đường cao tốc. Để đạt mục tiêu này, cần nguồn vốn khoảng 813 nghìn tỷ đồng. Thực tế đến năm 2020 mới bố trí được 395 nghìn tỷ đồng, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021- 2025 bố trí được thêm khoảng 370 nghìn tỷ đồng.
"Do nguồn lực ngân sách còn hạn chế, để đầu tư đạt mục tiêu về làm đường cao tốc, cũng như phù hợp với lưu lượng phương tiện, nhu cầu của người dân ở nhiều vùng chưa cao, các dự án làm đường cao tốc cơ bản được phân kỳ đầu tư. Sau này, khi nguồn lực tốt hơn, nhu cầu người dân tăng lên, sẽ đầu tư mở rộng, hoàn chỉnh theo đúng quy hoạch" - vị lãnh đạo này nói.
DA cao tốc Cam Lộ - La Sơn có chiều dài xây dựng 98,35km, trong đó đoạn qua Thừa Thiên Huế 61km và Quảng Trị hơn 37km. DA được khởi công từ tháng 9/2019, tổng vốn đầu tư hơn 7.699 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ. Trong đó, vốn đầu tư xây lắp khoảng 5.586 tỷ đồng; chi phí giải phóng mặt bằng và các hạng mục khác khoảng 434 tỷ đồng. |