Đường Tố Hữu đoạn tiếp giáp Tỉnh lộ 28A hư hỏng sau mưa lũ gần đây
Nguy hiểm
Vốn đã xuống cấp, lại thêm những trận lũ liên tiếp gần đây làm mặt đường trên tuyến Tăng Bạt Hổ, phường An Hòa (đoạn nối QL1A đến phía nam cầu Bạch Yến) xuất hiện ổ gà chằng chịt và nhiều điểm bị bong tróc. Dù người dân trong khu vực đã phối hợp lấy cát sỏi đắp vá tạm, nhưng mặt đường vẫn gồ ghề loang lổ.
Một người dân sống bên tuyến đường này chia sẻ, đây là tuyến giao thông thông huyết mạch, lượng người, phương tiện qua lại khá đông. Do hư hỏng, nhiều người không quen đường bị té xe.
Tuyến đường Tam Thai, phường An Tây hiện cũng loang lổ, xuất nhiều hố sâu tạo những cái bẫy cho người đi đường.
Anh Nguyễn Văn Huy, lái xe tải chở hàng vật liệu xây dựng cho biết: Đây là đoạn đường khá nguy hiểm, nhất là lúc nhập choạng tối, cánh lái xe như anh phải căng mắt để tránh ổ gà mấp mô nhằm hạn chế tối đa rủi ro cho người tham gia giao thông. Sợ nhất là các anh chị có con nhỏ chở đi học mỗi sáng, lơ là một chút rất dễ té ngã.
Theo anh Huy, do đặc thù công việc, ngày nào cũng vận chuyển hàng hóa cho khách hàng nên chứng kiến nhiều tuyến đường ở TP. Huế bị xuống cấp, sạt lở hư hỏng sau mưa, như đường Tản Đà, Kim Long và một số tuyến ở KQH Hương Sơ, Kim Long...
Kinh phí sửa chữa hạn hẹp
Không riêng những tuyến đường xuống cấp nói trên, mà một số tuyến ở khu vực Thành Nội dù mới nâng cấp thảm nhựa 1-2 năm gần đây lại bị bong lóc từng mảng dài; đơn cử như tuyến đường Đoàn Thị Điểm.
Đại diện Phòng Quản lý đô thị TP. Huế, đơn vị quản lý giao thông nội đô cho biết, gần đây do mưa lũ kéo dài đã làm không ít tuyến đường hư hỏng nặng. Hiện đơn vị đã nắm tình hình và lên kế hoạch khắc phục sửa chữa thông qua nguồn vốn duy tu bảo dưỡng hàng năm đã hợp đồng với Công ty CP Quản lý đường bộ và Xây dựng công trình Thừa Thiên Huế. Thời điểm này, thời tiết không thuận lợi, mưa liên tục nên phải chờ trời nắng ráo mới triển khai để đảm bảo chất lượng.
Kế hoạch là vậy nhưng qua tìm hiểu, hiện nguồn kinh phí duy tu bảo dưỡng hệ thống giao thông nội đô của TP. Huế rất hạn hẹp nên giải pháp trước mắt chủ yếu là đắp vá "ổ gà", các điểm mặt đường bị bong tróc để đảm bảo an toàn giao thông.
"Về lâu dài để có tính bền vững và mỹ quan đô thị, TP. Huế đang đề xuất các cấp ngành từ Trung ương, địa phương hỗ trợ nguồn vốn để nâng cấp sửa chữa các tuyến đường đô thị một cách đồng bộ", ông Nguyễn Việt Bằng, Trưởng phòng Quản lý đô thị TP. Huế nói.
Thống kê của UBND TP. Huế, hiện trên địa bàn thành phố có 49 tuyến/18km mặt đường bị bong tróc, sụt lún, sạt lở lề đường... Hệ thống đường liên phường, đường kiệt tại các phường thấp trũng, như Hương Sơ, Phú Hậu An Hòa, Thủy Biều, Kim Long... cũng rơi vào tình cảnh tương tự; hệ thống cầu, cống, kè bị sụt lở, hư hỏng phải sửa chữa... ước tính thiệt hại hơn 85 tỷ đồng.
Bài, ảnh: Song Minh