ClockThứ Bảy, 17/08/2019 13:30

Những cây cầu vượt đầm, băng phá

TTH - Chỉ trong vòng chưa đầy 10 năm (từ 2000-2010) đã có 5 cây cầu mới được xây ở vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai. Chính “giao thông đi trước một bước” đã tạo điều kiện cho hàng chục vạn cư dân ở bên kia đầm phá thoát được tình trạng bị sông nước chia cắt và hơn thế nó còn mở ra cơ hội để hội nhập, phát triển.

Sẽ có thêm cầu bắc qua thượng nguồn sông Hương

Cầu Tư Hiền được khánh thành cuối năm 2007. Ảnh: Nguyễn Khánh

Năm 1989, sau khi tách khỏi Bình Trị Thiên, trong vô vàn khó khăn, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế thời bấy giờ nêu quyết tâm phải dồn lực để khai thông cho bằng được tuyến đường 12 và xây cầu vượt phá.

Đường 12 đã có từ thời Pháp nhưng do chiến tranh nên tuyến đường này bị tắc. Thông thường từ Huế muốn lên A Lưới xe chạy suốt cả ngày do phải vòng ra Đông Hà, ngược đường 9, đến cầu Đakrong rẽ trái theo đường Hồ Chí Minh rồi mới vào được thung lũng Asho!

Còn biển Thuận An cách Huế chưa đầy mươi cây số nhưng do bị đầm phá ngăn cách, muốn qua lại phải dùng tàu, thuyền. Mùa hè còn đỡ chứ mùa mưa, gặp khi giông tố bão bùng đành chịu.

Vùng đất giáp biển, kéo dài từ vùng Ngũ Điền (Phong Điền) cho đến Vinh Hiền (Phú Lộc), phía ngoài là Biển Đông còn bên trong là đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, lại bị cửa Thuận An và cửa Tư Hiền chia cắt nên đã không nối liền một dải; đặc biệt là khu vực từ phía Nam cửa Thuận An về phía Bắc cửa Tư Hiền, mãi đến đầu những năm 1990 vẫn còn là “ốc đảo”.

Cầu Thuận An (mới) trong thời gian thi công. Ảnh: DT

Cuộc sống vô cùng cơ cực, đến nỗi trước năm 1975, nhà báo Đoàn Tuyền Châu viết cho tờ Điện Tín rằng, vào kỳ giáp hạt, người dân ở vùng Mỹ Lợi phải dùng cây xương rồng thay cơm.

Cuối năm 1989, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế mà đứng đầu là Bí thư Tỉnh ủy Vũ Thắng đã hạ quyết tâm xây cho bằng được cây cầu Thuận An, xem đây là sự mở đầu cho hành trình chinh phục trở ngại do địa hình bị sông nước chia cắt.

Cơ sở để ngành giao thông vận tải (GTVT) Thừa Thiên Huế tạo bước “đột phá” này là nhờ sau giải phóng họ đã tiếp thu được kỹ thuật xây cầu bê tông Phú Xuân và sau đó, năm 1976 là cầu An Lỗ.

Để triển khai công trình trọng điểm này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Lê Văn Sắc đã cùng lãnh đạo Sở GTVT thời ấy như Giám đốc Lê Văn Giai và các Phó giám đốc phân công nhau người lo chạy vật tư, người lo tổ chức thi công, người chạy vốn.

Đơn vị thi công là Xí nghiệp Liên hiệp công trình giao thông Thừa Thiên Huế - nơi sử dụng nhiều công nhân lưu dung có tay nghề bậc cao, cộng thêm thiết bị xe máy của Mỹ để lại.

Còn dầm, chủ yếu là tận dụng số còn dư của cầu An Lỗ, lúc đó nằm rải rác dọc đường Lê Duẩn lên tới chân cầu Bạch Hổ; số còn lại, chủ yếu xin từ các tỉnh trong Nam.

Với quyết tâm ấy, chỉ sau gần hai năm thi công, cầu Thuận An hoàn thành như mong ước và nó trở thành chiếc cầu đầu tiên trong lịch sử vượt phá Tam Giang.

Dù mặt cầu chỉ đủ cho một làn xe chạy nhưng với người dân ở bên kia phá đã xem đây là điều thần kỳ và nó đã trở thành biểu tượng của ý chí vượt khó của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thừa Thiên Huế trong tiến trình dựng lại quê hương.

Sau bước “đột phá” này, việc quy hoạch, tổ chức bố trí lại hệ thống cầu đường vượt phá Tam Giang đầm Cầu Hai đã được lãnh đạo và ngành GTVT Thừa Thiên Huế cân nhắc, tính toán khá kỹ. Công trình nào địa phương đủ sức đảm đương thì cho làm trước, còn công trình nào vượt quá khả năng của địa phương thì lập dự án trình Bộ GTVT xin đầu tư.

Trên lộ trình đã được vạch, sau năm 2000 ở đầu phá Tam Giang và giữa đầm Thủy Tú - Cầu Hai có hai cây cầu được xây, đó là cầu Hòa Xuân ở Phong Điền và cầu Trường Hà ở Phú Vang.

Trên thực tế, cầu Hòa Xuân ít được chú ý. Cầu được khởi công xây dựng năm 2001 và chỉ dài 175m, rộng 7,5m với tổng mức đầu tư 5,8 tỷ đồng từ nguồn ngân sách địa phương. Năm 2003, cầu Hòa Xuân được đưa vào sử dụng và nó được nối với tuyến đường mới mở từ Phong Hòa qua Điền Lộc, không chỉ rút ngắn khoảng cách đi lại mà còn tạo thuận lợi thúc đẩy nền kinh tế vùng Ngũ Điền của huyện Phong Điền phát triển.

Ngoài hai cầu Thuận An và Hòa Xuân do Thừa Thiên Huế trực tiếp đầu tư, cuối năm 2001, Bộ GTVT cho khởi công xây dựng cầu Trường Hà, cây cầu dài nhất vượt qua đầm Thủy Tú nối hai xã Vinh Phú - Vinh Thanh thuộc huyện Phú Vang.

Ngày 19/8/2003, đích thân Thủ tướng Phan Văn Khải dự lễ cắt băng khánh thành cây cầu này giữa niềm sướng vui tột cùng của người dân đôi bờ.

Cùng với tuyến đường mới mở nối từ tuyến Quốc lộ 1A ở khu công nghiệp Phú Bài đến tuyến Quốc lộ 49 đoạn qua Vinh Thanh được xây dựng, với sự xuất hiện của cây cầu vĩnh cửu Trường Hà dài 840m, rộng 12m đã giúp cho người dân 11 xã ở bên kia đầm từ xa xôi trở nên gần gũi.

Công trình cầu Tam Giang cùng với cầu Thảo Long, cầu Thuận An và cầu Tư Hiền tạo nên một hệ thống giao thông liên hoàn của tuyến QL49B chạy dọc ven biển từ Bắc vào Nam của tỉnh; tạo sự liên kết, phát triển bền vững giữa các vùng miền các huyện: Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà, Phú Vang, Phú Lộc; rút ngắn khoảng cách giữa các xã ven biển với TP. Huế và với QL1A; đáp ứng yêu cầu cấp bách về giao thông vận tải, phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh nhà.

Sau đó, tháng 7/2004, người dân vùng khu ba Phú Lộc khấp khởi mừng vui khi cầu Tư Hiền được khởi công. Đây là chiếc lớn nhất được xây dựng ở Thừa Thiên Huế từ trước tới nay vì nó dài trên 900m, đủ sức để xe có tải trọng 30 tấn qua lại.

Do nằm cách cửa biển 800m về phía đầm Cầu Hai, để tàu thuyền dễ vào ra, cầu Tư Hiền có khổ thông thuyền cao 9m, thêm nữa ở phía cửa biển cảng cá cũng đã được xây, việc neo đậu càng thuận tiện. Cuối năm 2007, cầu Tư Hiền khánh thành, bến tàu Đá Bạc theo đó ngưng hoạt động, chấm dứt cảnh “lụy đò” từ nhiều đời nay.

Cây cầu Thuận An  được xây vào đầu những  năm 1990 như đã đề cập, theo thời gian nó đã hoàn thành vai trò lịch sử của mình. Thay thế cho nó là một cây cầu mới cũng mang tên Thuận An được đưa vào sử dụng cuối tháng 8 năm 2007. Chiếc cầu này dài 488m, rộng 10m.  So với cầu cũ, nó rộng gấp đôi do Bộ GTVT trực tiếp đầu tư với tổng số vốn 68,7 tỷ đồng, kể cả đường dẫn ở bên đầu cầu.

Tiếp đó, cuối tháng 8/2010, người dân ở phía Bắc cửa Thuận An lại vui mừng chào đón sự kiện: khánh thành cầu Tam Giang. Chiếc cầu làm chức năng thay cho bến đò Ca Cút ngày nào, tuy chỉ dài hơn 600m (rộng 10m) nhưng đây là công trình giao thông quan trọng, vì nó đóng vai trò tiếp nối, như nhận xét của Chủ tịch UBND Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Cao tại lễ khánh thành.

Phạm Hữu Thu

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

TIN MỚI

Return to top