ClockThứ Bảy, 15/08/2020 13:30

Phát triển hạ tầng giao thông nội đô

TTH - Ô tô cá nhân tăng nhanh trong khi hạ tầng giao thông nội đô trên địa bàn TP. Huế chưa đáp ứng được nhu cầu dẫn đến ùn tắc và ảnh hưởng trật tự đô thị (TTĐT).

Phát triển giao thông nội đôĐiểm nhấn đô thị

Đường Lê Lợi được chỉnh trang, nâng cấp và tăng cường hệ thống chiếu sáng

Chưa đáp ứng nhu cầu

Theo thống kê, địa bàn thành phố hiện có 495 tuyến đường đô thị, gồm: quốc lộ, tỉnh lộ và đường đô thị với tổng chiều dài 270,43km. Thực trạng hệ thống giao thông đô thị do thành phố quản lý đa số có chiều rộng lòng đường nhỏ hẹp; thiếu quỹ đất để bố trí cho giao thông tĩnh; thiếu các bến, bãi đỗ xe.

Việc các phương tiện giao thông tăng nhanh trong các năm qua đã và đang tạo áp lực lớn cho giao thông đô thị. Tình trạng hư hỏng, xuống cấp các công trình giao thông khá nhiều, trong đó có hệ thống 15 cầu vòm di tích, các cầu trên tuyến đường vành đai như cầu Chợ Dinh, Bãi Dâu, Bạch Yến... là những nguyên nhân chính dẫn đến ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông và gây mất TTĐT trên địa bàn.

Đường sắt Bắc Nam qua địa bàn thành phố dài 10km có rất nhiều đường ngang (19 đường) giao cắt với đường sắt, nhưng hệ thống đường gom chưa được đầu tư hoàn chỉnh nên nguy cơ tai nạn giao thông cao. Hệ thống đường thủy nội địa, bao gồm: Sông Hương, Đông Ba, Bạch Yến, An Cựu, Như Ý, Kẻ Vạn và hệ thống thủy đạo Kinh thành Huế vẫn chưa được kết nối và lưu thông đồng bộ nên chưa khai thác hết tiềm năng của hệ thống phương tiện thủy nội địa. Đến nay, thành phố đang quản lý 7 bến thuyền, trong đó giao Ban Quản lý Bến xe thuyền TP. Huế quản lý 5 bến,Trung tâm Công viên Cây xanh Huế quản lý 2 bến.

Trong khi đó, các bến xe, bến thuyền, giao thông tĩnh còn gặp nhiều khó khăn, tổng quỹ đất dành cho giao thông tĩnh trên địa bàn khoảng 10,17ha, thấp so với chỉ tiêu quy hoạch đến năm 2020 (khoảng 81,6 ha) và đến năm 2030 (khoảng 96,6ha). Hiện, khu vực trung tâm thành phố như Sân vận động Tự Do, khu vực xung quanh phố đi bộ Chu Văn An - Võ Thị Sáu - Phạm Ngũ Lão, các tuyến đường như Nguyễn Huệ, Hùng Vương, Hai Bà Trưng, Bến Nghé; các khu di tích như Đại Nội, Cung An Định... chưa đáp ứng đủ nhu cầu đậu, đỗ xe.

Các công trình thương mại dịch vụ trên địa bàn thành phố như Siêu thị Coop.Mart, Big C, VinCom Plaza... tuy đã đầu tư tầng hầm phục vụ đỗ xe nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu, nên tình trạng ô tô đỗ trên các trục đường đô thị còn phổ biến dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông cục bộ.

Nâng cấp, chỉnh trang

Đến nay, đã thực hiện nâng cấp, mở rộng chỉnh trang, tăng cường hệ thống chiếu sáng các tuyến đường trung tâm như: Lê Lợi, Bến Nghé, Lê Quý Đôn, Hùng Vương; mở rộng nút giao Ngã 6 - Hùng Vương…; thực hiện kẻ vẽ các điểm dừng, đỗ xe ô tô tại các tuyến đường như: Nguyễn Huệ, Nguyễn Thái Học, Đội Cung...Ngoài ra, đã triển khai lắp đặt hệ thống camera giám sát, hạ lề một số tuyến đường để phục vụ giao thông tĩnh; lắp đặt, bổ sung hệ thống biển báo, vạch sơn phân làn, gờ giảm tốc, hệ thống đèn tín hiệu giao thông trên các tuyến đường thành phố (tại nút giao Tản Đà - Nguyễn Văn Linh, Yết Kiêu - Nguyễn Trãi, Hùng Vương - Nguyễn Tri Phương; cầu Trường Tiền, cầu Phú Xuân và cầu An Cựu…).

Công tác tổ chức giao thông, giảm ùn tắc giao thông đã được thành phố triển khai kịp thời, như thực hiện kẻ gờ giảm tốc, sơn kẻ vẽ một số tuyến đường, trung tâm như Lê Huân, 23/8, Cửa Ngăn, Đặng Thái Thân, Đoàn Thị  Điểm, bổ sung thay thế tích hợp hệ thống biển báo, biển báo hiệu giao thông tại các tuyến đường bộ giao cắt với đường sắt, tổ chức đóng một số tuyến đường ngang dân sinh trái phép, đầu tư nâng cấp, bổ sung hệ thống điện chiếu sáng đô thị tại các tuyến đường, kiệt đảm bảo an ninh trật tự đô thị.

Hoàn thiện hạ tầng giao thông

Năm 2020, thành phố tập trung đầu tư và phát triển hệ thống giao thông, giao thông tĩnh, trong đó hoàn thành các dự án (DA) nâng cấp, chỉnh trang các tuyến đường phía nam thành phố từ nguồn vốn kết dư của DA Cải thiện môi trường nước thành phố với 40 tuyến đường, tổng kinh phí 214 tỷ đồng; triển khai DA Green City, bao gồm hệ thống thoát nước, vỉa hè các tuyến đường khu vực Kinh thành Huế; các tuyến đường Huyền Trân Công Chúa, Bùi Thị Xuân (đoạn từ cầu Long Thọ đến Đình làng Lương Quán).

Thành phố đã và đang rà soát xây dựng kế hoạch, lộ trình phát triển hệ thống giao thông đô thị theo quy hoạch, bao gồm mở rộng, chỉnh trang, nâng cấp các tuyến đường Hà Nội, Dương Văn An, Trần Phú; các tuyến đường, cầu vành đai đô thị; các tuyến đường đến các địa điểm du lịch như Bùi Thị Xuân, Lê Ngô Cát... Đầu tư các bến bãi, điểm đỗ xe phục vụ du lịch, phát triển kinh tế - xã hội như bến xe tải Phú Hậu, bãi đỗ xe Đàn Nam Giao, bãi đỗ xe Eo bầu Nam Xương - Nam Thắng... Triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa kết cấu hạ tầng giao thông đô thị như lắp đặt hệ thống giá long môn, bảng điện tử phân luồng trên các tuyến đường trung tâm, xây dựng Trung tâm điều khiển hệ thống đèn tín hiệu giao thông.

Theo Chủ tịch UBND TP. Huế Hoàng Hải Minh, từ nay đến cuối năm, thành phố đẩy nhanh tiến độ các DA nâng cấp đô thị Huế, các DA trọng điểm, chỉnh trang đô thị. Trong đó, huy động vốn đầu tư, nâng cấp hệ thống đường giao thông nội đô, hạ tầng kỹ thuật, các DA thoát nước, điện chiếu sáng, công viên xanh đảm bảo cảnh quan, vệ sinh môi trường đô thị.

Thành phố đôn đốc các phường thực hiện triển khai các DA phát triển hạ tầng đô thị, DA mở rộng đường kiệt, bê tông hóa đường kiệt đảm bảo tiến độ, đồng thời rà soát cân đối để phân bổ nguồn vốn triển khai các DA mở rộng đường kiệt, chỉnh trang vỉa hè, công viên; điều chuyển nguồn vốn các DA chậm thực hiện sang các DA khác để đảm bảo tiến độ và khả năng giải ngân vốn.

Bài, ảnh: THANH HƯƠNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khai thác tiềm năng, thế mạnh để xây dựng và phát triển 2 quận

Năm 2025, TP. Huế tiếp tục xây dựng và phát triển 2 quận của TP. Huế trực thuộc Trung ương trên cơ sở khai thác, phát huy hiệu quả các nền tảng hiện có, thành tựu đã đạt được; đồng thời, khai thác tiềm năng, thế mạnh, lợi thế riêng có để góp phần xây dựng TP. Huế phát triển bền vững.

Khai thác tiềm năng, thế mạnh để xây dựng và phát triển 2 quận
Phát triển kinh tế tập thể: Hướng đi hiệu quả

Việc liên kết sản xuất, đổi mới mẫu mã, phương thức bán hàng đã giúp các mô hình kinh tế hợp tác xã (HTX) phát huy tối đa lợi thế, thúc đẩy sự phát triển, nhất là các sản phẩm công nghiệp nông thôn...

Phát triển kinh tế tập thể Hướng đi hiệu quả

TIN MỚI

Return to top