ClockThứ Năm, 16/09/2021 06:15

Quản lý trật tự đô thị sau khi thành phố mở rộng: Nhiều vấn đề đặt ra

TTH - Cùng với việc ra quân lập lại trật tự đô thị (TTĐT) - an toàn giao thông (ATGT) và xử lý các trường hợp vi phạm trong hoạt động xây dựng, Đội Quản lý đô thị (QLĐT) TP. Huế đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân nắm bắt các quy định của Nhà nước trong việc xây dựng công trình, thực hiện quy định về TTĐT, nhất là 13 xã, phường mới sáp nhập từ 1/7.

Khó nhân sự và cơ sở vật chấtTrước mắt, thành phố sẽ quan tâm đến hệ thống hạ tầng thiết yếuKhông ảnh hưởng đến hoạt động tín dụng chính sáchƯu tiên đầu tư hạ tầng để kết nối du lịch

Các tuyến đường trung tâm thành phố giờ khá thông thoáng, các phương tiện đậu đỗ xe đúng quy định

Kiên quyết xử lý

Khu vực xung quanh Bệnh viện Trung ương Huế, chợ An Cựu đoạn đường Đặng Văn Ngữ, đường Chương Dương-Tân Thiết phía sau chợ Đông Ba hay khu vực Hoàng Hoa Thám-Trương Định là những “điểm nóng” về TTĐT và ATGT khi lưu lượng người dân tụ tập kinh doanh mua bán đông, nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19. Sau nhiều đợt ra quân kiểm tra và kiên quyết xử phạt các hộ kinh doanh, tình hình kinh doanh buôn bán tại các khu vực này dần ổn định, tạo sự đồng thuận trong quần chúng Nhân dân, đồng thời ý thức người dân trong việc chấp hành, tuân thủ các quy định về đảm bảo TTĐT- ATGT.

Thực hiện kế hoạch của thành phố về “Xây dựng nếp sống văn minh đô thị” năm 2021, Đội QLĐT tổ chức kiểm tra việc chấp hành tháo dỡ các mái quay, mái vẩy chiếm dụng không gian đường bộ tại các phường An Đông, Phú Hội, Phú Nhuận…, hiện đang tiếp tục kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện tại các địa phương khác. Đội phối hợp UBND các phường kiểm tra xử lý nghiêm những trường hợp xây dựng không che chắn gây ô nhiễm môi trường, các trường hợp thi công xây dựng ảnh hưởng các công trình liền kề. Đồng thời, đôn đốc cán bộ phụ trách, tăng cường công tác kiểm tra giám sát trên khu vực, tuyến đường UBND phường phụ trách quản lý trên lĩnh vực đô thị đối với các trường hợp vi phạm.

Qua kiểm tra, 8 tháng đầu năm 2021, Đội QLĐT thành phố đã xử lý vi phạm hành chính trên lĩnh vực xây dựng hơn 250 trường hợp với tổng số tiền hơn 4,8 tỷ đồng; chuyển hồ sơ vượt thẩm quyền đề nghị UBND tỉnh ban hành quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả 12 trường hợp không phép và sai phép; tham mưu UBND tỉnh, UBND TP. Huế ban hành quyết định xử phạt 234 trường hợp vi phạm xây dựng không phép, sai phép với  hơn 4,5 tỷ đồng. Ngoài hình thức xử phạt chính, còn buộc chủ công trình phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả, như buộc dừng thi công xây dựng đối với 249 trường hợp, lập thủ tục đề nghị cấp giấy phép xây dựng 190 trường hợp, buộc phải lập thủ tục đề nghị điều chỉnh giấy phép xây dựng 53 trường hợp và tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm 6 trường hợp.

Đối với lĩnh vực TTĐT, qua kiểm tra, đội đã xử lý 354 trường hợp vi phạm, trong đó xử phạt vi phạm hành chính 221 trường hợp với số tiền hơn 87 triệu đồng, cá nhân vi phạm không phối hợp lập biên bản xử lý 131 trường hợp, cam kết 2 trường hợp, tạm giữ hơn 1.300 tang vật, phương tiện.

Dồn sức cho 13 xã, phường mới

Từ 1/7, TP. Huế mở rộng với thêm 13 xã, phường mới trước đây thuộc huyện Phú Vang, TX. Hương Trà, Hương Thủy. Với đặc thù mới chuyển từ huyện, thị xã sang thành phố nên công tác quản lý địa bàn cũng khác với trước đây, có khó khăn cho đội ngũ làm công tác TTĐT cũng như quản lý hoạt động xây dựng tại các địa phương.

Trước đây, người dân tại 13 xã, phường mới có nhu cầu xây dựng nhà ở, đền thờ hay các công trình dân sinh chỉ cần thông báo với chính quyền địa phương; sau 1/7 phải thực hiện các thủ tục cấp phép nên đa số các hộ dân chưa quen, chưa nắm bắt các quy định mới dẫn đến nhiều sai phạm.

Theo ông Trương Đắc Giàu, Phó Chủ tịch UBND phường Hương Vinh, sau khi sáp nhập vào thành phố, công tác đảm bảo TTĐT luôn được phường chú trọng. Song, với nhiều quy định thay đổi từ quản lý xây dựng, TTĐT- ATGT… nên phường gặp không ít khó khăn. Để người dân nắm bắt các quy định mới, cần phải có đội ngũ chuyên trách làm công tác TTĐT vừa tuyên truyền, hướng dẫn vừa tăng cường công tác kiểm tra; cần có phương tiện để triển khai các hoạt động kiểm tra, kiểm soát nhằm đảm bảo TTĐT trên địa bàn.

Phó Đội trưởng Đội QLĐT Lê Quang Lân cho rằng, ngoài việc người dân xây dựng nhà cửa không thực hiện các thủ tục cấp phép, xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp dẫn đến sai phạm, khó khăn nữa là hạ tầng giao thông ở 13 xã, phường mới chưa đồng bộ nên rất khó khăn trong việc quản lý. Đường giao thông nhỏ, chưa có vỉa hè và xuất hiện nhiều “điểm đen” giao thông, trong khi thói quen dựng lều quán bên lề đường kinh doanh buôn bán, hình thành các chợ “tạm” trên đường hay đậu đỗ xe không đúng nơi quy định diễn ra thường xuyên nên công tác QLĐT gặp nhiều khó khăn.

Để đảm bảo TTĐT - ATGT và xây dựng nếp sống văn minh đô thị, cùng với việc tăng cường tuần tra, kiểm soát và xóa bỏ các “điểm nóng” về TTĐT tại các khu vực trung tâm thành phố, từ 1/7 đến nay đội dồn sức cho 13 xã, phường mới. Trong đó, huy động nhân lực, bố trí lực lượng tăng ca, làm thêm cả ngày nghỉ và khai thác hết công suất để đáp ứng yêu cầu công việc.

Hiện, Đội QLĐT có 3 tổ TTĐT, 6 tổ trật tự xây dựng với gần 70 người thường xuyên bám sát các địa bàn, song sau khi thành phố mở rộng, nhân lực không đủ để đáp ứng yêu cầu công việc. Ngoài ra, tại 27 phường (cũ), đội biệt phái thêm lực lượng làm công tác TTĐT về hỗ trợ các địa phương, các xã phường mới, nhưng hiện vẫn chưa có. Để đảm bảo đủ nhân lực, phương tiện thực hiện tốt công tác QLĐT trên địa bàn, đội đang đề xuất thành phố bổ sung nhân lực, phương tiện nhằm đáp ứng yêu cầu công việc cho thành phố mở rộng, đảm bảo TTĐT và trật tự xây dựng trên địa bàn.

Bài, ảnh: Thanh Hương

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cơ hội và thách thức trong quản lý đô thị di sản của TP. Huế trực thuộc Trung ương

Với tính chất là đô thị di sản, trong chiến lược lâu dài, Thừa Thiên Huế sẽ được cấu trúc thành chùm đô thị đa trung tâm. Sự phát triển sẽ dựa trên các điều kiện về sự phân bổ dân số, điều kiện tự nhiên, sông ngòi, đầm phá, biển, khoáng sản…và đặc biệt các thế mạnh của tài nguyên văn hóa. Điều này cũng đặt ra nhiều cơ hội kèm thách thức một khi Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Cơ hội và thách thức trong quản lý đô thị di sản của TP Huế trực thuộc Trung ương
Tập trung xây dựng đô thị di sản xứng tầm

Chiều 5/12, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri sau Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Hội nghị được kết nối trực tuyến đến điểm cầu các địa phương.

Tập trung xây dựng đô thị di sản xứng tầm

TIN MỚI

Return to top