Tuyến Tứ Phú - Đức Trọng trở thành tuyến giao thông huyết mạch
Kết nối để phát triển du lịch
Gần đây, khu du lịch cộng đồng Ngư Mỹ Thạnh (Quảng Lợi) trở thành điểm đến “hot” của các bạn trẻ và khách du lịch. Công ty CP Du lịch Đại Bàng chọn Ngư Mỹ Thạnh làm nơi đầu tư điểm dừng chân Epark Tam Giang Lagoon.
Giám đốc Công ty CP Du lịch Đại Bàng Nguyễn Đình Thuận chia sẻ: Quảng Điền có rất nhiều lợi thế trong phát triển du lịch. Ngoài cộng đồng ngư nghiệp, hệ thống chợ nổi còn mang đậm tính sơ khai, hệ thống nò sáo, rừng ngập mặn với nhiều điểm nhấn. Việc kết nối hạ tầng giữa Quảng Điền và Huế khá thuận lợi chính là động lực để công ty chọn đầu tư cho điểm đến Ngư Mỹ Thạnh.
Số lượng khách du lịch đến Ngư Mỹ Thạnh tăng đáng kể. Nếu 6 tháng đầu năm 2016, chỉ có 160 khách du lịch đến đây thì trong 10 ngày đầu tháng 8/2017, riêng tour du lịch khám phá hoàng hôn trên Tam Giang của Công ty CP Du lịch Đại Bàng đã đón hơn 200 lượt khách, chưa kể lượng khách lẻ. Chính sự bứt phá trong đầu tư cơ sở hạ tầng đã góp phần tạo sức hút cho điểm đến Ngư Mỹ Thạnh.
Thông tin từ UBND huyện, đến nay, riêng khu vực Ngư Mỹ Thạnh và vùng giáp ranh, Quảng Điền đã đầu tư 11,5 tỷ đồng xây dựng đê tây phá Tam Giang, đoạn từ Cồn Tộc đến Hà Đồ. Dự án SoDi, Lux cũng đầu tư nhiều hạng mục công trình như: cầu tàu, đường giao thông, các nhà chồ du lịch.
Huyện đầu tư xây dựng bãi đậu xe, khu vệ sinh, xây dựng nhà trưng bày sản phẩm thủ công truyền thống địa phương, tạo sự đa dạng trong phát triển dịch vụ vùng.
Nhiều đơn vị tư nhân, đơn vị lữ hành đã tiến hành khảo sát, đầu tư cơ sở phát triển dịch vụ khu vực này. Đây được xem là động lực quan trọng tạo nên bước chuyển trong phát triển du lịch ở Quảng Lợi nói riêng và Quảng Điền nói chung.
Theo ông Trương Duy Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền, hệ thống giao thông đối ngoại nối trung tâm huyện đến TP. Huế và các vùng lân cận có tầm quan trọng rất lớn trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của huyện.
Bằng nhiều nguồn vốn huy động, Quảng Điền đã đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp 61,6 km tuyến đường đối ngoại; trong đó điểm nhấn là các tuyến Tỉnh lộ 11A và Tỉnh lộ 19 đi qua trung tâm huyện.
Xã hội hóa nguồn lực đầu tư
Bên cạnh hạ tầng đô thị, hạ tầng giao thông kết nối Huế với đô thị trung tâm Quảng Điền và vùng phụ cận, hệ thống giao thông nông thôn (GTNT) cũng được quan tâm đầu tư.
Nhiều công trình quan trọng đã hoàn thành và đưa vào sử dụng như: đường Đông Xuyên – Mỹ Ốn, đường dọc sông Bồ, đường vành đai tây Quảng Thành, các tuyến đường nội thị và các tuyến đường thuộc chương trình ADB, WB.
Các tuyến đường xã, liên xã được cứng hóa và bê tông hóa với chiều dài 88,54 km; hơn 133km đường trục thôn; 170km đường ngõ xóm; 81km đường trục chính nội đồng được bê tông hóa.
Chương trình hỗ trợ xi măng làm đường GTNT nhận được sự đồng tình rất cao của người dân, huy động sức mạnh cộng đồng vào xây dựng hạ tầng. Đến nay, huyện đã hỗ trợ 11.012 tấn xi măng xây dựng các công trình GTNT trên địa bàn, với tổng chiều dài gần 59km, tổng kinh phí đã bố trí đạt 14,35 tỷ đồng.
Theo tính toán, đầu tư 1km đường GTNT cần số tiền khoảng 3,6 tỷ đồng. Nhưng chỉ với vốn hỗ trợ đầu tư 14,35 tỷ đồng (tương đương vốn đầu tư gần 5km đường), nhưng người dân đã tự đóng góp kinh phí bê tông hóa được gần 59km đường xóm, thôn, tương đương gần 220 tỷ đồng .
Nhiều địa phương mạnh dạn trích ngân sách mua xi măng hỗ trợ bê tông hóa đường xóm. Ông Hồ Đăng Dũng, Chủ tịch UBND thị trấn Sịa cho biết: Ngoài nguồn hỗ trợ 100 tấn xi măng của huyện, thị trấn đã trích ngân sách mỗi năm 500 triệu đồng hỗ trợ cho các xóm.
Với mức đóng góp trung bình 3 triệu đồng/hộ, cá biệt có những xóm mức đóng góp này lên đến 10 triệu đồng/hộ nhưng người dân vẫn rất đồng tình. Hiện, các tuyến đường đều được nâng cấp, mở rộng thành 3,5m, người dân chủ động đầu tư tường rào, điện thắp sáng...
Ông Trương Duy Hải thông tin, thời gian tới, huyện tập trung huy động tốt các nguồn lực đầu tư hoàn thiện hệ thống giao thông đối ngoại; xúc tiến đầu tư các công trình trọng điểm. Ngoài tăng cường huy động nguồn vốn ngân sách, huyện cũng tập trung kêu gọi đầu tư, đẩy mạnh thực hiện cơ chế hỗ trợ xi măng bê tông hóa các tuyến đường giao thông.
Trong đó, xã hội hóa nguồn lực đầu tư theo chủ trương Nhà nước và Nhân dân cùng làm; tranh thủ các nguồn lực đầu tư từ các dự án phi chính phủ được xem là giải pháp quan trọng, tạo cú hích trong phát triển cơ sở hạ tầng.
Bài, ảnh: Hoàng Loan