Phố đi bộ sẽ được kết nối với không gian hai bên bờ sông Hương nhằm tạo nên điểm tham quan lý tưởng cho du khách
Tạo điểm nhấn từ các công viên
Quản lý DA Koica, Giáo sư Ohn Yeoung Te giới thiệu phương hướng phát triển chung của DA, trong đó chú trọng đến QH phát triển không gian, hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hướng dẫn thiết kế đô thị khu vực trung tâm phía nam và phía bắc TP. Huế dọc hai bờ sông Hương. Với tiềm năng Huế là thành phố danh lam thắng cảnh, QH sẽ thiết lập điểm mốc ven sông và địa điểm tổ chức các sự kiện, lễ hội tầm vóc quốc tế, đồng thời hình thành cảnh quan ven sông hài hòa với cảnh quan tự nhiên và môi trường văn hóa lịch sử. QH sẽ hướng đến việc xây dựng không gian nghỉ ngơi cho người dân, cung cấp không gian giải trí và hoạt động ngoài trời đa dạng, thiết lập không gian ven sông thân thiện môi trường và an toàn trước thiên tai.
Một trong những điểm nhấn trong QH là QH công viên xanh. Với lợi thế có đến 8 công viên nằm dọc hai bờ sông Hương nên việc lập QH để khai thác lợi thế các khu vực này là rất cần thiết. Các công viên sẽ xây dựng các công trình kiến trúc phù hợp, xây dựng các khu vui chơi giải trí ngoài trời, quảng trường, khu thương mại và bố trí hệ thống cây xanh, điện chiếu sáng hài hòa với cảnh quan xung quanh. Để tạo điểm nhấn cho TP. Huế nhìn từ khu vực hai bên bờ sông Hương, QH đã xây dựng thiết kế đô thị ở khu vực phía Nam TP. Huế, cồn Dã Viên, cồn Hến đến phố cổ Bao Vinh và đường Trịnh Công Sơn…
Lãnh đạo các sở, ban ngành đưa ra nhiều ý kiến góp ý và phản biện, như: kiến nghị bổ sung nghiên cứu sự kết nối khu vực hai bên bờ sông Hương với các tuyến phố, khu vực lân cận nhằm đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ; nghiên cứu thêm việc bố trí, tổ chức các không gian văn hóa đường Lê Lợi, khai thác tối đa tiềm năng ở các công viên. Đề xuất việc khai thác tuyến giao thông đường thủy kinh thành Huế kết nối với sông Hương hình thành nên tuyến giao thông phục vụ du lịch, chú trọng chỉnh trang sông đào đối diện Hoàng Thành, sông Bạch Yến, Đông Ba để khai thác tuyến du lịch đường thủy.
Một số ý kiến đề xuất, QH nên chú trọng đến hệ thống điện chiếu sáng cho khu vực hai bên bờ sông Hương, phương án phối màu đèn đường và xây dựng các bảo tàng nằm trên đường Lê Lợi; cần bổ sung 3 bến thuyền du lịch vào QH vì đây là các điểm khách du lịch dừng chân. Đó là bến Thủy Biều, bến Than (đối diện Điện Hòn Chén) và bến Thanh Tiên ở xã Phú Mậu; xây dựng cầu Đập Đá, bố trí các tuyến phố dành cho người đi xe đạp; đồng thời khai thác giá trị vốn có của sông Hương để thiết kế chi tiết các điểm nhấn từ công viên, phố đi bộ, xây dựng quảng trường, điểm vui chơi giải trí…
Phối cảnh điểm vui chơi hai bờ sông Hương đoạn qua trung tâm thành phố Huế
Khai thác tuyến phố hai bên sông
Dưới góc nhìn của Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, một trong những chuyên gia về kiến trúc và quy hoạch Việt Nam, vấn đề cải tạo khu công viên cây xanh, mặt nước để khu vực này trở nên khang trang hơn, cần tổ chức các tuyến giao thông công cộng, giao thông đường thủy. Việc xây dựng các công trình mới nên đặt vào bối cảnh làm sao thu hút được nguồn vốn xã hội hóa, đem lại hiệu quả kinh tế xã hội giúp cho các khu vực đã phát triển chứ không chỉ đơn thuần là xây dựng công trình.
Liên quan đến DAQHCTHBSH, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn đánh giá cao bản QH của các chuyên gia Hàn Quốc, song theo ông, vì QH đã triển khai từ nhiều năm nên cần phải xác định lại các vấn đề trọng tâm để triển khai ngay. Các vấn đề đang tranh cãi nên dành ở phần sau phụ lục và sẽ nghiên cứu tiếp. QH sông Hương không thể tách rời với việc tạo nên cơ hội phát triển các khu vực dọc hai bờ sông, phải đi sâu vào phía trong và thể hiện được nét văn hóa của Huế qua các giai đoạn. QH khu Đại nội là khu trung tâm của thế kỷ 19, khu phố Tây là không gian vui chơi giải trí của thế kỷ 20 và thế kỷ 21 sẽ nằm ở khu An Vân Dương.“Tất cả các khu vực này phải kết nối với sông Hương và phát triển đô thị không thể tách rời dòng sông. Nếu làm được điều này Huế sẽ phát triển bền vững và tạo không gian đô thị riêng biệt để tiếp nối các thời kỳ lịch sử của vùng đất thần kinh”, ông Sơn nhấn mạnh.
Kết luận tại buổi báo cáo, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao nhấn mạnh, về QH không gian kiến trúc cảnh quan, QH cần quy định rõ hơn về chiều cao, mật độ xây dựng ở khu vực hai bên bờ sông Hương. Đồ án lần này đã nghiên cứu bổ sung một số định hướng thiết kế đô thị cho khu vực đường Lê Lợi, khu vực Gia Hội và Bao Vinh…tuy nhiên, cần có định hướng thiết kế đô thị cho toàn khu vực dọc sông Hương đảm bảo trong tương lai các công trình dọc sông Hương đều có mặt tiền hướng ra phía bờ sông. Với lợi thế có khá nhiều công viên nằm dọc hai bờ sông Hương nên QH phải hướng đến khai thác tối đa tiềm năng các công viên để phát triển dịch vụ du lịch, phải xây dựng các điểm nhấn dọc bờ sông để tập hợp được người dân và du khách.
Đối với các công trình xây dựng phía bờ sông cần bổ sung quy định khoảng lùi tối thiểu; cần xây dựng các công trình văn hóa, du lịch và mỹ thuật dọc hai bờ sông, trong đó phải thiết kế hệ thống giao thông hài hòa, đảm bảo các yếu tố phong thủy. Mặt khác, nghiên cứu giảm quy mô bến tàu ở Tòa Khâm và thiết kế công trình cơ sở vật chất đường phố như ghế ngồi, thùng rác, nhà vệ sinh công cộng có chất liệu, hình thức phù hợp với đô thị, thành phố xanh nhằm tạo không gian hài hòa sau khi đề án hoàn chỉnh.
Dự án QHCTHBBSH do Cơ quan Hợp tác quốc tế Koica tài trợ 6 triệu USD, triển khai từ tháng 9/2015. Dự án bắt đầu từ đồi Vọng Cảnh đến phố cổ Bao Vinh với chiều dài 15km, bao gồm cả cồn Hến và cồn Dã Viên với diện tích quy hoạch gần 840 ha, trong đó khu vực HBBSH hơn 313 ha và diện tích mặt nước 485 ha. |
Bài, ảnh: Thanh Hương