Mặc dù là đường dành cho người đi bộ, xe đạp nhưng nhiều người điều khiển xe máy vẫn bất chấp đi vào
Bất chấp nguy hiểm
Đường đi bộ dọc theo sông Hương chạy qua trung tâm TP. Huế sau thời gian chỉnh trang, cải tạo trở thành một trong những điểm đến vui chơi ngắm cảnh của du khách và người dân.
Ở bờ Nam, đường dọc sông Hương kéo dài từ Bến Tòa Khâm đến Học viện Âm nhạc Huế, song song với đường Lê Lợi. Phía đối diện, đường đi bộ ở bờ Bắc kéo dài từ cầu Trường Tiền lên đến cầu Dã Viên, song song với đường Trần Hưng Đạo và Lê Duẩn. Cả hai cung đường này được đầu tư cải tạo, chỉnh trang với kinh phí hàng chục tỷ đồng, được ốp đá và lắp hệ thống đèn, trồng thêm cây xanh rất đẹp mắt. Kể từ khi đưa vào hoạt động, mỗi ngày cung đường này đón hàng ngàn lượt người đến vui chơi, tập thể dục…
Tuy nhiên, thời gian gần đây người dân dạo bộ cũng như đi xe đạp ở cung đường này tỏ ra e ngại bởi tình trạng người điều khiển xe máy đi vào vào với tốc độ rất nhanh, gây ra nguy cơ tai nạn giao thông.
Ngày nào cũng ra tuyến đường này để dạo bộ, anh Nguyễn Ngọc An (P. An Hòa, TP. Huế) tỏ ra lo lắng khi hơn một tháng trở lại đây lượng xe máy ào ào chạy vào đây. Theo anh An, nhiều người vô tư chạy chẳng khác gì đường quốc lộ. Có người lao vùn vụt, suýt gây ra tai nạn. “Đường đi bộ nên có rất nhiều cụ già và em nhỏ cùng gia đình ra đây vui chơi vào sáng sớm hoặc chiều tối. Thay vì tìm cảm giác thoải mái thì này họ lại rất lo ngại và đề phòng bởi thi thoảng có chiếc xe máy lao vút. Nếu không để ý sẽ rất nguy hiểm”, anh An nói và cho hay, từng có nhiều vụ va chạm nhẹ giữa xe máy với người đi bộ, xe đạp khiến nhiều người thót tim.
Nhiều ngày qua, dọc theo cả 2 tuyến phố đi bộ này có một vài điểm giữ xe máy như phía đối diện Bệnh viện Trung ương Huế, hay các khu cạnh cầu Trường Tiền… Còn lại, vẫn còn nhiều đường dẫn do các lái xe máy tự mở rồi chạy thẳng vào bên trong đường đi bộ.
Lượng xe máy vào đường đi bộ nhiều nhất tập trung ở cung đường ven sông Hương phía bờ Bắc. Khu vực này còn có nhiều quán nước ở bên trong công viên, nên lượng người di chuyển ra vô bất kể giờ giấc. Chưa kể, một lượng lớn người vào chơi bi sắt ở cạnh Nghinh Lương Đình cũng để xe trên đường đi bộ gây mất mỹ quan, lộn xộn. Những ngày này, thời tiết nắng nóng, tỷ lệ người dân đi xe máy vào công viên rồi đi thẳng vào đường đi bộ càng tăng cao.
Có phương án đảm bảo an toàn, trật tự
Theo ý kiến của nhiều người dân, cần siết chặt việc xe máy đi bộ bằng cách lắp các biển thông báo. Quan trọng hơn, đó là làm các rào chắn tầm thấp ngay từ phía bên ngoài các đường chính dẫn vào đường đi bộ, để người điều khiển xe máy không thể đi vào. Chưa hết, ở phía bờ Bắc nên mở các bãi giữ xe để người đi xe máy yên tâm gửi, và cần có các hình thức xử phạt, chế tài để làm gương.
Việc xe máy đi vào bên trong đường đi bộ, xe đạp có nguy cơ dẫn đến tai nạn, mất trật tự
“Nếu làm được điều đó, thì tuyến đường đi bộ sẽ trở nên đúng nghĩa. Người đi dạo hay đi xe đạp mới yên tâm vui chơi, tập thể dục… Chưa kể đó còn là hình ảnh của Huế, của thành phố du lịch bình yên, thơ mộng”, chị Nguyễn Thu Ngân (P. Phú Hội, TP. Huế) tâm sự, và cho rằng để làm việc đó không khó, bên cạnh kêu gọi người dân hãy ý thức, tự giác hơn nữa.
Liên quan đến thực trạng nói trên, trong đợt kiểm tra tuyến đường đi bộ dọc hai bờ sông Hương cuối tuần vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ đề nghị UBND TP. Huế cần có phương án đảm bảo an toàn, trật tự trên tuyến đường này, tránh ảnh hưởng đến người đi bộ và người đi xe đạp, mất an toàn giao thông.
Trao đổi với chúng tôi chiều 18/5, ông Hoàng Hải Minh – Chủ tịch UBND TP. Huế cho hay, đã nhận được thông tin phản ánh như đã phản ánh ở trên. Ông Minh đề nghị các đơn vị liên quan có kế hoạch đảm bảo an toàn cho người dân và du khách đi bộ, đạp xe đạp. Cụ thể, sẽ cho lắp biển cấm xe máy, ngoài ra sẽ kẻ vạch để phân làn xe đạp, người đi bộ. Bên cạnh đó, thời gian tới sẽ mở một số bãi giữ xe máy cạnh đường đi bộ để người dân có thể yên tâm gửi xe rồi mới vào bên trong.
Bài, ảnh: NHẬT MINH