ClockThứ Tư, 20/04/2022 15:32

Siết chặt quản lý đào tạo, sát hạch lái xe

TTH - Nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe (GPLX) nhằm trang bị đầy đủ năng lực và kỹ năng cho người điều khiển phương tiện là những yếu tố quan trọng để tham gia giao thông an toàn.

"Nâng chất" đào tạo, sát hạch lái xeNên giao cho công an đào tạo, sát hạch, cấp bằng lái xeBộ GTVT thanh tra việc đào tạo lái xe ở 13 tỉnh, thành phố

Trung tâm đào tạo lái xe Tâm An - Huế luôn chú trọng hạ tầng sân bãi thực hành để nâng cao chất lượng đào tạo

Giải quyết những bất cập

Là trung tâm kinh tế - xã hội ở khu vực miền Trung, gần đây Thừa Thiên Huế có mật độ phương tiện lưu thông nhộn nhịp không chỉ ở các quốc lộ, tỉnh lộ mà còn ra vào các tuyến kết nối với đô thị, khu công nghiệp, sân bay, cảng biển.

Thống kê của ngành chức năng gần đây, tốc độ gia tăng phương tiện giao thông năm sau cao hơn năm trước. Năm 2017, riêng ô tô đăng ký mới là 2.766 xe, năm 2019 có hơn 3.400 xe đăng ký. Từ năm 2020 đến nay, dù ảnh hưởng đại dịch COVID-19 nhưng số phương tiện đăng ký mới mỗi năm gần 3.000 xe. Trong khi đó, tổng thể hạ tầng giao thông hiện vẫn chưa đồng bộ, chưa đáp ứng nhu cầu lưu thông vận tải nên gây áp lực không nhỏ đến công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông (ATGT).

Năm 2021 nhiều tháng liền ảnh hưởng COVID-19 phức tạp, phương tiện vận tải đi lại hạn chế nhưng trên địa bàn tỉnh xảy ra 220 vụ tai nạn, làm chết 139 người, bị thương 144 người. Trong quý I/2022 chưa có con số thống kê đầy đủ, nhưng nhiều vụ TNGT đã xảy ra ở thành phố, huyện, thị xã để lại hậu quả đau lòng.

Đánh giá của các cơ quan chức năng, thông qua công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm và điều tra giải quyết TNGT đường bộ nhận thấy, ngoài các yếu tố chủ quan, cố tình không chấp hành các quy tắc tham gia giao thông, hiệu lệnh của biển báo hiệu giao thông đường bộ, vi phạm tốc độ, sử dụng rượu bia, chất kích thích... vẫn còn nhiều trường hợp người tham gia giao thông chưa hiểu rõ quy định về các biển báo hiệu, các quy tắc về khoảng cách an toàn... dẫn đến các vụ TNGT.

Tình trạng này có nguyên nhân từ việc đào tạo lái xe, khi nhu cầu lái ô tô gần đây tăng nhanh. Có nguồn tin cho rằng, hiện một số cơ sở đào tạo lái xe ở Thừa Thiên Huế đã “cắt xén” chương trình trong đào tạo, khiến công tác tuyển sinh thiếu chặt chẽ và học viên thiếu nghiêm túc học tập. Từ đó dẫn đến có khá nhiều trường hợp phải thi sát hạch lần 2, thậm chí lần 3 mới đạt yêu cầu, nhưng không mấy tự tin về khả năng điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông. 

Đảm bảo chất lượng đào tạo

Để nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch cấp GPLX, Tổng cục Đường bộ Việt Nam (TCĐBVN) vừa yêu cầu các sở GTVT chỉ đạo các cơ sở đào tạo lái xe thực hiện nghiêm quá trình dạy và học đảm bảo đầy đủ nội dung chương trình đào tạo theo quy định tại Thông tư số 1/2021/TT-BGTVT ngày 27/1/2021 quy định về cấp, sử dụng lái xe quốc tế và Thông tư số 12/2017/TT-BGTVT ngày 15/4/2017 về quy định về đào tạo, sát hạch, cấp GPLX cơ giới đường bộ, thời hạn sử dụng của GPLX.

TCĐBVN yêu cầu các sở GTVT tăng cường quản lý, chỉ đạo các đơn vị đào tạo tập trung giảng dạy cho học viên hiểu, biết về pháp luật giao thông đường bộ, kỹ năng điều khiển lái xe an toàn, chủ động xử lý kịp thời các tình huống có khả năng xảy ra TNGT, nâng cao ý thức, văn hóa giao thông của người lái xe. Tăng cường công tác thanh, kiểm tra các cơ sở đào tạo lái xe, đảm bảo thực hiện đầy đủ các nội dung về đào tạo lái xe... Các sở GTVT chỉ đạo bộ phận giải quyết thủ tục hành chính về cấp, đổi GPLX thực hiện nghiêm việc tra cứu thông tin của người lái xe, dữ liệu GPLX vi phạm đã được ngành Công an chia sẻ kịp thời phát hiện các trường hợp GPLX bị tước quyền sử dụng, nhưng khai báo mất rồi xin cấp lại; hoặc phát hiện các trường hợp sử dụng GPLX không hợp lệ, GPLX giả...

Thời gian gần đây, Thừa Thiên Huế đã thực hiện quản lý, cấp GPLX, tập lái trên phần mềm quản lý xe tập lái; kiểm tra thực tế xe tập lái, hồ sơ xe tập lái theo quy định; kiểm tra hồ sơ giáo viên, cập nhật vào phần mềm theo quy định. Sở GTVT phối hợp, yêu cầu các cơ sở đào tạo lái xe tổ chức lớp tập huấn nâng cao trình độ giáo viên dạy lái xe theo chương trình quy định. Công tác tổ chức các kỳ sát hạch lái xe được thực hiện công khai trên trang thông tin điện tử của Sở GTVT và phần mềm sát hạch lái xe truyền trực tiếp về TCĐBVN. Từ việc áp dụng phần mềm sát hạch này đã giúp cho học viên chịu học, chịu nghiên cứu giáo trình, công tác thi cấp bằng lái thực sự đã "học thực, thi thực", góp phần nâng cao chất lượng đào tạo lái xe ở địa phương.

Sở GTVT tiếp tục có văn bản yêu cầu các cơ sở đào tạo lái xe tăng cường các giải pháp nâng cao chất lượng công tác đào tạo, sát hạch cấp GPLX; đồng thời chỉ đạo tổ chức, đơn vị liên quan tăng cường công tác thanh, kiểm tra các cơ sở đào tạo lái xe, đảm bảo đầy đủ nội dung về đào tạo lái xe đúng quy định, kịp thời phát hiện các vi phạm nếu có. Sở GTVT công khai đường dây nóng tiếp nhận phản ảnh những bất cập về công tác đào tạo tại các cơ sở đào tạo lái xe. Học viên có thể tra cứu, kiểm tra thông tin cá nhân, hình ảnh, giáo viên dạy lái xe, xe tập lái, tiến độ đào tạo lái xe của cơ sở đào tạo lái xe nơi học viên đăng ký học lái xe, giúp học viên nắm bắt thông tin...

Thừa Thiên Huế có 5 cơ sở đào tạo lái ô tô, mô tô; trong đó có Công ty CP xe khách tỉnh chuyên đào tạo lái mô tô, ngoài ra còn có 2 trung tâm sát hạch lái xe loại 1 và 4 trung tâm sát hạch lái xe loại 3; dù ảnh hưởng đại dịch COVID-19 nhưng trong quý I/2022 đã tổ chức sát hạch lần đầu và nâng hạng lái ô tô các loại với 25 kỳ, cấp 4.410 GPLX ô tô và tổ chức sát hạch mô tô 58 kỳ, cấp 5.370 GPLX hạng A1, A2.

Bài, ảnh: Minh Văn

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đào tạo & giữ chân người tài

Tròn đúng 10 năm sau hội thảo “Thừa Thiên Huế - đất học và tài năng” (12/11/2014), Hội Khoa học Lịch sử Thừa Thiên Huế lại mở hội thảo khoa học “Chính sách sử dụng người tài - lịch sử và vấn đề đặt ra” vào ngày 16/11/2024. Vấn đề đặt ra ở đây vẫn là câu chuyện về tài năng và vấn đề sử dụng người tài.

Đào tạo  giữ chân người tài
Đào tạo, hỗ trợ nghề cho thanh niên có hoàn cảnh khó khăn

Tối 17/12, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) TP. Huế phối hợp với Trung tâm REACH Huế tổ chức hội nghị tổng kết 2 năm (2023-2024) dự án đào tạo và hỗ trợ nghề cho thanh niên có hoàn cảnh khó khăn “Mở đường cho thanh niên lập nghiệp”.

Đào tạo, hỗ trợ nghề cho thanh niên có hoàn cảnh khó khăn
Siết chặt an toàn giao thông dịp cuối năm

Từ ngày 15/12/2024, lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) và công an các địa phương trong cả nước sẽ mở cao điểm bảo đảm an toàn giao thông trên các tuyến giao thông dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Ất Tỵ.

Siết chặt an toàn giao thông dịp cuối năm

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Địa chỉ thi bằng lái xe máy giá rẻ
Return to top