Gia tải nền móng nhà máy xử lý nước thải
Đẩy nhanh tiến độ
Tại địa điểm xây dựng công trình nhà máy xử lý nước thải ở phường An Đông (Huế), các loại xe cẩu, xe ủi, xe múc được liên danh nhà thầu phụ là Tổng công ty Đầu tư nước và Môi trường Việt Nam (Viwaseen) và Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Hải Thành tập kết, phục vụ thi công.
Theo ông Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc Ban điều hành nhà thầu phụ, việc gia tải, ép cọc, san lấp mặt bằng dự kiến hoàn thành vào khoảng từ tháng 6 đến tháng 7 năm nay. Sau đó tiến hành xây dựng nhà máy, lắp đặt thiết bị.
Cũng theo ông Thắng, nếu thời tiết thuận lợi, tiến độ có thể đạt tốt. Hiện doanh nghiệp đang thi công hai ca đến khoảng 10 giờ đêm mới kết thúc công việc trong ngày. Nếu cần thiết, có thể tăng ca để bảo đảm tiến độ.
Liên quan đến vấn đề tiến độ, Liên danh nhà thầu chính Swing-Hanshin khẳng định, hạng mục gia tải, san nền là công đoạn tốn nhiều thời gian, công sức và thời gian qua thường xuyên bị gián đoạn do ảnh hưởng thời tiết xấu. Xong công đoạn này, việc xây dựng nhà máy, lắp đặt thiết bị khá thuận lợi, bởi đa phần thiết bị đều nhập từ các nước tiên tiến và đều đã tham khảo, hợp đồng với đơn vị cung cấp nên khá thuận lợi.
Hoàn trả mặt bằng các tuyến đường đã thi công
Về việc trả lại mặt bằng cho các tuyến đường phục vụ thi công công trình, Giám đốc Ban quản lý dự án Cải thiện môi trường nước TP. Huế Trần Quốc Khánh thông tin, ngoài tập trung bảo đảm tiến độ nhà máy xử lý nước thải, đây là vấn đề người dân quan tâm.
Hiện, tất cả các điểm thi công dang dở trước tết đều đã thi công lại, đồng thời, đồng loạt mở thêm các điểm mới để đảm bảo tiến độ.
Theo phản ánh của người dân, việc thi công ảnh hưởng đến đi lại, sinh hoạt, nhất là đối với những hộ mặt tiền ở các tuyến đường, khu vực đông dân cư, như đường Dương Văn An, Bùi Thị Xuân, Nguyễn Thị Minh Khai…Có hộ kinh doanh phải nghỉ bán hàng tháng trời, ảnh hưởng đến đời sống, thu nhập. Ở một số tuyến đường, việc hoàn trả mặt bằng còn chậm, một số nơi còn trả cấp phối, mưa gây xói lở, đi lại khó khăn, nắng bụi mù mịt…
Đối với những vấn đề vừa nêu, ông Trần Quốc Khánh cho biết đã họp và chỉ đạo các nhà thầu, đơn vị thi công kịp thời khắc phục. Tuy nhiên, do thời tiết mưa, rét kéo dài các tháng trước và sau tết, việc thảm nhựa, trả lại mặt bằng như nguyên trạng ban đầu còn bất cập. Quan điểm của đơn vị là trong phạm vi dự án, nếu ảnh hưởng đường sá đến đâu sẽ bồi thường đến đó. Do thế, ở những điểm dù không thi công nhưng mặt đường bị sụt lún, nứt nẻ do ảnh hưởng trong quá trình ép cừ… các nhà thầu cũng phải hoàn trả mặt bằng, thảm nhựa toàn bộ tuyến đường như ở đường Hà Huy Tập. Khi thời tiết nắng ráo, đơn vị sẽ chỉ đạo các nhà thầu nhanh chóng thảm nhựa một số tuyến đường đã hoàn thành để người dân đi lại thuận tiện hơn.
Cũng theo ông Khánh, 2017 là năm cao điểm tập trung thi công các gói thầu, trong đó, gói thầu đường, cống thoát nước tập trung mở điểm thi công đồng loạt để đảm bảo tiến độ, về đích đúng kế hoạch (khoảng tháng 8/2018 sẽ kết thúc dự án). Việc ảnh hưởng đến sinh hoạt, đi lại, kinh doanh, mua bán của người dân là khó tránh khỏi, khi hầu hết các tuyến đường trên địa bàn nhỏ, hẹp, vỉa hè nơi có, nơi không và gần như bị lấn chiếm. Ngoài tăng cường theo dõi, giám sát, đôn đốc các đơn vị thi công đảm bảo tiến độ, an toàn thi công, nhà thầu mong muốn sự hợp tác, hỗ trợ từ phía người dân để dự án triển khai thuận lợi.
TÂM HUỆ