ClockThứ Sáu, 06/05/2022 07:16

Tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công các dự án giao thông

Năm nay, Bộ Giao thông vận tải được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch vốn đầu tư công hơn 50.300 tỷ đồng. Tháng 4 vừa qua, Bộ đã giải ngân khoảng 4.000 tỷ đồng; lũy kế hết tháng 4 giải ngân 11.200 tỷ đồng, đạt 25,9% kế hoạch giao chi tiết và 22,2% kế hoạch Thủ tướng giao.

Thúc đẩy giải ngân vốn khôi phục và phát triển kinh tếĐẩy nhanh giải ngân vốn ODA đi đôi với bảo đảm chất lượng công trìnhÐẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công

Nhà thầu Tập đoàn Trường Thịnh triển khai thi công lu lèn lớp K95 thuộc dự án cao tốc bắc-nam qua địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Ngay từ đầu năm, Bộ đã có Chỉ thị số 01 nêu thông điệp xuyên suốt, gắn trách nhiệm của các ban quản lý dự án, chủ đầu tư về giải ngân, lập kế hoạch chi tiết theo từng tháng, từng quý và xác định rõ "đường găng" giải ngân từng dự án, phân vai rõ trách nhiệm đối với lãnh đạo đơn vị.

Dự kiến, trong quý II, Bộ sẽ giải ngân tăng 50% so quý I và bài toán đặt ra là muốn giải ngân đúng kế hoạch dự kiến, cần bứt tốc thi công ngoài hiện trường.

Bám sát kế hoạch chi tiết

Vụ trưởng Kế hoạch và Ðầu tư (Bộ Giao thông vận tải) Nguyễn Danh Huy cho biết, bốn tháng qua, khối lượng giải ngân các dự án đường cao tốc bắc-nam luôn chiếm tỷ lệ cao qua từng tháng. Lũy kế bốn tháng, dự án Mai Sơn-quốc lộ 45 giải ngân khoảng 939 tỷ đồng (31,31%); Phan Thiết-Dầu Giây giải ngân đạt khoảng 673 tỷ đồng (29,4%); Cam Lộ-La Sơn 285 tỷ đồng (17,4%); Nha Trang-Cam Lâm khoảng 185 tỷ đồng (19,6%); Nghi Sơn-Diễn Châu khoảng 693 tỷ đồng (34,7%),… Ðến nay, Bộ đã giao chi tiết kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2022 qua 3 đợt với tổng số hơn 42.845 tỷ đồng, đạt 85,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Giám đốc Ban Quản lý dự án Thăng Long Dương Viết Roãn cho hay, tỷ lệ giải ngân của Ban đạt 38,4%, ở mức khá cao so với mặt bằng chung của Bộ Giao thông vận tải (25,9%) và bình quân chung cả nước. Vì vậy, áp lực giải ngân đối với Ban Quản lý dự án Thăng Long không nặng như các đơn vị khác, do Ban đã có kinh nghiệm "chinh chiến" ở nhiều dự án giao thông quy mô lớn, phức tạp vừa qua. "Quan trọng nhất là từng đơn vị phải củng cố đội ngũ nhà thầu, tư vấn giám sát nhằm đẩy nhanh tiến độ dự án, đồng thời làm gọn, dứt điểm các thủ tục nội nghiệp nghiệm thu, thanh toán", ông Roãn khuyến cáo. Theo Giám đốc điều hành dự án cao tốc bắc-nam đoạn Mai Sơn-quốc lộ 45 (Ban Quản lý dự án Thăng Long) Lương Văn Long, dự án đã hoàn thành giải ngân toàn bộ kế hoạch vốn các năm 2019, 2020 và 2021.

Năm nay, dự án được Bộ giao kế hoạch vốn 3.000 tỷ đồng, tiến độ giải ngân đáp ứng kế hoạch chi tiết. Theo ông Long, đối với nhà thầu, quy chế thanh quyết toán được nêu rất rõ ràng, quy định thời gian chi tiết giải quyết hồ sơ của từng bộ phận. Ban điều hành cũng đặt mục tiêu thời gian từ khi nhà thầu trình hồ sơ đến khi tiền về đến tay nhà thầu tối đa 15 ngày, bảo đảm "vòng quay" nhanh nhất, giảm áp lực tài chính cho nhà thầu thi công xuyên suốt. "Xác định phải có sản lượng thi công mới có khối lượng giải ngân, thời gian qua, Ban điều hành dự án và các nhà thầu không chỉ bám sát tiến độ chi tiết, mà còn chủ động dự liệu những khó khăn để có phương án khắc phục từ sớm", ông Long tiết lộ.

Tuy nhiên, một số ban quản lý dự án Sở Giao thông vận tải có tỷ lệ giải ngân khá thấp. Trong đó, bảy đơn vị của Bộ, gồm các Ban Quản lý dự án 2, 6, 7, 85, Mỹ Thuận, Ðường sắt và Tổng cục Ðường bộ Việt Nam, tỷ lệ giải ngân ở mức từ 19,3 đến 23,3%; các địa phương gồm Yên Bái (2,6%), Hải Dương (7,1%), Hải Phòng (7,8%), Lào Cai (8%),… Theo lý giải của Giám đốc Ban Quản lý dự án 2 Lê Thắng, Ban đang phụ trách một số dự án ODA như dự án kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía bắc (vốn ADB), dự án kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên (vốn WB)…; trong đó, dự án kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía bắc kết hợp từ ba nguồn gồm nhà tài trợ Australia, ADB và vốn đối ứng Chính phủ, phải tuân theo một số quy định của nhà tài trợ nên thường kéo dài hơn các dự án vốn ngân sách. Nhà tài trợ Australia dành 4,9 triệu USD hỗ trợ chuẩn bị dự án và tự lựa chọn, ký hợp đồng trực tiếp với nhà thầu, đã khiến quá trình triển khai kéo dài hơn một năm.

Năm nay, Ban được giao kế hoạch 3.370 tỷ đồng, tăng 35% so năm trước, bốn tháng vừa qua đã giải ngân đạt 21,7%. Ngay khi được giao kế hoạch, Ban triển khai lập tiến độ chi tiết giải ngân theo từng tháng, đầu năm thông thường dự án ở bước chuẩn bị đấu thầu, chưa phát sinh nhiều khối lượng nên tỷ lệ giải ngân thấp, từ quý III trở đi, khi thời tiết thuận lợi, tiến độ thi công đẩy nhanh, lúc đó giải ngân sẽ tăng mạnh. Ban cũng kiểm soát khối lượng tiến độ hằng ngày, trời mưa sẽ yêu cầu tăng máy móc, làm thêm ca để bù tiến độ; yêu cầu nhà thầu ký cam kết nếu để chậm tiến độ, bị nhắc nhở 3 lần sẽ điều chuyển khối lượng cho nhà thầu phụ, thậm chí cắt hợp đồng. "Ban cũng cải tổ bộ máy chuyên gia đấu thầu, quản lý dự án, trường hợp tiến độ sau một thời gian không đạt kết quả, sẽ điều chuyển dự án cho lãnh đạo khác phụ trách. Mặc dù chưa đạt được mức bình quân chung của Bộ Giao thông vận tải, song tỷ lệ giải ngân của Ban vẫn đạt mức khá cao và cam kết sẽ hoàn thành giải ngân kế hoạch vốn được giao", Giám đốc Ban Quản lý dự án 2 Lê Thắng khẳng định.

Tăng tốc giải ngân trong tháng 5

Nhiều ý kiến cho rằng, cùng với giá xăng, dầu leo thang, trong thời gian qua, giá các loại nguyên, vật liệu chính cũng "nhảy múa", ảnh hưởng không nhỏ đến thi công các dự án giao thông trọng điểm. Hầu hết nhà thầu đều bị thua lỗ nặng, mất cân đối về tài chính do giá vật liệu đầu vào tăng đột biến so thời điểm đấu thầu. Ðây cũng chính là nguyên nhân khiến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công bị giãn và chậm. Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Cienco 4 Lê Ðức Thọ tính toán, đơn giá thi công các gói thầu do Cienco 4 đang tham gia tại các dự án thành phần bắc-nam đoạn Phan Thiết-Dầu Giây, Diễn Châu-Bãi Vọt, Cam Lộ-La Sơn, Nghi Sơn-Diễn Châu hiện đều tăng từ 15 đến 20%, thậm chí cao hơn. "Việc sử dụng chỉ số giá chung để các địa phương công bố cho các loại vật liệu trên địa bàn theo đánh giá của các nhà thầu là không phù hợp.

Mỗi địa phương cần xây dựng, công bố chỉ số giá xây dựng hằng tháng để áp dụng riêng cho các gói thầu/dự án thành phần, như thế mới phản ánh đúng mức độ biến động giá xây dựng trên thị trường khu vực xây dựng theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ", ông Lê Ðức Thọ nêu quan điểm.

Thống kê sơ bộ của Ban Quản lý dự án Thăng Long cho thấy, trong năm 2021, theo công bố chỉ số giá địa phương thì mức trượt giá vật liệu tăng 5-7%, nhưng trên thực tế, trượt giá lên tới 17-18%. Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ về chỉ số giá và Thủ tướng cũng đã chỉ đạo Bộ Xây dựng chủ trì, xử lý và các cơ quan chức năng hiện vẫn đang trong quá trình nghiên cứu điều chỉnh, công bố chỉ số giá cho phù hợp. Các ban quản lý dự án, nhà thầu đều mong ngóng, chờ đợi Bộ Xây dựng sớm vào cuộc, có giải pháp đáp ứng nhu cầu vốn cho nhà thầu.

Theo Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Ðầu tư Phúc Thành Hưng Nguyễn Quốc Việt, trở ngại lớn nhất đối với các đơn vị thi công hiện nay là giá xăng dầu tăng nhanh liên tục, kéo giá vật liệu tăng theo. Riêng dự án cao tốc Diễn Châu-Bãi Vọt với tổng mức đầu tư hơn 11 nghìn tỷ đồng theo hình thức đối tác công-tư (PPP), dự kiến bị đội chi phí xây dựng lên khoảng 1.000 tỷ đồng, trong khi chi phí dự phòng biến động giá, nhân lực, thi công tại dự án,... chỉ khoảng 300 tỷ đồng. Nhà đầu tư đang làm việc với các cơ quan liên quan để có phương án hỗ trợ thực hiện tiếp.

Tại các cuộc họp về đẩy nhanh tốc độ giải ngân gần đây, Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể đã nhiều lần nhấn mạnh, đối với các dự án đang thi công, đặc biệt là nhóm các dự án có khối lượng thực hiện lớn, các chủ đầu tư/ban quản lý dự án cần đốc thúc nhà thầu tăng mũi thi công, làm ba ca tại hiện trường, bảo đảm tiến độ, chất lượng.

Nhà thầu nào bê trễ, nếu nhắc nhở lần thứ 3 không có chuyển biến, dứt khoát cắt khối lượng, điều chuyển cho nhà thầu khác để bảo đảm năng lực tốt nhất của các đơn vị thi công. Các đơn vị có kết quả giải ngân tốt trong bốn tháng qua, như Ban Quản lý dự án Thăng Long, đường Hồ Chí Minh, Hàng hải, Ðường thủy,… Bộ trưởng lưu ý không được "ngủ quên trên chiến thắng", cần tiếp tục có giải pháp quản lý tốt những dự án trọng điểm. "Ban Quản lý dự án Thăng Long đặc biệt quan tâm hai dự án thành phần cao tốc bắc-nam hoàn thành trong năm nay, gồm Mai Sơn-quốc lộ 45 và Phan Thiết-Dầu Giây; Ban Quản lý dự án Hàng hải tập trung dự án Luồng cho tàu trọng tải lớn vào sông Hậu; Ban Ðường thủy nội địa đẩy mạnh giải ngân dự án WB6-kênh nối Ðáy-Ninh Cơ và dự án kênh Chợ Gạo", Bộ trưởng giao nhiệm vụ.

Theo định hướng của Chính phủ về tăng cường phân quyền cho địa phương tham gia thực hiện các dự án giao thông, dự kiến, sau khi ba dự án quan trọng quốc gia được Quốc hội thông qua trong tháng 5/2022, gồm: Châu Ðốc-Cần Thơ-Sóc Trăng, Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột, Biên Hòa-Vũng Tàu, khoảng 5.000 trên tổng số 50.328 tỷ đồng trong kế hoạch vốn của Bộ sẽ được giao về các địa phương liên quan. Như vậy, dự kiến trong năm nay, tổng số vốn các ban quản lý dự án/chủ đầu tư giải ngân thực tế khoảng 45 nghìn tỷ đồng. Trên cơ sở này, Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể yêu cầu các đơn vị xây dựng kế hoạch trong tháng 5 đạt tỷ lệ giải ngân từ 33,3% (của 45 nghìn tỷ đồng) so kế hoạch vốn Thủ tướng giao trở lên, thay vì mục tiêu ban đầu gần 30% (50 nghìn tỷ đồng).

Theo đó, Ban Quản lý dự án 6 phải đẩy nhanh tiến độ, tập trung dự án thành phần Diễn Châu-Bãi Vọt; Ban Mỹ Thuận ưu tiên tối đa dự án cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ, đồng thời, tăng lực lượng đẩy nhanh tiến độ các dự án tuyến tránh Long Xuyên, Cầu Rạch Miễu 2, Tân Vạn-Nhơn Trạch.

Theo đề xuất của nhiều đơn vị, giải pháp hữu hiệu và khả thi nhất là thuê đơn vị tư vấn độc lập, lập chỉ số giá riêng cho dự án cao tốc bắc-nam theo từng vùng mới tiệm cận được mức giá thực tế trong khu vực. Một chuyên gia trong lĩnh vực giao thông nhận định, trong bối cảnh biến động giá hiện nay, nếu nhà thầu không được bù giá sớm, tiến độ thi công cao tốc bắc-nam sẽ bị ảnh hưởng khi nhà thầu giảm nhịp độ, có ý chờ khi giá cả vật tư hạ nhiệt mới tiếp tục thi công, điều này gián tiếp ảnh hưởng tiến độ giải ngân vốn, dẫn đến việc tổng huy động nguồn lực đưa dự án trọng điểm về đích sớm sẽ gặp khó khăn.

Theo nhandan.vn

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tăng tốc để hoàn thành nhiệm vụ

Những tháng cuối năm 2024, khối lượng công việc nhiều, nhất là cả tỉnh nỗ lực để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, nên vai trò, trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên trong thực hiện các nhiệm vụ là rất quan trọng.

Tăng tốc để hoàn thành nhiệm vụ
Tăng tốc

Tiết trời của Thừa Thiên Huế đã chuyển mùa. Tiếp sau những cơn mưa bất chợt, rồi dần dày hơn là những ngày mưa lạnh dầm dề. Đây cũng là một trong những hạn chế ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ của các công trình xây dựng.

Tăng tốc
Tăng tốc chuyển đổi số cùng AI

Tuần lễ Chuyển đổi số - Huế 2024 với chủ đề “Trí tuệ nhân tạo (AI) đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội” được kỳ vọng sẽ đưa ra các giải pháp chuyển đổi số (CĐS) ứng dụng AI, góp phần thúc đẩy phát triển xã hội số, kinh tế số. Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Dương Anh đã có những chia sẻ về hoạt động quan trọng này với Thừa Thiên Huế Cuối tuần.

Tăng tốc chuyển đổi số cùng AI
Gắn kết văn hóa và du lịch, tăng tốc phát triển

Thừa Thiên Huế đang nỗ lực xây dựng và phát triển xứng tầm là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước, khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch. Ngành du lịch cùng các ban, ngành, đơn vị liên quan đang cố gắng tăng tốc để đạt được mục tiêu của Nghị quyết 04-NQ/TU đã được Tỉnh ủy ban hành.

Gắn kết văn hóa và du lịch, tăng tốc phát triển
Tăng tốc các công trình, dự án

Sớm đưa các công trình, dự án vào khai thác, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương là mục tiêu mà Hương Thủy đã và đang quyết liệt triển khai

Tăng tốc các công trình, dự án

TIN MỚI

Return to top