Bà Lê Thị Hồng Mai, Trưởng Phòng Đăng ký kinh doanh trao đổi với cộng đồng doanh nghiệp
Nhiều điểm mới
Năm 2020, cộng đồng doanh nghiệp vừa trải qua giai đoạn khó khăn khi hoạt động kinh doanh gặp nhiều thách thức, doanh thu sụt giảm do dịch COVID-l9 và bão lụt liên tục. Việc thay đổi các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sẽ tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp.
Trong đó, Luật Doanh nghiệp năm 2020 vừa được Quốc hội thông qua ngày 17/6/2020, có hiệu lực pháp luật từ 1/1/2021 được cập nhật phù hợp với tình hình mới khi Việt Nam hội nhập trên trường quốc tế, hướng đến mục tiêu tổng thể là quản trị tốt doanh nghiệp. Từ đó, tạo dựng môi trường kinh doanh, đầu tư thuận lợi, minh bạch, an toàn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Ông Hoàng Việt Trung, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư nhận định, trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp luôn đối mặt với các vấn đề về quyền sở hữu trí tuệ, thủ tục hành chính, mô hình hoạt động, thuế, tranh chấp hợp đồng... Các yếu tố rủi ro này ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp. Hiểu biết về luật, nắm rõ luật sẽ giảm thiểu rủi ro, tạo sự ổn định cho công ty và giúp định hướng chiến lược phát triển dài hạn cho doanh nghiệp.
Hội thảo đã nghe ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện Trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cung cấp các thông tin hữu ích liên quan đến khung luật mới, chia sẻ tổng quan một số thay đổi, điểm mới tác động đến doanh nghiệp và khung pháp lý hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn hiện nay.
Theo đó, Luật mới không quy định thủ tục thông báo mẫu dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh. Trong khi theo quy định hiện hành thì trước khi sử dụng, doanh nghiệp có nghĩa vụ thông báo mẫu con dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh để đăng tải công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Doanh nghiệp cần sớm đổi mới công nghệ
Hội thảo tập trung thảo luận xoay quanh các vấn đề nổi bật như: con dấu của doanh nghiệp, trách nhiệm của văn phòng đăng ký kinh doanh và những quy định về công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, doanh nghiệp tư nhân cũng như những vấn đề tổ chức lại doanh nghiệp.
Chụp ảnh lưu niệm cùng diễn giả
Bà Đặng Thùy Dương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cho rằng, Luật Doanh nghiệp năm 2020 ghi nhận dấu của doanh nghiệp tồn tại dưới 2 hình thức bao gồm: dấu được làm tại cơ sở khắc dấu; dấu dưới hình thức chữ ký số theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử. Hiện nay, thương mại điện tử đang trở thành xu hướng, việc xây dựng dấu điện tử giúp doanh nghiệp thuận tiện hơn trong các giao dịch nhưng trên địa bàn vẫn không hoặc rất hiếm doanh nghiệp đứng ra làm đầu mối thực hiện chuyển đổi con dấu số. Vì thế, cộng đồng doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp viễn thông cần đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi con dấu trên nền tảng kỹ thuật số.
Đồng quan điểm với bà Dương, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện Trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cũng cho rằng, doanh nghiệp phải theo kịp với công nghệ, đẩy mạnh sử dụng hóa đơn điện tử….
Ông Hiếu nhấn mạnh, theo quy định mới của Luật Doanh nghiệp năm 2020, doanh nghiệp còn được đăng ký thành lập doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử, qua dịch vụ bưu chính và đăng ký theo cách thông thường. Việc ghi nhận đa dạng các phương thức nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp là sự tiến bộ đáng ghi nhận, là tiền đề thực hiện cải cách thủ tục hành chính về đăng ký doanh nghiệp khi Luật Doanh nghiệp 2020 chính thức có hiệu lực, hướng đến sự thuận lợi về khởi sự kinh doanh cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, phù hợp với xu thế mới.
Đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng thông tin, Sở đang đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các thủ tục đăng ký kinh doanh qua mạng tại Trung tâm Hành chính công tỉnh.
Hoàng Loan