Hiện tại, giá vật liệu xây dựng như gạch, ngói tăng so với thời điểm năm 2020
Gạch “cháy” hàng
Từ cuối năm 2020, do ảnh hưởng COVID-19, kinh tế khó khăn, mưa lũ liên miên nên nhiều dự án, công trình xây dựng tạm dừng hoặc giãn tiến độ, khiến thị trường VLXD gặp không ít khó khăn.
Từ đầu năm 2021, các đơn hàng đặt trước đó bắt đầu triển khai cùng với thời tiết tạnh ráo, kinh tế phục hồi, nhiều công trình đã triển khai xây dựng trở lại.
Tại Công ty CP Gạch Tuynel Huế (Hương Thủy), giá mặt hàng các loại gạch ở đây tăng từ 300-400 đồng/viên so với thời điểm cuối năm 2020. Cụ thể, loại gạch đặc có giá từ 1,7-2,1 nghìn đồng/viên; gạch lỗ có giá từ 2,4-3 nghìn đồng/viên.
Nhân viên bán hàng ở đây cho biết, năm 2020, ảnh hưởng dịch bệnh, thời tiết xấu nên các mặt hàng gạch dường như bán ra ít. Trong khi đó, nhà máy vẫn phải huy động cả dây chuyền nên chi phí sản xuất tăng cao, kéo theo giá thành sản phẩm tăng. Từ Quý IV năm 2020, đơn vị này phải “bán lỗ” để duy trì hoạt động sản xuất và giữ chân lao động.
Hiện tại do nhu cầu thị trường tăng cao, đang bước vào thời gian cao điểm của “mùa” xây dựng nên một số mặt hàng gạch tăng giá để bù lại chi phí.
“Giá vật liệu đầu vào sản xuất gạch cũng đang tăng cao từ than đến đất nung. Đặc biệt, công ty không được cấp mỏ cung cấp vật liệu đất nên phải đi mua từ bên ngoài giá cao hơn, do vậy giá vật liệu gạch đợt này có tăng hơn so thời điểm “mùa” xây dựng những năm trước là điều dễ hiểu”, nhân viên bán hàng cho biết.
Khảo sát các mặt hàng tại Công ty CP Long Thọ, dù giá không tăng nhiều nhưng nhu cầu xây dựng lớn khiến một số loại gạch ở đây “cháy” hàng. Cụ thể, gạch block không nung (5 loại) giá từ 1,150 nghìn đồng đến 8,2 nghìn đồng/viên; gạch terrazzo (12 loại) có giá từ 8,2-9,9 nghìn đồng/viên.
Ông Nguyễn Phúc, Trưởng phòng Kế hoạch và Thị trường (Công ty CP Long Thọ) thông tin, gạch block thẻ công ty sản xuất với sản lượng đạt 16 triệu viên/năm. Thời gian gần đây, loại gạch bolock thẻ đang “cháy” hàng do đang là mùa cao điểm của các công trình xây dựng dân dụng, người dân sử dụng nhiều trong việc làm tường rào, móng nhà với sản lượng bán ra trong những tháng đầu năm 2021 khoảng 350 nghìn viên.
Vật liệu xây dựng tăng giá do chi phí đầu vào tăng, thị trường khan hàng
Công trình lo “đội” vốn
Bắt đầu từ tháng 1/2021, các loại VLXD như sắt thép, xi măng, gạch, đá, cát... đều thi nhau tăng giá. Giá VLXD trên địa bàn tỉnh thời gian gần đây tăng khoảng 10-40%. Trong khi giá vật liệu tăng cao do nguồn cung thiếu hụt, nhiều công trình xây dựng trên địa bàn nhà thầu gặp không ít khó khăn do nguy cơ đội vốn, chậm tiến độ và kéo dài thời gian thi công công trình.
Đơn cử, khảo sát giá sắt thép xây dựng đến tại chân các công trình trên địa bàn đang tăng giao động từ 11 triệu đồng lên 16 triệu đồng/tấn (tùy loại) khiến nhiều công trình đang xây dựng, đặc biệt là xây dựng dân dụng đang có nguy cơ ngưng trệ.
Ông Văn Viết Thành, Giám đốc Công ty CP Xây dựng thủy lợi Thừa Thiên Huế cho biết, hiện tại giá cát, đá, đất san lấp… tại thị trường tăng nhẹ, nhưng giá sắt thép lại tăng cao bất thường so với giá đấu thầu ban đầu khiến công trình đội vốn, tốn thêm chi phí xây dựng hơn. Cụ thể, trong xây dựng, thép thường chiếm khoảng 20% tỷ trọng, trong khi đó giá thép hiện nay tăng đến 40% (có ngày tăng 2 giá) do thị trường Trung Quốc giảm sản xuất dẫn đến nguồn cung thiếu hụt, nhà thầu quá khó khăn. Giá thép thị trường tăng nhanh hơn giá Sở Tài chính, Sở Xây dựng công bố, nên hiện nay đối với các công trình dân dụng, công trình hợp đồng trọn gói nhà thầu lỗ nặng.
“Đối với các gói thầu xây dựng có hợp đồng trọn gói thì khi trượt giá không thể có chính sách để bù- thường rơi vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vốn đã khó khăn nay càng khó khăn thêm. Đối với các gói thầu được điều chỉnh giá thì giá cập nhật không theo kịp giá thị trường, thực tế dù giá có tăng nhưng nhà thầu cũng không được thanh toán vì không có cơ sở pháp lý. Nói chung các loại hợp đồng nhà thầu đều chịu thiệt khi giá VLXD tăng cao”, ông Thành nói.
Ông Trần Văn Tàu, Giám đốc Công ty CP Thương mại và Xây dựng Quốc Toàn cho hay, đơn vị đảm nhiệm thi công nhiều công trình xây dựng như trường học, nhà cửa, cây xăng… Giá VLXD đầu năm 2021 tăng khoảng 10% các loại. Ngoài những lý do giá cước, nguyên liệu, nhân công...tăng thì nhu cầu xây dựng vào đầu năm nay tăng rất nhanh so với năm trước khiến giá VLXD cũng tăng theo.
Hiện, giá nguyên vật liệu xây dựng (gạch, thép…) biến động tăng đã và đang khiến không ít nhà thầu gặp khó khăn trong việc thực hiện các hợp đồng trọn gói đã ký kết. Khi đấu thầu, giá dự thầu của nhà thầu bỏ thầu theo giá điều tra thị trường, còn khi trúng thầu nhà thầu phải thực hiện hợp đồng ký kết.
Việc giá sắt, gạch, cát… bất ngờ tăng vừa qua, trong khi đó báo giá VLXD của nhiều địa phương lại không cập nhật kịp thời hoặc mức giá biến động tăng quá lớn khiến nhiều nhà thầu rất chật vật để duy trì tiến độ công trình cũng đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh.
“Nhằm có cơ sở cho công tác dự toán các công trình để đấu thầu, Sở Tài chính, Sở Xây dựng nên nghiên cứu để ban hành VLXD mới của tháng sát với thực tế hơn”, ông Tàu đề xuất.
Bài, ảnh: Hà Nguyên