ClockThứ Hai, 12/09/2016 14:01

Tỉnh lộ 9, 11C và Wb2: Mịt mù bụi từ vận chuyển cát

TTH - Nhiều năm qua, xe tải vận chuyển cát từ các bãi tập kết trên địa bàn xã Phong Hiền (huyện Phong Điền) và xã Phú Thượng (huyện Phú Vang) gây ô nhiễm môi trường kéo dài trong khu dân cư.

Xe chạy nườm nượp

Có mặt tại Tỉnh lộ (TL) 11C và TL9, trên địa bàn thôn An Lỗ (xã Phong Hiền) nối với các địa phương huyện Phong Điền, Quảng Điền, từ sáng đến chiều tối, hàng trăm lượt xe vận tải vào “ăn” cát ở các bãi. Trên tuyến TL 11C, nhà dân san sát, xen kẽ giữa các khu dân cư là 3 bãi tập kết cát làm vật liệu xây dựng của các DNTN như Sự Nguyễn, Công Mẫn, Công Dũng”.

Xe chở cát cơi nới thùng, che bạt sơ sài gây ô nhiễm

Các xe tải chở cát che chắn bạt sơ sài hoặc không che bạt gây rơi vãi lượng lớn cát trên đường. Nhiều xe dùng ván để cơi nới thùng. Khi ra tỉnh lộ, nhiều xe tăng tốc, mất an toàn giao thông (ATGT).

Ông Đỗ Văn Hữu, Trưởng thôn An Lỗ cho biết: “Tình trạng ô nhiễm do bãi tập kết cát gây ra trên địa bàn diễn ra đã nhiều năm. Người dân cũng đã kiến nghị nhiều lần do ảnh hưởng đến sinh hoạt, buôn bán. Các hộ dân còn phản ánh tình trạng các hộ khai thác cát lậu, hút cát giữa lòng sông bán lại cho các chủ bãi. Hoạt động khai thác cát lậu diễn ra 1-2 giờ sáng nên rất khó bắt giữ, xử lý”.

Hơn 20 năm qua, 300 hộ dân sống ven tuyến đường WB2 (thôn Tây Thượng, xã Phú Thượng), cũng hứng chịu tình trạng ô nhiễm khói bụi từ việc vận chuyển cát và sạt lở bờ sông do các chủ bãi lấn chiếm diện tích ven sông để tập kết cát. Trên chiều dài chưa đến 1km từ thôn Tây Thượng về La Ỷ, có 6 điểm tập kết cát “án ngữ” tại đây.

Ông N.Đ.T (thôn Tây Thượng) bức xúc: “Tui sống ở đây 26 năm thì các bãi cát này “có mặt” đã 22 năm. Mùa nắng cũng như mùa mưa đều “không sống nổi” với nó. Gia đình buôn bán, sinh hoạt phải từ sáng sớm, còn đến khoảng 8h sáng thì xe chạy bụi tung mịt mù”.

Ghi nhận tại tuyến đường này, các xe vào bãi “ăn cát” rồi chạy lên đường Nguyễn Sinh Cung với tốc độ lớn. Nhiều phương tiện che chắn bạt “cho có”, cát ướt nên chảy lênh láng từ thùng xe ra đường, gây ô nhiễm trong khu dân cư.

Khắc phục chưa hiệu quả

Ông Hoàng Ngọc Trung, Phó Chủ tịch UBND xã Phong Hiền cho biết: “Sau khi nhận phản ánh của các hộ dân, tháng 7/2016, địa phương đã có cuộc làm việc với chủ bãi, các hộ đại diện để thống nhất phương án khắc phục tình trạng ô nhiễm, đồng thời cũng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động đúng pháp luật. Xã buộc các chủ bãi phải bỏ kinh phí thuê người xúc, quét dọn cát rơi vãi trên tuyến tỉnh lộ nhằm hạn chế tình trạng ô nhiễm”.

Tại xã Phú Thượng, ông Châu Quang Hùng, cán bộ địa chính xã cho biết: “Hiện nay, trên địa bàn xã có 6 điểm tập kết cát nằm ven sông Hương của các đơn vị như Công ty CP Phát triển NTTS Thừa Thiên Huế, Công ty TNHH MTV Nhật Quý, DNTN Thuận Tú, DNTN Thùy Châu và chủ bãi là các hộ gia đình. Nhiều năm qua, tình trạng ô nhiễm ở những bãi tập kết này đã gây bức xúc trong Nhân dân. Qua các cuộc tiếp xúc cử tri, người dân đã phản ánh nhiều lần. Đầu năm 2016, trong cuộc làm việc với UBND huyện Phú Vang và các sở ngành, địa phương cũng đã kiến nghị thu hồi giấy phép bãi tập kết cát của Công ty CP Phát triển NTTS Thừa Thiên Huế; yêu cầu ngưng hoạt động những bãi của các doanh nghiệp còn lại do tình trạng ô nhiễm môi trường trong khu dân cư”.

Ông Nguyễn Hữu Toàn, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Thượng khẳng định: “Chủ trương của UBND tỉnh là cuối năm 2016 sẽ di dời những bãi tập kết trên địa bàn về bãi tập kết đã quy hoạch chờ đấu giá tại các bãi bồi của các địa phương Phú Thanh, Phú Mậu (huyện Phú Vang). Tuy nhiên, đến nay, do tuyến đường dẫn vào khu quy hoạch này chưa hoàn thiện nên chưa thể di dời được”.

Theo ông Toàn, trước mắt, để giải quyết tình trạng ô nhiễm, xã Phú Thượng đã yêu cầu các chủ bãi ký cam kết đảm bảo các yếu tố môi trường, dùng xe ủi dọn cát mỗi ngày. “Về công tác đảm bảo ATGT, xe chở cát không thực hiện các quy định môi trường thì cần lực lượng cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông thường xuyên tuần tra, kiểm soát trên tuyến đường này”, ông Toàn đề xuất.

Ông Võ Hoài Nam, Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT cho rằng: “Hiện các đội tuần tra đều được trang bị cân xách tay nên công tác cân, kiểm tra tải trọng xe cũng như xử phạt các lỗi cơi nới thùng hàng, chở vật liệu gây rơi vãi… được thực hiện thường xuyên, đặc biệt là các “điểm nóng” như các khu vực bãi tập kết cát, công trình xây dựng. Tuy nhiên, công tác cân, kiểm tra tải trọng gặp nhiều khó khăn do các chủ xe tìm cách đối phó. Việc xử phạt các phương tiện gây rơi vãi trong quá trình vận chuyển cũng cần có chứng cứ khi lực lượng thanh tra giao thông bắt được quả tang”.

Hà Nguyên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Vận chuyển hơn 1,4 kg ma túy, lĩnh 70 năm tù

Ngày 16/8, TAND tỉnh mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án “Vận chuyển trái phép chất ma túy” đối với 4 bị cáo: Hồ Văn Nhiên, Hồ Văn Mái, Hồ Văn Dân, Nguyễn Minh Đức (có độ tuổi 17-18 khi phạm tội, cùng trú tại huyện Hướng Hóa, Quảng Trị), không có việc làm ổn định.

Vận chuyển hơn 1,4 kg ma túy, lĩnh 70 năm tù

TIN MỚI

Return to top