ClockThứ Năm, 22/04/2021 13:30

Truyền thông để định hướng, đánh giá đúng giá trị thực của đất

TTH - Giá đất tại hầu hết các khu vực trên địa bàn tỉnh được rao bán, giao dịch ngoài thị trường đều tăng, có những nơi tăng từ 30-40% chỉ trong thời gian ngắn.

Sốt đấtNgăn chặn thổi giá và bong bóng bất động sản trên địa bànĐấu đất - đấu trí & cơ may

Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường

Báo Thừa Thiên Huế có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường về các giải pháp kiềm chế, ngăn chặn tình trạng giá đất tăng cao. 

Gần đây, giá đất tại một số tỉnh, thành tăng đột biến và thị trường ở Thừa Thiên Huế cũng có dấu hiệu tương tự?

Qua kết quả đấu giá, chúng tôi nhận thấy hiện nay giá đất chuyển nhượng trên thị trường đúng là đang có hiện tượng tăng. Tuy nhiên, so với các địa phương khác, tình trạng giá đất trên địa bàn tỉnh chưa phải ở mức tăng đột biến.

Ông nhận định như thế nào về nguyên nhân đất “sốt” giá ?

Có nhiều nguyên nhân, vừa khách quan lẫn chủ quan. Thừa Thiên Huế là một trong ba tỉnh dự kiến trở thành thành phố trực thuộc Trung ương giai đoạn 2021-2030 theo Quyết định 241 của Thủ tướng Chính phủ. Thời gian qua, tỉnh chú trọng đầu tư hạ tầng giao thông một số khu vực trọng điểm trên QL 1A, QL 49A, 49B, đường cao tốc La Sơn-Tuý Loan, Cam Lộ-La Sơn, mở rộng nhà ga Sân bay Quốc tế Phú Bài... và nhiều tuyến đường mới được triển khai, kết nối vùng trung tâm TP. Huế đến vùng biển Phú Vang, Phong Điền, Quảng Điền...

Nhiều khu đất được “thổi” giá lên cao chỉ trong thời gian ngắn, gây hiện tượng “sốt” ảo do tâm lý đám đông

Nguyên nhân khác nữa là một số phường, xã sắp sáp nhập vào TP. Huế, nhiều dự án (DA) khu đô thị mới, đô thị Chân Mây-Lăng Cô được triển khai... đã làm giá đất tăng lên, kéo theo tăng ở các huyện, thị xã lân cận và các khu vực khác tăng do sự lan tỏa. Mật độ dân số tăng tại khu vực trung tâm các đô thị, người dân có nhu cầu tìm kiếm các khu quy hoạch, khu dân cư mới tại các vùng phụ cận để phù hợp điều kiện kinh tế cũng làm cho giá đất tăng.

Mặt khác, nhờ kiểm soát dịch COVID-19 hiệu quả, Việt Nam nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng trở thành điểm đến an toàn cho các nhà đầu tư và đang được một số nhà đầu tư lớn quan tâm nghiên cứu thực hiện các DA trên địa bàn tỉnh.

Nguyên nhân chủ quan là do giới đầu cơ đất đai đang lợi dụng việc mua đi bán lại đất để kiếm lời khiến giá đất không phản ánh đúng giá trị thực, nắm bắt thông tin quy hoạch để thu gom quỹ đất, từ đó thông qua quảng cáo tiềm năng khu đất để “thổi” giá.

Việc giá đất bị “thổi” phải chăng một phần do thiếu thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, thông tin về bất động sản trên địa bàn?

Mọi thông tin về quy hoạch, kế hoạch liên quan đến đất đai đều được công khai trên môi trường mạng và cũng được các địa phương cập nhật. Song theo tôi, các thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch các DA được công khai, minh bạch trên các phương tiện thông tin đại chúng là một trong những yếu tố khiến giá đất tại một số khu vực tăng lên, do nhu cầu của người dân muốn đầu tư tại các khu vực “điểm nóng”, các khu vực mà theo quy hoạch được đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, được lựa chọn để thực hiện các DA, các khu vực có khả năng sinh lời.

Nguy hiểm là khi thông tin thiếu chính xác và khi chưa chín muồi, nhưng tâm lý muốn “đón đầu”, mua gom để đầu cơ sẽ khiến giá đất bị thao túng, thổi phồng và nguy cơ người mua “sập bẫy”, trở thành nạn nhân cơn “sốt” ảo dễ xảy ra.

Giá đất “sốt” ảo ảnh hưởng thế nào đến kinh tế-xã hội của địa phương cũng như người có nhu cầu thực sự về đất ở nhưng có thu nhập thấp?

Hiện tượng sốt đất ảo cục bộ ở một số khu vực làm ảnh hưởng đến tình hình kinh tế-xã hội ở địa phương, ảnh hưởng đến tiến độ giải phóng mặt bằng thực hiện các DA hạ tầng đô thị đối với những khu vực đang “sốt” ảo do tâm lý của người dân. Việc người dân chọn đổ nguồn lực tài chính để đầu tư vào kinh doanh đất đai làm ảnh hưởng đến nguồn lực đầu tư phát triển các ngành kinh tế khác vốn đang bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Khi giá đất tăng ở một số khu vực nhưng không phản ánh đúng giá trị thực tế của khu đất sẽ làm tăng giá nhà ở cũng như ảnh hưởng đến việc triển khai các chính sách phát triển nhà giá rẻ cho người thu nhập thấp.

Để ổn định thị trường BĐS, cần những giải pháp căn cơ nào?

Tôi muốn nói thêm về nguyên nhân khiến giá đất tăng một phần cũng do ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến tâm lý nhiều người dân không muốn đầu tư vào các ngành khác mang tính rủi ro cao mà lựa chọn đầu tư vào thị trường BĐS. Nên trước tiên, Chính phủ cần siết chặt cho vay cũng như lãi vay đối với những trường hợp lợi dụng lãi suất ngân hàng thấp để đầu tư vào kênh này. Cần có chính sách, hỗ trợ phục hồi, phát triển đồng đều các ngành nghề, lĩnh vực để hạn chế tập trung đầu tư vào mua bán BĐS.

Để chấn chỉnh tình trạng giá đất sốt ảo, bị thổi “bong bóng”, thực hiện công văn của Bộ Tài nguyên và Môi trường và chỉ thị của UBND tỉnh, các sở, ngành, các địa phương có liên quan cũng đã vào cuộc để tăng cường công tác quản lý hoạt động kinh doanh và thị trường BĐS, quản lý giá đất cụ thể trên địa bàn.

Vậy còn những giải pháp mang tính chiến lược, lâu dài?

Theo tôi, giải pháp hữu hiệu nhất vẫn là cần đẩy mạnh và thực hiện quyết liệt công tác truyền thông để có sự phân tích, đánh giá đúng giá trị thực tế của đất ở, nhà ở; từ đó, giúp các nhà đầu tư, người dân tiếp cận thông tin chính thống, đáng tin cậy để không bị tác động tâm lý bởi hiệu ứng đám đông.

Tôi cũng có lời khuyên là người mua cần kiểm tra thông tin BĐS cần mua như pháp lý DA, chủ đầu tư, quy hoạch đã phê duyệt, kiểm tra thông tin và khảo sát kỹ nơi BĐS tọa lạc..., đồng thời trang bị những kiến thức pháp luật cơ bản để không trở thành nạn nhân của việc sốt ảo giá đất.

Tất nhiên về phía cơ quan quản lý, chúng tôi sẽ tăng cường phối hợp để giám sát chặt chẽ công tác quy hoạch, xây dựng, chuyển mục đích, phân lô, tách thửa tại các địa phương và giám sát thông tin truyền thông xã hội, kịp thời xử lý các đối tượng đầu cơ, đăng tin bịa đặt để thao túng thị trường, rao tin mua bán sai sự thật, huy động vốn trái phép.

Ông có thể nói rõ hơn về kế hoạch điều tiết quỹ đất ra thị trường thông qua việc tạo quỹ đất sạch để đấu giá sử dụng đất?

Thông qua việc rà soát quỹ đất sạch đủ điều kiện đấu giá quyền sử dụng đất và nhu cầu thị trường để ngành chức năng, chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch đấu giá quyền sử dụng đất phù hợp. Trong đó cần chú trọng hơn đến quỹ đất đưa ra đấu giá ở các khu vực có sự đột biến về giá đất cho phù hợp.

HOÀI THƯƠNG (thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phú Lộc, A Lưới:
Kỳ họp thứ 9 của HĐND huyện quyết nghị nhiều vấn đề quan trọng

Sáng 17/12, huyện Phú Lộc khai mạc kỳ họp thứ 9, HĐND huyện khóa XII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 để xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng liên quan đến tình hình kinh tế - xã hội (KT-XH), quốc phòng - an ninh (QP-AN) năm 2024 và nhiệm vụ, giải pháp để phát triển KT-XH năm 2025; đồng thời, xem xét, quyết định một số nội dung thuộc thẩm quyền của HĐND huyện.

Kỳ họp thứ 9 của HĐND huyện quyết nghị nhiều vấn đề quan trọng
Kỹ năng truyền thông về bình đẳng giới

Trong 2 ngày 25 và 26/11, tại TP. Huế, Vụ Bình đẳng giới, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) phối hợp với Sở LĐ-TB&XH tổ chức lớp tập huấn kỹ năng truyền thông về bình đẳng giới cho đội ngũ cán bộ làm công tác truyền thông trên địa bàn tỉnh.

Kỹ năng truyền thông về bình đẳng giới

TIN MỚI

Các gói 4G Viettel tại vietteldata.vn thiết kế web Khuyến mãi đăng kí4g viettel
Return to top