Đầu tư phát triển lưới điện cho sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa
Năng động, sáng tạo
Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế tiền thân là Nhà máy Đèn Huế, được xây dựng vào những năm 1920. Trải qua các giai đoạn thăng trầm lịch sử và biến cố của đất nước, Nhà máy Đèn Huế ra đời, gắn với quá trình đấu tranh cách mạng, xây dựng và phát triển của TP. Huế.
Sau khi đất nước thống nhất, từ năm 1978 trở đi, phụ tải công nghiệp, điện sinh hoạt đã tăng nhanh, với tốc độ hàng năm từ 20-30%. Công ty đã khôi phục được 4 tổ máy IDEAL ở trạm Tân Mỹ với công suất 1,2 MW; điều động 17 tổ máy G66 ở các ngành điện của các tỉnh miền Bắc để tăng thêm nguồn với tinh thần vừa thiết kế vừa thi công, chỉ trong 3 năm đã lắp đặt xong 17 tổ máy với tổng công suất 9MW.
Ngoài nguồn điện được bổ sung, lưới điện cũng từng bước được cải tạo từ cấp trung áp 3,15kV lên 6,3 kV; lưới hạ áp được nâng từ 0,2 kV lên 0,4kV. Đặc biệt, tháng 9/1984 đã đưa đường dây 110kV Đồng Hới - Huế vào vận hành ở cấp điện áp 35kV, tăng cường nguồn điện cho trung tâm TP. Huế.
Sau năm 1990, kết thúc vai trò lịch sử của việc huy động nguồn phát điện tại chỗ, bước sang giai đoạn nhận điện lưới quốc gia. Tháng 7/1990 đóng điện đường dây 220kV Vinh- Đồng Hới và 110kV Đồng Hới - Đà Nẵng, đưa điện Hòa Bình vào cung cấp cho 4 tỉnh từ Quảng Bình đến Đà Nẵng. Tháng 5/1994, hoàn thành đóng điện giai đoạn I đường dây 500kV, công trình lịch sử của đất nước và đến tháng 9/1994 đóng điện trạm 500kV Đà Nẵng các tỉnh miền Trung nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng được nhận điện ổn định từ hệ thống điện quốc gia qua trạm 500kV.
Giai đoạn 1998-2002, nguồn và lưới điện tiếp tục được củng cố, công ty đã tổ chức thực hiện cải tạo nâng cấp toàn bộ lưới điện TP. Huế lên cấp điện áp 22kV với tổng số vốn đầu tư trên 217 tỷ đồng. Liên tục các năm từ 2000-2002, công ty tập trung tiếp nhận lưới điện trung áp nông thôn và xóa bán điện qua công tơ tổng, đồng thời triển khai thực hiện Dự án (DA) năng lượng nông thôn (RE.I) vay vốn Ngân hàng Thế giới để tăng cường đầu tư lưới điện cho khu vực nông thôn miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Tháng 1/2003, xã Hồng Thủy (A Lưới) là địa phương cuối cùng của tỉnh được nhận điện lưới quốc gia với quy mô đầu tư gần 10 km đường dây trung áp 22kV, 6 trạm biến áp, tổng dung lượng 139,5kVA và 7 km đường dây hạ áp với tổng mức trên 3,5 tỷ đồng, nâng tổng số 152/152 xã, phường, thị trấn của tỉnh có điện đạt tỷ lệ 100%.
Nâng cao độ tin cậy cung cấp điện
Giai đoạn 2010-2019, công ty triển khai các DA vay vốn của Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Tái thiết Đức với tổng mức đầu tư gần 680 tỷ đồng, đáp ứng yêu cầu xây dựng nông thôn mới của tỉnh theo tiêu chí số 4 về điện, bình quân suất vốn đầu tư 4,5 tỷ đồng/xã. Phấn đấu đến cuối năm 2019 trên địa bàn toàn tỉnh có 54/104 xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt tỷ lệ 59%.
Để nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, công ty thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với việc đưa vào vận hành hệ thống giám sát điểu khiển xa SCADA để kết nối 255 điểm nút trên lưới từ trạm biến áp và thiết bị phân đoạn trên lưới điện. Trong đó, triển khai thực hiện hệ thống đo xa RF-Spider tại 100% các trạm biến áp công cộng và thay thế, lắp đặt công tơ điện tử để thay công tơ cơ gần 90%; đồng thời triển khai thực hiện sửa chữa nóng lưới điện (hotline) và vệ sinh cách điện bằng nước áp lực cao, góp phần nâng cao độ tin cậy cung cấp điện đến cuối năm 2019 chỉ còn 290 phút.
Năm 2019, công ty đạt sản lượng điện thương phẩm 1,797 tỷ kWh, tăng gần 180 lần so với năm 1975; tổn thất điện năng giảm gần 22,2% so với năm 1989; lưới điện trung hạ áp tăng gần 40 lần; trạm biến áp tăng gần 46 lần và tổng dung lượng tăng hơn 200 lần. Công suất sử dụng cao điểm 300,5MW, tăng trên 130 lần so với năm 1975; doanh thu tăng 1827 lần so với năm 1975. Từ chỗ chỉ cung cấp điện cho nhu cầu sinh hoạt của nhân dân TP. Huế, nay lưới điện đã được mở rộng đến vùng nông thôn miền núi, tất cả 152/152 các xã, thị trấn trong toàn tỉnh đã có điện và hơn 99,98% số hộ nông thôn miền núi đã được sử dụng điện, góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Đội ngũ công nhân lao động đều được đào tạo tay nghề kỹ thuật bài bản, mô hình tổ chức sản xuất được đổi mới theo hướng từ không có điện lực trực thuộc đến nay toàn công ty đã có 10 điện lực và các đội sản xuất. Đảng bộ có số lượng 255 đảng viên, sinh hoạt tại 20 chi bộ trực thuộc, nhiều năm liên tục được Đảng ủy Khối Cơ quan & Doanh nghiệp tỉnh công nhận là “Đảng bộ trong sạch vững mạnh tiêu biểu”.
Ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển lưới điện
Năm 2020, Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế tiếp tục ưu tiên mọi nguồn lực để đầu tư phát triển mạnh kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại và thông minh phục vụ các ngành kinh tế mũi nhọn. Trong đó, tập trung huy động mọi nguồn nội lực để đón nhận và ứng dụng hiệu quả các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 nhằm tăng năng suất lao động, đảm bảo cấp đủ điện, an toàn, liên tục và chất lượng.
Phát huy truyền thống 65 năm và những thành tựu đã đạt được, công ty nỗ lực để phát triển nhanh, bền vững, thu được nhiều thành tích hơn nữa trong hoạt động sản xuất kinh doanh điện năng; phát triển hạ tầng hệ thống điện hiện đại và đồng bộ, đạt trình độ tiến tiến, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên địa bàn của tỉnh, phấn đấu đến năm 2025 Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Gần 45 năm duy trì, khôi phục đầu tư và phát triển lưới điện, đến nay, trên địa bàn tỉnh có 2 trạm biến áp 220kV, tổng dung lượng 375MVA, 11 trạm 110kV, tổng dung lượng 573MVA, 410 km đường dây cao áp 110kV, 7 trạm biến áp trung gian với tổng dung lượng 26,5MVA. Công ty đang quản lý trên 2.000 km đường dây trung áp và gần 2.900 km đường dây hạ áp; trên 2.200 trạm biến áp phụ, tổng dung lượng trên 658MVA.
|
Lê Hùng Sơn