ClockThứ Tư, 03/07/2019 05:45

Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế: Nỗ lực thanh toán không dùng tiền mặt

TTH - Hiện, toàn tỉnh có gần 40 ngàn khách hàng thường xuyên sử dụng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt (KDTM) để thanh toán tiền điện hàng tháng, chiếm tỷ lệ 16%.

Ngăn ngừa sự cố lưới điệnSản lượng điện thương phẩm tăng 8% so với cùng kỳ

Khách hàng đăng ký thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt tại các đơn vị điện lực trên địa bàn tỉnh

Tháng 6/2014, Công ty Điện lực (PC) Thừa Thiên Huế và các đơn vị điện lực tại 13 tỉnh miền Trung- Tây Nguyên đồng loạt chuyển đổi hình thức hóa đơn in giấy sang loại hình hóa đơn điện tử, được tạo lập, lưu trữ, chuyển nhận bằng các phương tiện điện tử. Đây là bước ngoặt trong việc thay đổi nhận thức, cách thức triển khai các dịch vụ thanh toán mới phù hợp với hóa đơn điện tử như thanh toán trực tuyến, thanh toán qua ngân hàng, điểm thu tập trung và hiện đại hơn đó là thanh toán một cách tự động, ủy nhiệm ngân hàng, các tổ chức thu hộ (TCTH) trích nợ từ tài khoản cá nhân để chi tiêu cho dịch vụ.

Từ đó, đơn vị đẩy mạnh triển khai hợp tác với các đối tác, ngân hàng trên địa bàn nhằm thúc đẩy thanh toán tiền điện qua các kênh thay cho việc thu ngân viên điện lực thu trực tiếp tại nhà khách hàng, đây là bước đột phá của công ty trong việc thúc đẩy thanh toán tiền điện KDTM với con số đạt trên 100 ngàn khách hàng thanh toán qua ngân hàng và TCTH bằng nhiều hình thức như thanh toán tại quầy, chuyển khoản, thanh toán qua ATM, internet/mobile banking…

Phó Giám đốc PC Thừa Thiên Huế, ông Nguyễn Đại Phúc thông tin, công ty đã mở rộng hợp tác với 15 ngân hàng và 4 tổ chức trung gian thanh toán thực hiện hợp đồng thu hộ tiền điện trên địa bàn toàn tỉnh. Song số lượng khách hàng chấp nhận, sử dụng các dịch vụ thanh toán điện tử, tự động, KDTM còn khiêm tốn do tâm lý còn e ngại về tính tin cậy, bảo mật và chính xác của hóa đơn tiền điện, thiếu sự thúc đẩy của các bên.

Là một trong những đơn vị điện lực có tỷ lệ khách hàng thanh toán tiền điện KDTM cao, chỉ đứng sau địa bàn TP. Huế, nhiều năm qua Điện lực A Lưới triển khai nhiều giải pháp để vận động khách hàng thanh toán tiền điện qua ngân hàng và các TCTH. Với gần 13 ngàn khách hàng sử dụng điện, đến nay tỷ lệ khách hàng thanh toán KDTM chiếm 23,4% và phấn đấu đến cuối năm 2019 đạt 30%.

Biểu đồ thể hiện sự tăng trưởng giao dịch thanh toán tiền điện bằng các hình thức không dùng tiền mặt 6 tháng đầu năm 2019

Phó Giám đốc phụ trách Điện lực A Lưới, ông Hồ Long cho rằng, là địa bàn miền núi nên đa số khách hàng sử dụng điện nằm cách khu vực trung tâm huyện, xã nên công tác thu tiền điện gặp khá nhiều khó khăn. Nhiều năm nay đơn vị đã vận động cán bộ xã, các DN thực hiện thanh toán qua ủy nhiệm thu, trong đó ngành điện hỗ trợ phí chuyển tiền; đồng thời cử nhân viên đến các trường học, UBND các xã, DN vận động, hướng dẫn và đăng ký cho cán bộ thực hiện thanh toán tiền điện KDTM.

Thanh toán tiền điện KDTM khá tiện ích và thuận lợi cho cả ngành điện cũng như khách hàng, trong đó khách hàng không phải mất thời gian chờ đợi, đi lại nhiều lần đến các điểm thu tập trung để thanh toán tiền điện hàng tháng; dễ dàng thanh toán hộ cho người thân gia đình, người già nhằm hạn chế đi lại bằng việc ủy nhiệm cho ngân hàng trích tài khoản cá nhân tự động thanh toán tiền điện.

Chị Nguyễn Thị Hoài, nhân viên Công ty CP Dệt may Huế cho biết, từ khi công ty trả lương qua thẻ ATM, tôi đã lựa chọn phương thức thanh toán KDTM để thanh toán tiền điện cho gia đình và bố mẹ ở quê. Sử dụng hình thức thanh toán này, gia đình không phải mất công và thời gian đến các địa điểm thu tiền điện như trước đây mà lại không hề mất một chi phí dịch vụ nào.

Theo ông Nguyễn Đại Phúc, tính đến tháng 6/2019, PC Thừa Thiên Huế đang quản lý bán điện cho trên 300 ngàn khách hàng, trong đó có 91% khách hàng cá nhân, sử dụng điện cho mục đích sinh hoạt. Hiện, toàn tỉnh có gần 40 ngàn khách hàng thường xuyên sử dụng các hình thức thanh toán KDTM để thanh toán tiền điện hàng tháng, chiếm tỷ lệ 16%.

Từ nay đến cuối năm 2019, với mục tiêu tăng gấp đôi số khách hàng sử dụng điện thanh toán tiền điện bằng các phương thức thanh toán điện tử, ngoài nỗ lực của công ty, các ngân hàng, tổ chức trung gian thanh toán, rất cần sự ủng hộ của cộng đồng, đặc biệt là những khách hàng ở các khu vực trung tâm và đội ngũ CBCNV, công nhân các nhà máy, xí nghiệp trả lương qua thẻ ATM nhằm góp phần tích cực vào việc xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh và xây dựng Huế trở thành đô thị văn minh, hiện đại.

Theo Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 1/1/2019 của Chính phủ, trước tháng 12/2019 tất cả các trường học, bệnh viện, công ty điện, cấp thoát nước, vệ sinh môi trường, các DN viễn thông, bưu chính trên địa bàn đô thị phối hợp với các ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán để thu học phí, viện phí, tiền điện... bằng phương thức thanh toán KDTM. Trong đó ưu tiên giải pháp thanh toán trên thiết bị di động, thanh toán qua thiết bị chấp nhận thẻ.

Bài, ảnh: Thanh Hương

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bảo đảm hoạt động thanh toán an toàn, thông suốt dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2025

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa có văn bản số 10182/NHNN-TT yêu cầu các đơn vị liên quan trực thuộc, các tổ chức tín dụng, NAPAS và các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán,... triển khai một số biện pháp để bảo đảm hoạt động thanh toán diễn ra an toàn, thông suốt trong thời gian cuối năm 2024 và Tết Nguyên đán 2025.

Bảo đảm hoạt động thanh toán an toàn, thông suốt dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2025

TIN MỚI

Return to top