|
Nhà máy xử lý nước thải tại khu vực nam TP. Huế công suất 30.000m3/ngày đêm |
Tại hội nghị tổng kết công tác tài nguyên môi trường (TNMT) năm 2023 mới đây, cả hội trường nóng lên khi các tham luận bàn thảo về công tác môi trường ở các địa phương, nhất là việc xử lý nước thải ở khu đô thị, các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) và làng nghề... Nhiều đại diện lãnh đạo ban, phòng chức năng huyện, thị cho rằng hiện nay rất lúng túng và lo lắng về hạng mục xử lý nước thải ở địa phương yếu và thiếu.
Cảm nhận của chúng tôi, những người được giao trách nhiệm quản lý nhà nước về công tác môi trường tại địa phương lo lắng và băn khoăn vấn đề trên là đúng. Thực tế, hiện trên địa bàn tỉnh mới đầu tư hai hệ thống thu gom, xử lý nước thải đô thị tập trung là: tại khu vực nam TP. Huế công suất 30.000m3/ngày đêm và tại thị trấn Lăng Cô (Phú Lộc) công suất 4.750m3/ngày đêm; còn lại các huyện, thị khác đều “trắng” hệ thống xử lý nước thải tập trung. Trong khi đó, theo quy định các khu đô thị, khu dân cư tập trung ở các huyện, thị xã, thành phố phải xây dựng hệ thống xử lý nước thải riêng biệt đạt quy chuẩn, tiêu chuẩn cho phép trước khi thải ra môi trường, hoặc thực hiện đấu nối với hệ thống thoát nước thải tập trung... trước khi thải ra môi trường.
Không chỉ ở các khu đô thị, khu dân cư, mà các KCN trên địa bàn đều hạn chế trong việc xử lý nước thải. Hiện nay, ngoại trừ KCN Phú Bài và khu phi thuế quan thuộc Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô được đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung đưa vào hoạt động, số còn lại đều “trắng”. Các CCN các địa phương hiện nay cũng lo lắng không hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung; trong khi đó các dự án, nhà đầu tư đăng ký tham gia sản xuất, kinh doanh vào đây ngày càng nhiều.
Chính nguyên nhân trên dẫn đến nguy cơ gây ô nhiễm môi trường các lưu vực sông nằm lân cận; nhiều vụ vi phạm về môi trường đã diễn ra. Cũng chính từ điều này dẫn đến khó khăn trong công tác thực hiện, hoàn thành tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới ở các địa phương.
Theo lãnh đạo Sở TNMT, công tác môi trường về từ góc độ hạ tầng xử lý nước thải ở khu đô thị, KCN, CCN tại các địa phương còn hạn chế. Hiện nay với sự quan tâm bộ, ngành, địa phương ngành TMMT tiếp tục thực hiện các giải pháp, mà trước mắt xây dựng các chương trình giám sát, lập báo cáo hiện trạng quan trắc môi trường theo từng đợt, khu vực và công bố chất lượng môi trường ra cộng đồng; nghiêm khắc xử lý dứt điểm các cơ sở, các điểm gây ô nhiễm môi trường, không để phát sinh điểm nóng về môi trường. Bên cạnh đó là tham mưu, phối hợp thực hiện đồng bộ từ quy hoạch đến thực tiễn hạ tầng xử lý nước thải đang thiếu và yếu ở các địa phương, khu vực, KCN, CCN, làng nghề… để nâng cao tỷ lệ thu gom, xử lý nước thải tập trung một cách triệt để.
Những vấn đề trên lãnh đạo tỉnh thường xuyên quan tâm đã tăng cường công tác chỉ đạo trong thời gian qua. Để đạt mục tiêu đề ra, ngoài đầu tư nguồn lực của tỉnh, đòi hỏi rất lớn sự chủ động, linh hoạt của các tổ chức, đơn vị, địa phương trong thu hút đầu tư các dự án môi trường, xử nước thải sinh hoạt tối ưu, hiệu quả để bảo vệ môi trường bền vững.