ClockThứ Bảy, 28/12/2019 06:30

Xuất khẩu chạm ngưỡng 1 tỷ USD

TTH - Kim ngạch xuất khẩu (KNXK) năm 2019 đạt 960 triệu USD và nỗ lực chạm ngưỡng hơn 1 tỷ USD trong năm 2020 là dấu son trong phát triển kinh tế của Thừa Thiên Huế.

Giá nông sản giảm 15% nhưng kim ngạch xuất khẩu vượt mục tiêuXuất khẩu dệt may đối mặt nhiều thách thứcXuất khẩu dệt may 2019 “chạm ngưỡng” 40 tỷ USD

Chế biến thủy sản xuất khẩu tại Công ty Phát triển thủy sản Thừa Thiên Huế

Chuyển dịch chuỗi cung ứng

2019 được xem là năm “được mùa” đối với xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ khi đạt KNXK 110 triệu USD, tăng 50% so với năm 2018 và cao nhất từ trước tới nay.

Với 8 doanh nghiệp (DN) tham gia chế biến, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ, đây là lĩnh vực tiềm năng và có thể đạt mức tăng cao hơn trong năm 2020 khi các DN đẩy mạnh đầu tư máy móc, công nghệ chuyển dịch từ sản xuất dăm gỗ sang sản phẩm gỗ; đồng thời, tăng cường kêu gọi đầu tư đối với các dự án sản xuất đồ gỗ xuất khẩu.

Hoạt động tại Khu công nghiệp Phú Bài từ năm 2003 với quy mô nhỏ, KNXK chỉ đạt vài trăm ngàn USD, năm 2019, Công ty CP Chế biến gỗ Thừa Thiên Huế đánh dấu sự phát triển vượt bật khi KNXK đạt gần 3 triệu USD, tăng 30% so với cùng kỳ, trong đó sản phẩm chủ lực là bàn ghế sân vườn và đồ nội thất xuất sang thị trường Mỹ, châu Âu.

Theo Giám đốc Lê Dương Huy, sự chuyển dịch các chuỗi cung ứng từ Trung Quốc do bị đánh thuế cao sang các nước Đông Nam Á mang lại tiềm năng lớn cho hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ, trong đó có Việt Nam. Cùng với cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, việc tham gia các hiệp định thương mại thế hệ mới cũng mang lại nhiều cơ hội cho ngành chế biến và xuất khẩu gỗ khi các đơn hàng xuất sang Mỹ ngày càng nhiều.

Chiếm trên 70% giá trị kim ngạch xuất khẩu của tỉnh, lĩnh vực dệt may gặp nhiều thuận lợi trong năm 2019

Ông Huy cho hay, từ đầu năm đến nay, DN nhận nhiều đơn hàng xuất khẩu vào thị trường Mỹ nên cung không đủ cầu, phải đầu tư dây chuyền sản xuất, mở rộng nhà xưởng và huy động thêm công nhân tập trung sản xuất để đảm bảo số lượng xuất khẩu, tạo nguồn lực để đáp ứng các đơn hàng đã ký kết trong năm 2020. 

Là một trong những nhóm hàng chủ lực khi KNXK chiếm trên 70% tổng giá trị KNXK của tỉnh, dệt may đang chiếm lợi thế với KNXK năm 2019 đạt gần 700 triệu USD.

Theo Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Dệt may Huế Nguyễn Thanh Tý, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với hàng dệt may có xuất xứ từ Việt Nam khi xuất vào thị trường các nước đối tác (ngay hoặc khi có lộ trình) đang là cơ hội lớn cho các DN dệt may. Đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá thành sản xuất để nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường nội địa và xuất khẩu đang là mục tiêu mà công ty hướng đến.

Với nhiều giải pháp như đầu tư đổi mới công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, năm 2019, Công ty CP dệt may Huế đạt KNXK trên 96 triệu USD, tăng 15% so với năm 2018. Các đơn hàng xơ sợi, dệt may đang chuyển dịch sang các nước Mỹ, Canada, Úc, châu Âu để thụ hưởng các chính sách về thuế. Ông Tý khẳng định, để đạt con số 100 triệu USD trong năm 2020, từ cuối năm 2019, DN đầu tư trên 50 tỷ đồng thay thế các dây chuyền sản xuất để tạo ra hệ thống thiết bị tự động hóa trong sản xuất sợi, may và đào tạo nguồn cán bộ chuyên ngành.

Mở rộng thị trường

Biến thách thức thành cơ hội, các DN có ngành hàng xuất khẩu của tỉnh đã tận dụng tốt các ưu đãi về thuế quan trong các hiệp định thương mại Việt Nam đã ký kết để thâm nhập và mở rộng các thị trường mới. Cũng theo ông Nguyễn Thanh Tý, để thụ hưởng các chính sách của CPTPP, năm 2020, Công ty CP Dệt may Huế sẽ mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước thành viên, trong đó tập trung vào thị trường Úc, Canada, Nhật Bản, đồng thời tiếp tục đầu tư đổi mới công nghệ đáp ứng các yêu cầu khắt khe khi đưa sản phẩm vào các thị trường khó tính này.

Tuy không nằm trong tốp DN có KNXK lớn, song Công ty CP Phát triển thủy sản Thừa Thiên Huế vẫn duy trì KNXK ổn định trong nhiều năm qua. Năm 2019, KNXK của DN này đạt 7 triệu USD. Ngoài thị trường xuất khẩu truyền thống là các tỉnh vùng ven của Nhật Bản, mặt hàng sushi xuất sang nước này đã được đơn vị mở rộng ra thị trường ở thủ đô Tokyo và thành phố Kimasawa.

Giám đốc Công ty CP Phát triển thủy sản Thừa Thiên Huế, ông Nguyễn Thanh Túc chia sẻ, khách hàng Nhật rất ưa chuộng sản phẩm sushi do công ty chế biến nên số lượng hàng xuất khẩu sang các đối tác luôn thiếu từ 30 - 40% do thiếu nguyên liệu sản xuất. Để chủ động đơn hàng cho năm 2020 và thực hiện mục tiêu nâng KNXK lên 8 triệu USD, hiện DN đang đàm phán với các đơn vị cung cấp nguyên liệu trong nước và có thể nhập khẩu một số nguyên liệu cần thiết nếu chất lượng đảm bảo.

Gia tăng sản lượng thủy sản xuất khẩu không phải là câu chuyện ngày một, ngày hai và để phát triển bền vững, trước hết ngành thủy sản phải tăng cường kiểm soát chất lượng sản phẩm, vận động người dân mở rộng diện tích nuôi trồng. Các DN cần xác định và xây dựng những quy chuẩn trong nuôi trồng, đánh bắt, chế biến, bảo đảm nghiêm ngặt an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc cũng như xây dựng thương hiệu…

Tạo bứt phá

Số liệu của Sở Công thương cho thấy, cùng với sự thống trị của DN FDI trong xuất khẩu, các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã mang lại nhiều lực đẩy cho các DN xuất khẩu trên địa bàn.

Năm 2019, tất cả nhóm thị trường mà Việt Nam có ký kết FTA và đang thực thi đều tăng trưởng tốt. Đơn cử như nhóm hàng gỗ và sản phẩm gỗ tăng 49%, công nghiệp chế biến tăng 9%, xơ- sợi dệt tăng 24%, thủ công mỹ nghệ, hương và bột hương tăng 47%… Với các ngành hàng, lợi thế từ tận dụng các FTA để xuất khẩu cũng thể hiện khá rõ. Riêng lĩnh vực dệt may, nếu đáp ứng các yêu cầu xuất xứ trong CPTPP, các DN trên địa bàn sẽ gia tăng giá trị xuất khẩu và phát triển thêm nhiều thị trường mới, tiềm năng.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thiên Định, xác định dệt may thời trang là chuỗi sản phẩm xuất khẩu chủ lực của tỉnh nên để đảm bảo nguồn nguyên phụ liệu đáp ứng các yêu cầu khi xuất khẩu sang các nước thành viên CPTPP, đặc biệt là thu hút các DN dệt nhuộm không gây tác hại đến môi trường, tỉnh đã nghiên cứu, tìm giải pháp xử lý nước tuần hoàn trong sản xuất. Theo đó, các DN đầu tư lĩnh vực dệt nhuộm sẽ đầu tư công nghệ xử lý nước tuần hoàn, nước thải sẽ cô đặc và xử lý bằng cách chôn lấp hoàn toàn, không thải ra môi trường nước.

Với mục tiêu đưa KNXK năm 2020 lên 1.050 triệu USD, Sở Công thương sẽ hỗ trợ DN nhỏ và vừa xây dựng và phát triển thương hiệu; cung cấp thông tin thị trường, ngành hàng xuất khẩu; tăng cường phổ biến thông tin về cam kết đối với các hiệp định thương mại tự do.

Phó Giám đốc Sở Công thương Phan Hùng Sơn nhận định, hiện có khá nhiều DN có quy mô nhỏ và vừa với điểm chung là hạn chế về nguồn vốn, công nghệ và thiếu thị trường ổn định. Đây sẽ là nhóm DN cần được hỗ trợ xúc tiến xuất khẩu để phát triển thị trường.

Theo ông Sơn, những giải pháp hỗ trợ DN sẽ được tổ chức dưới nhiều hình thức, như kết nối với các cơ quan đại diện, các tổ chức xúc tiến nước ngoài tại khu vực miền Trung; kết nối xuất khẩu thông qua các chuỗi siêu thị nước ngoài và kênh thương mại điện tử; kết nối thông qua các chương trình hội chợ - triển lãm ở nước ngoài, đồng thời phối hợp với các sở, ban ngành xây dựng chuỗi giá trị nguyên liệu phục vụ cho các DN xuất khẩu.

Bài, ảnh: THANH HƯƠNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thu giữ hàng nghìn sản phẩm “nhái” thương hiệu nổi tiếng

Ngày 20/12, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh cho biết vừa phối hợp với Công an huyện Nam Đông phá chuyên án liên quan đến hành vi sản xuất hàng hóa giả mạo, xâm phạm sở hữu công nghiệp các nhãn hiệu nổi tiếng được bảo hộ tại Việt Nam.

Thu giữ hàng nghìn sản phẩm “nhái” thương hiệu nổi tiếng
Phát triển kinh tế tập thể: Hướng đi hiệu quả

Việc liên kết sản xuất, đổi mới mẫu mã, phương thức bán hàng đã giúp các mô hình kinh tế hợp tác xã (HTX) phát huy tối đa lợi thế, thúc đẩy sự phát triển, nhất là các sản phẩm công nghiệp nông thôn...

Phát triển kinh tế tập thể Hướng đi hiệu quả

TIN MỚI

Return to top