ClockThứ Sáu, 16/02/2018 13:51

Xuất khẩu dệt may, da giày: Sức bật từ việc đón đầu công nghệ mới

Năm 2017 xuất khẩu của ngành dệt may, da giày đã ghi nhận những kết quả nổi bật, đem về khoảng 49 tỷ USD cho đất nước.

Ảnh minh họa

Có được thành tích này, bản thân doanh nghiệp cũng rất nỗ lực đầu tư cải thiện năng lực sản xuất, cũng như đón đầu các cơ hội mới.

Tăng trưởng 2 con số

Năm 2017, ngành da giày về đích vượt kỳ vọng với 17,93 tỷ USD giá trị xuất khẩu, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm 2016. Trái với dự báo và tình trạng ảm đạm của năm trước, ngay từ những tháng đầu năm lượng đơn hàng của các doanh nghiệp trong ngành khá dồi dào.

Bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng Thư ký Hiệp hội Da- Giày- Túi xách Việt Nam cho hay, các thị trường lớn đã đóng góp tích cực cho việc gia tăng xuất khẩu của ngành da giày.

Đến thời điểm này, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của ngành da giày khi chiếm khoảng 34% trong tổng kim ngạch.

Tiếp đến là thị trường Liên minh châu Âu (EU), so với năm 2016, xuất khẩu sang thị trường này sôi động hơn rất nhiều. Bà Xuân cho biết, năm 2017, lượng giày dép Việt vào EU tăng mạnh, chiếm trên 30% trong tổng kim ngạch xuất khẩu và chiếm khoảng 11% thị phần tại EU.

“Năm 2016 có sự biến động từ Brexit (nước Anh chuẩn bị rời khỏi EU ) nên đơn hàng của các doanh nghiệp trong ngành da giày có chững lại, nhưng dấu hiệu đã ấm lên từ năm 2017 việc các nhà nhập khẩu Anh cũng đã có thời gian đánh giá tác động và quay lại đặt hàng. Điều này rất quan trọng bởi Anh là một trong những thị trường lớn của giày dép Việt trong khối EU”, bà Phan Thị Thanh Xuân cho hay.

Trong khi đó, với doanh nghiệp dệt may, năm 2017 cũng tạo thêm nhiều điểm nhấn khi kim ngạch xuất khẩu vượt 31 tỷ USD, tăng hơn 10% so với năm 2016.

Ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, năm 2017, kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may sang các thị trường lớn đều đạt kết quả tốt ở những thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, ngành dệt may Việt Nam đã nỗ lực phát triển đa dạng hóa các thị trường và có sự bứt phá tại các thị trường khác như: Trung Quốc, Nga, Campuchia....

Cùng với hoạt động xuất khẩu, sự cải thiện đáng kể trong phát triển thị trường nội địa cũng đóng góp đáng kể vào bức tranh sáng của ngành dệt may Việt Nam trong năm 2017.

Cụ thể, với mức tăng 10,6%, thị trường nội địa đã có những đóng góp tích cực cho doanh nghiệp tạo dựng kênh phân phối cũng như gia tăng thị phần.

Đón đầu các thành tựu công nghệ mới

Trong những năm qua, công nghệ luôn là yếu tố hàng đầu tạo ra động lực nâng cao sức cạnh tranh của ngành dệt may và da giày, đặc biệt xu thế mới từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 được dự báo sẽ tạo ra sự lan tỏa lớn hơn trong lĩnh vực này.

Nhìn nhận từ thực tế, ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty May Hưng Yên cho rằng, với áp lực cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ, nếu doanh nghiệp muốn tồn tại được thì con đường duy nhất là phải tăng năng suất lao động..

Chính vì vậy, giải pháp mà doanh nghiệp áp dụng chính là thông qua cải tiến công nghệ, máy móc, thiết bị và nâng cao công tác quản trị doanh nghiệp...

Cùng chung nhận định này, ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho rằng, đối với ngành sử dụng nhiều lao động đơn giản như dệt may thì việc áp dụng công nghiệp 4.0 sẽ rất quan trọng với nhiều cơ hội mới nếu sớm được triển khai sâu rộng.

Nếu như trước đây 100 người mới điều hành được máy móc, nhưng thời điểm bây giờ một nhà máy cũng chỉ có 40 người, thậm chí tới đây sẽ có nhà máy 20 người cho phân Xưởng có 10.000 cọc sợi mà tốc độ tăng thêm 20% có nghĩa năng suất trên đầu người tăng 6 lần.

Qua thực tế này, lãnh đạo Vinatex khẳng định, việc áp dụng công nghệ là giải pháp đột phá để ngành dệt may Việt Nam đáp ứng điều kiện mới.

“Việc áp dụng tự động hóa, robot và sử dụng các dữ liệu lớn có khả năng tăng năng suất theo cấp số nhân chứ không phải cấp số cộng,” ông Lê Tiến Trường cho hay.

Xuất khẩu giày dép giữ đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao kim ngạch chung. Ảnh: Đức Duy/Vietnam+

Trong khi đó, đánh giá về triển vọng phát triển của ngành da giày trong năm 2018, bà Phan Thị Thanh Xuân cho biết, trong bối cảnh hiện nay, để tạo ra sức cạnh tranh lớn hơn, thì bản thân quy mô sản xuất công nghiệp của ngành da giày cũng sẽ phải nâng lên đặc biệt là việc ứng dụng nhiều khoa học công nghệ trong sản xuất để hỗ trợ đẩy nhanh năng suất lao động, giảm dần công đoạn giản đơn, nâng cao tay nghề và tạo ra thu nhập tốt hơn cho công nhân.

Bên cạnh đó, theo dự báo, khi hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) được ký kết chắc chắn dòng đơn hàng dịch chuyển về Việt Nam sẽ rất nhiều.

“Vấn đề chỉ còn là doanh nghiệp trong nước sẽ đón nhận cơ hội từ hiệp định này ra sao,” bà Xuân phân tích.

Thực tế cho thấy, hội nhập kinh tế quốc tế đã mở ra cơ hội thu hút đơn hàng cho ngành da giày. Đặc biệt, khi các nhãn hàng lớn đến Việt Nam cũng kéo theo dòng luân chuyển của vốn và công nghệ.

Sự biến đổi này vừa là cơ hội cũng là thách thức buộc doanh nghiệp trong nước phải có sự đầu tư tương ứng nhằm đủ khả năng tiếp nhận được đơn hàng lớn, đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật và thời gian giao hàng, việc đó đồng thời cũng là một cơ hội tốt cho ngành da giày biến đổi cả về chất lượng.

Hiện nay, một số doanh nghiệp trong ngành đã lựa chọn những thị trường ngách có quy mô nhỏ nhưng mức thu nhập của người dân tốt và ưa chuộng những sản phẩm đặc thù riêng như: Nhật Bản hay Tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất…

“Việc tập trung đầu tư và ứng dụng công nghệ rất cao là xu hướng phát triển tiếp theo của ngành da giày, tức là đi vào những dòng sản phẩm có chất lượng cao, giá thành tương xứng, đây cũng là xu hướng tiếp cận dài hơi của ngành da giày trong 15-20 năm nữa,” đại diện Hiệp hội Da- Giày-Túi xách Việt Nam chia sẻ.

Theo Vietnam+

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Các nền kinh tế đang phát triển: Xuất khẩu dịch vụ kỹ thuật số lần đầu tiên vượt mốc 1.000 tỷ USD

Dữ liệu mới vừa được Tổ chức Thương mại và Phát triển Liên hợp quốc (UNCTAD) công bố cho thấy, xuất khẩu dịch vụ kỹ thuật số toàn cầu năm 2023 đã đạt tổng cộng 4.500 tỷ USD, trong đó, các nền kinh tế đang phát triển đã lần đầu tiên trong lịch sử vượt mốc 1.000 tỷ USD về xuất khẩu dịch vụ kỹ thuật số.

Các nền kinh tế đang phát triển Xuất khẩu dịch vụ kỹ thuật số lần đầu tiên vượt mốc 1 000 tỷ USD

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Gilio Uniform: đồng phục công sở tại Đà NẵngMẫu áo công sở đẹp, giá rẻXưởng may, in balo theo yêu cầu ở đây Giày Nike chính hãng Đại lý Máy may kansai giá rẻ iPhone 16 Pro 1tb giày da cao cấp nam Đặt áo đồng phục sơ mi tại hcm giấy lót vải
Return to top