ClockThứ Bảy, 21/04/2018 05:15

Xuất khẩu lao động khởi sắc

TTH - Ông Hoàng Văn Phước, Trưởng phòng Việc làm - An toàn lao động, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) thông tin: Năm 2017, toàn tỉnh có 704 người đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) và từ đầu năm đến nay, con số này gần 200 LĐ, trong đó đi Nhật Bản chiếm đến 80%. Chỉ tiêu Sở LĐ,TB&XH đặt ra trong năm nay là đưa 1.000 người đi XKLĐ, hướng đến các thị trường: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Ả Rập Xê Út...

Đối thoại với người lao động khu công nghiệpThị trường xuất khẩu lao động đa dạng và rộng mởNhật Bản sử dụng robot, lao động nữ và người cao tuổi để đối phó với khủng hoảng lao động

Người lao động tìm hiểu thông tin về XKLĐ tại ngày hội tuyển sinh học nghề, tuyển dụng lao động năm 2018

Nắm chắc các đơn hàng

Cuối năm 2016, Sở LĐ-TB&XH tham mưu xây dựng kế hoạch đẩy mạnh công tác XKLĐ và được UBND tỉnh ban hành năm 2017.

Để thực hiện kế hoạch này, bên cạnh những giải pháp tuyên truyền, ban hành một số chính sách hỗ trợ lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, một giải pháp quan trọng là tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc tuyển dụng của các đơn vị phái cử.

Ông Phước cho hay: “Phát huy vai trò quản lý nhà nước, Sở LĐ,TB&XH kiểm tra chặt chẽ các doanh nghiệp (DN) phái cử, có hồ sơ pháp lý đầy đủ mới được tham gia tuyển LĐ trên địa bàn. Tất cả các đơn hàng phải có thẩm định của Cục Quản lý lao động ngoài nước. Trong các dịp công tác, lãnh đạo Sở LĐ,TB&XH đến trụ sở chính của các công ty ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh để tìm hiểu thêm, đến các trung tâm huấn luyện để xem việc ăn ở, học tập của NLĐ trong thời gian giáo dục định hướng ở DN. Khi xác định chắc chắn, Sở LĐ,TB&XH đứng ra giới thiệu các DN cho các địa phương và NLĐ".

Sở LĐ,TB&XH thẩm định, nắm chắc các đơn hàng, tên tuổi cán bộ trực tiếp tuyển dụng mới giới thiệu về các địa phương, chấm dứt tình trạng tuyển dụng lộn xộn. Nếu không có thông báo của Sở, địa phương sẽ không làm việc với DN. Sở cũng giám sát cụ thể để yêu cầu DN phải nói thật, làm thật, yêu cầu các DN thông tin rõ ràng chi phí mà NLĐ phải chi trả khi đi XKLĐ, tránh tình trạng NLĐ bị lừa như trước đây, dần dần tạo niềm tin với người dân. 

Ông Lê Ngọc Luân, Giám đốc kinh doanh Công ty Việt Lực cho biết: “Trở ngại lớn nhất khi tuyển XKLĐ ở Thừa Thiên Huế là tâm lý lo sợ và thiếu niềm tin của người dân. Để xây dựng niềm tin với NLĐ, Công ty Việt Lực chọn những thị trường có nền kinh tế phát triển, có nền văn hóa tương đồng với Việt Nam, có thể chế chính trị ổn định, như: Nhật Bản, Đài Loan, Angieri, Ả Rập Xê Út. Các đơn hàng đều được Bộ và Sở LĐ,TB&XH thẩm định, cấp phép; hoạt động thông tin, tư vấn của chúng tôi đều thông qua các cấp chính quyền địa phương”.

Với Công ty Quinn Hà Nội chuyên tuyển dụng XKLĐ đi thị trường Nhật Bản, việc tư vấn, đào tạo ban đầu đều được miễn phí cho đến khi đối tác từ Nhật trực tiếp sang tuyển dụng. Ông Trần Đình Lộc, phụ trách tuyển dụng Công ty Quinn Hà Nội thông tin: “Chúng tôi kết nối trò chuyện với NLĐ đang làm việc tại Nhật Bản để những người chuẩn bị đi nắm rõ mức lương, công việc, cuộc sống sinh hoạt...”. Một số công ty như Daystar còn có văn phòng chi nhánh tại Nhật Bản để giải quyết những vướng mắc, hỗ trợ khi NLĐ cần.

Công ty Việt Lực tư vấn về XKLĐ cho người dân

Hỗ trợ bằng chính sách

Cùng với việc củng cố niềm tin, Sở LĐ,TB&XH mở rộng các kênh tuyên truyền thông qua các phương tiện truyền thông và mạng xã hội. Tất cả các thông tin về XKLĐ đều được gửi về tận cơ sở. Sở phối hợp với các huyện tổ chức nhiều đợt tư vấn, giải thích rõ để thông tin đến với người dân minh bạch, cụ thể.

Tỉnh cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ NLĐ ra nước ngoài làm việc có thời hạn thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, thân nhân của người có công với cách mạng, đồng bào dân tộc thiểu số, lao động sống trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn, hộ bị ảnh hưởng do sự cố môi trường biển... về kinh phí đào tạo nghề, ngoại ngữ, giáo dục định hướng, khám sức khỏe, làm hộ chiếu; cho vay 100% kinh phí từ Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất bằng lãi suất cho hộ nghèo vay. Những đối tượng LĐ không thuộc các diện hỗ trợ trên được vay tín chấp tối đa 50 triệu đồng với lãi suất bằng lãi suất cho hộ nghèo vay. Ngoài ra, một số địa phương như huyện Phong Điền còn có chính sách hỗ trợ riêng cho NLĐ.

Với những nỗ lực “đả thông” về tư tưởng, tài chính và thông tin, từ năm 2017 đến nay, công tác XKLĐ bước đầu khởi sắc. 

Ông Hoàng Văn Phước thông tin: “Năm 2017, toàn tỉnh có 704 người đi XKLĐ và từ đầu năm đến nay, con số này gần 200 LĐ, trong đó đi Nhật Bản chiếm đến 80%. Chỉ tiêu Sở LĐ,TB&XH đặt ra trong năm nay là đưa 1.000 người đi XKLĐ, hướng đến các thị trường: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Ả Rập Xê Út..."

“Quan trọng là NLĐ phải cố gắng học tập, xác định đi XKLĐ là đi làm để nâng cao tay nghề và thu nhập. Chúng tôi vẫn yêu cầu các DN tư vấn cho NLĐ biết những khó khăn khi đi XKLĐ, không nên vẽ ra con đường đầy hoa hồng mà chuẩn bị tâm lý thật kỹ cho NLĐ”, ông Phước nhấn mạnh.

Bài, ảnh: Minh Hiền

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thông tin doanh nghiệp:
Thông báo tuyển dụng lao động đợt 2 năm 2024

Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam chi nhánh tỉnh Thừa Thiên Huế (Agribank chi nhánh tỉnh Thừa Thiên Huế) thông báo tuyển dụng lao động đợt 2 năm 2024 như sau:

Thông báo tuyển dụng lao động đợt 2 năm 2024
Thông tin doanh nghiệp:
Đồng Phục Tiến Bảo - Thương hiệu bảo hộ lao động chất lượng uy tín

Đồng Phục Tiến Bảo là đơn vị tiên phong trong lĩnh vực bảo hộ lao động tại Việt Nam, Tiến Bảo tự hào là đối tác tin cậy của hàng ngàn doanh nghiệp, tập đoàn lớn các khách hàng của chúng tôi như: Tập đoàn dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Cao Su Miền Nam, Tập đoàn Đèo Cả…

Đồng Phục Tiến Bảo - Thương hiệu bảo hộ lao động chất lượng uy tín

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top