ClockThứ Năm, 05/04/2018 13:42

Xuất khẩu quý I tạo điểm sáng trong bức tranh kinh tế

Quý I của năm 2018 đã khép lại với những thành tích ngoạn mục về tăng trưởng kinh tế. Xuất khẩu của Việt Nam cũng là điểm sáng tích cực trong bức tranh tăng trưởng kinh tế và cân bằng cán cân thương mại.

Xuất khẩu rau quả vượt dầu thô nhưng “chỉ sang” được Trung QuốcXuất khẩu nông lâm thủy sản có thể đạt 31 tỷ USDKim ngạch xuất khẩu rau quả lần đầu "vượt mặt" dầu thô hơn 2.400 tỷ đồng

Tuy nhiên, chặng đường còn lại vẫn còn dài và xuất khẩu phải đối mặt với nhiều thách thức kèm những khó khăn nội tại sẽ tạo ra không ít rào cản. Vì thế, nhiều ý kiến cho rằng cần phải có những giải pháp trọng tâm để nâng cao chất lượng hàng hóa và năng lực cho doanh nghiệp xuất khẩu.

Nhiều tín hiệu vui

Thống kê từ Bộ Công Thương cho thấy, trong tháng 3/2018, kim ngạch xuất khẩu của cả nước đã đạt 17,16 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm ngoái, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu của quý I lên mức 54,31 tỷ USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2017. Đây cũng là mức tăng rất cao so với cùng kỳ các năm trước khi quý I/2017 xuất khẩu chỉ tăng 12,8%, còn quý I/2016 mức tăng là 6,6%.

Cùng với đó, tính đến hết quí I, xuất khẩu của nhóm nông, lâm, thủy sản đạt 5,9 tỷ USD, tăng 8,4% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 10,9% trong tổng kim ngạch xuất khẩu.

Bốc xếp gạo xuất khẩu tại cảng Sài Gòn. Ảnh: Đình Huệ/TTXVN

Đặc biệt, một số mặt hàng trong nhóm được hưởng lợi từ giá xuất khẩu tăng trong quý I. Trong đó, gạo có mức giá xuất khẩu tăng 13,5% so với cùng kỳ. Tính đến hết tháng 3/2018, xuất khẩu gạo đạt 1,352 triệu tấn, tăng 9,1% so với cùng kỳ, trị giá đạt 668 triệu USD.

Ông Dương Duy Hưng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương) cho biết, so với cùng kỳ năm 2017, một số mặt hàng chủ lực vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng bền vững, như nhóm hàng công nghiệp chế biến vẫn giữ vai trò chủ lực khi đem về khoảng 45,26 tỷ USD, tăng 26,3% so với cùng kỳ năm ngoái và cao gấp hơn 2 lần so với mức tăng của năm 2017 là 12,5%.

Riêng hai mặt hàng điện thoại các loại và máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đã đóng góp 18,62 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu. Đây cũng là những mặt hàng có mức tăng trưởng ổn định trong những năm vừa qua, là một trong những động lực tăng trưởng của xuất khẩu.

Ở chiều ngược lại, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu quý I đạt 53,01 tỷ USD, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 21,26 tỷ USD, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 31,75 tỷ USD.

Như vậy, cán cân thương mại hàng hóa quý I/2018 đã nghiêng về xuất khẩu, với mức xuất siêu 1,3 tỷ USD. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 6,3 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 7,6 tỷ USD.

Ông Dương Duy Hưng khẳng định, có được kết quả này, bên cạnh nguyên nhân kinh tế thế giới phục hồi đã mở ra nhiều cơ hội cho xuất khẩu thì ở trong nước, môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, những đổi mới hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, cùng với nguồn vốn đầu tư nước ngoài đăng ký tăng tích cực... đã thúc đẩy sản xuất, tạo thêm nguồn hàng cho xuất khẩu.

Không những thế, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như dệt may, giày dép, máy móc thiết bị, đồ gỗ, nông sản và thủy sản tiếp tục được hưởng lợi lớn từ các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết thời gian qua và kỳ vọng sẽ có nhiều cơ hội hơn tại thị trường Liên minh châu Âu (EU) khi Hiệp định FTA với khu vực này chính thức có hiệu lực.

Tạo thêm nguồn lực

Hiện hàng hóa của Việt Nam đã có mặt tại gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Bên cạnh tập trung vào một số thị trường giàu tiềm năng, sức mua cao như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và ASEAN…, hàng hóa Việt cũng bước đầu xuất khẩu thành công vào một số quốc gia mới ở các khu vực châu Phi, châu Mỹ La tinh…

Tiềm năng tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu thời gian tới dự kiến vẫn còn dồi dào, trong bối cảnh Việt Nam sở hữu nhiều loại hàng hóa có thế mạnh và ngày càng được thị trường thế giới ưa chuộng như: nông, thủy sản, linh kiện điện thoại, hàng dệt may… Tuy nhiên, điều quan trọng là các doanh nghiệp xuất khẩu phải kịp chuyển mình và nắm bắt tốt các cơ hội từ thị trường.

Theo đánh giá từ các chuyên gia thương mại, bên cạnh những thành tích đã đạt được vẫn còn một số tồn tại cần nhanh chóng khắc phục để hướng tới phát triển bền vững và hiệu quả.

Cụ thể như tăng trưởng xuất khẩu dễ bị tác động bởi các yếu tố bên ngoài như gia tăng các rào cản thương mại, hàng rào kỹ thuật của các nước nhập khẩu. Hơn nữa, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu, tuy đã chuyển dịch mạnh sang hàng chế biến, chế tạo, nhưng vẫn còn phụ thuộc nhiều vào doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI). Đặc biệt, tỷ lệ nhập khẩu nguyên phụ liệu lớn khiến hàng hóa phụ thuộc vào thị trường cung cấp nước ngoài.

Bên cạnh đó, mặc dù chất lượng hàng hóa nông sản, thủy sản đã được chú trọng cải thiện nhưng chưa đồng đều. Các mặt hàng nông, thủy sản xuất khẩu còn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận những thị trường có yêu cầu cao về chất lượng và an toàn thực phẩm.

Ngoài ra, năng lực cạnh tranh của hàng xuất khẩu chậm cải thiện, phần lớn các mặt hàng xuất khẩu đều chưa xây dựng được thương hiệu riêng...

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng, việc giải quyết lo ngại không phải là tìm cách hạn chế hay giảm bớt hoạt động của các doanh nghiệp FDI mà phải tích cực hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong nước có thể phát triển nhanh chóng, hiệu quả, đạt tỷ lệ xuất khẩu cao hơn so với cơ cấu xuất khẩu chung của đất nước.

Theo ông Trần Thanh Hải, Bộ Công Thương sẽ tham mưu và tạo điều kiện để tạo ra sự kết nối lớn hơn giữa các doanh trong và ngoài nước, đặc biệt trong vấn đề chuyển giao công nghệ, qua đó giúp nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, gia tăng kim ngạch xuất khẩu.

Để xuất khẩu 2018 và những năm tiếp theo tăng trưởng bền vững, Bộ Công Thương đã đẩy mạnh và đổi mới công tác phát triển thị trường xuất khẩu, xúc tiến thương mại. Theo đó sẽ lựa chọn các mặt hàng có thế mạnh để xúc tiến xuất khẩu vào các thị trường theo từng giai đoạn cụ thể nhằm đa dạng hóa thị trường, mở rộng các thị trường xuất khẩu tiềm năng đồng thời củng cố và mở rộng thị phần hàng hóa Việt Nam tại thị trường truyền thống.

Đáng lưu ý, Bộ Công Thương còn chú trọng hơn đến việc tổ chức hoạt động cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) tại các Phòng Quản lý xuất nhập khẩu khu vực. Mặt khác, rà soát theo hướng đơn giản hóa quy trình, thủ tục cấp C/O cũng như đề xuất các biện pháp tăng cường chống gian lận xuất xứ hàng hóa và tăng cường công tác hậu kiểm tại tổ chức cấp và các doanh nghiệp đề nghị cấp C/O.

Ngoài những giải pháp cụ thể về phát triển kinh tế, thu hút đầu tư phát triển sản xuất trong nước của Chính phủ và các bộ, ngành, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã cho biết, Bộ Công Thương sẽ thực hiện có hiệu quả 3 định hướng chính là phát triển sản xuất, tạo nguồn hàng có chất lượng cho xuất khẩu; phát triển thị trường, mở cửa thị trường cho xuất khẩu và tổ chức tốt hoạt động xuất khẩu, kết nối chuỗi liên kết sản xuất-chế biến- xuất khẩu.

Bộ Công Thương xác định tập trung mạnh vào đổi mới, nâng cao hiệu quả của cơ chế phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương và hiệp hội doanh nghiệp để tạo sự kết nối.

Ngoài ra, Bộ trưởng cũng yêu cầu phải tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thông qua các chính sách về thuế, phí... để giúp các doanh nghiệp cắt giảm được chi phí, phát triển thị trường, cạnh tranh có hiệu quả với các sản phẩm nhập khẩu cũng như đẩy mạnh được xuất khẩu, qua đó tăng trưởng sản xuất.

Đặc biệt, thúc đẩy phát triển thị trường ngoài nước, Bộ trưởng đề nghị cần khai thác tốt các Hiệp định thương mại tự do và ứng phó một cách chủ động, có hiệu quả với các xu thế bảo hộ và hàng rào kỹ thuật ở các thị trường trên thế giới.

Theo TTXVN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Các nền kinh tế đang phát triển: Xuất khẩu dịch vụ kỹ thuật số lần đầu tiên vượt mốc 1.000 tỷ USD

Dữ liệu mới vừa được Tổ chức Thương mại và Phát triển Liên hợp quốc (UNCTAD) công bố cho thấy, xuất khẩu dịch vụ kỹ thuật số toàn cầu năm 2023 đã đạt tổng cộng 4.500 tỷ USD, trong đó, các nền kinh tế đang phát triển đã lần đầu tiên trong lịch sử vượt mốc 1.000 tỷ USD về xuất khẩu dịch vụ kỹ thuật số.

Các nền kinh tế đang phát triển Xuất khẩu dịch vụ kỹ thuật số lần đầu tiên vượt mốc 1 000 tỷ USD
Triển vọng tăng trưởng xuất khẩu

Không phải đối mặt với áp lực thiếu đơn hàng, nhiều DN xuất khẩu đang tăng tốc sản xuất tận dụng các cơ hội mới từ thị trường.

Triển vọng tăng trưởng xuất khẩu

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top