Hàng rào kỹ thuật ngày càng khắt khe của các nước nhập khẩu cũng như cạnh tranh với các đối thủ trong xuất khẩu là những cản trở lớn đối với mục tiêu tăng trưởng 7,4 tỉ USD của ngành thủy sản trong năm nay.
Ảnh minh họa: KT
5 tháng đầu năm nay, giá trị xuất khẩu thuỷ sản cả nước ước đạt 2,8 tỷ USD, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc tiếp tục là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam.
Các chuyên gia cho rằng, vấn đề mà các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản cần lưu ý trong năm 2017 là thuế chống bán phá giá cá tra, tôm của Mỹ; an toàn vệ sinh thực phẩm được kiểm tra chặt chẽ hơn của các nước trong Liên minh Châu Âu, Hàn Quốc, Australia. Bên cạnh đó những tác động hạn hán, mặn xâm nhập, sự cố môi trường biển ở miền Trung tiếp tục làm giảm nguồn cung nguyên liệu, hàng rào kỹ thuật của các nước nhập khẩu cũng như áp lực về giá bán, thuế nhập khẩu với các đối thủ cạnh tranh trên thị trường toàn cầu là những thách thức mà ngành phải vượt qua….
Ông Trần Văn Hùng, Chủ tịch hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Hùng Cá, ở tỉnh Đồng Tháp cho rằng: Thiếu vốn đang là khó khăn của doanh nghiệp. Cần có quy hoạch cụ thể về vùng nuôi cá giống để đảm bảo nguyên liệu phục vụ xuất khẩu. Thiếu quy hoạch dễ dẫn đến tình trạng thừa cung trên thị trường, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến giá bán của doanh nghiệp.
Theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn, đối với nông sản nói chung và thủy sản nói riêng trong xuất khẩu phải phân biệt rõ 2 nhóm thị trường. Trong đó, nhóm thị trường truyền thống thu nhập cao, nhưng khó tăng trưởng như: Liên minh Châu Âu, Nhật Bản, bởi trong thời gian tới xu hướng dân số già hóa nên nhu cầu tiêu dùng của các thị trường này không thể tăng mạnh. Ứng phó với xu hướng bảo hộ mậu dịch và vượt qua rào cản về hàng rào kỹ thuật các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản cần phát triển những sản phẩm mà Việt Nam có lợi thế trong khi ở các nước nhập khẩu không có.
Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn phân tích: Phải tận dụng được những Hiệp định thương mại tự do, như Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Châu Âu chúng ta thúc đẩy nhanh, hy vọng sẽ ký sớm và đi vào thực tiễn. Đối với những thị trường truyền thống vẫn bảo hộ. Ví dụ: như trong TPP Mỹ không tham gia nữa, rất khó để có những Hiệp định song phương đối với Mỹ để nhận được ưu đãi thì phải đánh vào những mặt hàng mà họ không có. Thủy sản chúng ta vẫn còn tiềm năng để đưa vào thị trường Mỹ.
Ngành nông nghiệp nói chung và thủy sản nói riêng luôn phải đối mặt với những thách thức về biến đổi khí hậu, an toàn vệ sinh thực phẩm và dịch bệnh trên đối tượng nuôi cũng như yếu tố thị trường. Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám, mức độ tác động của những thách thức này ngày càng khó đoán định. Vì vậy, phải bám sát thực tiễn trong chỉ đạo điều hành và dự báo các nguy cơ để ứng phó kịp thời.
Theo đó, phải biến những khó khăn thách thức thành lợi thế trong phát triển, tập trung vào phát huy thế mạnh về nuôi tôm nước lợ và cá tra cũng như chú trọng phát triển sản phẩm thủy sản là lợi thế của các địa phương. Lợi thế về tôm nước lợ đã xác định rõ, “dư địa” còn nhiều, trong số hơn 700 nghìn ha tôm hiện nay, mới có 95 nghìn ha nuôi công nghiệp, còn hơn 600 nghìn ha là quảng canh, quảng canh cải tiến, tôm sinh thái năng suất còn thấp. Ngành sẽ tập trung các giải pháp để tăng năng suất bình quân trên mỗi đơn vị diện tích thủy sản năng suất còn thấp.
Ông Vũ Văn Tám nhấn mạnh: Mỗi vùng đều có 1 sản phẩm có giá trị kinh tế cao, khối lượng không lớn nhưng đó chính là lợi thế trong tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Năm 2017, bên cạnh sản xuất và xuất khẩu những sản phẩm chính cá tra và tôm nước lợ sẽ tập trung phát triển những sản phẩm có nhiều lợi thế trong nước để phát triển đồng đều ở các vùng miền.
Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó xác định ngành hàng có lợi thế để ưu tiên đầu tư và cơ cấu định hướng lại thị trường, mục tiêu tăng trưởng 7,4 tỉ đô la của ngành thủy sản trong năm nay hoàn toàn có khả năng đạt được.
Theo VOV