|
Cán bộ hải quan kiểm tra, kiểm soát hải quan. Ảnh: CHQ |
Sôi động
Thông tin từ Cục Hải quan tỉnh, trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh có 154 doanh nghiệp thực hiện thủ tục hải quan, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó có 8 doanh nghiệp mới lần đầu thực hiện thủ tục. Theo đó, tổng số tờ khai xuất, nhập khẩu đạt 21.245 tờ khai, tăng 14,06% so với cùng kỳ năm 2023. Điều này chứng tỏ sự gia tăng đáng kể trong hoạt động xuất, nhập khẩu, phản ánh sự nỗ lực và sự linh hoạt của các doanh nghiệp địa phương trong việc thích nghi và tận dụng cơ hội từ thị trường quốc tế.
Việc áp dụng các hệ thống khai báo điện tử và các quy trình kiểm tra, giám sát hiện đại giúp thời gian thông quan hàng hóa được rút ngắn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xuất, nhập khẩu trên địa bàn tỉnh. Nhờ đó, thu ngân sách nhà nước trong hoạt động xuất, nhập khẩu đã có những bước tiến. Trong 6 tháng đầu năm, thu nộp ngân sách nhà nước lĩnh vực này là 518,74 tỷ đồng, đạt 83,67% dự toán giao (620 tỷ đồng), đạt 75,18% chỉ tiêu phấn đấu thu do HĐND, UBND tỉnh giao (690 tỷ đồng); tăng 54,65%, tương ứng tăng 183,3 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2023 (304,51 tỷ đồng).
Không chỉ có số lượng tờ khai tăng, kim ngạch xuất, nhập khẩu cũng tăng so với cùng kỳ năm 2023. Như nhận định của Cục Thống kê tỉnh, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh sản xuất hàng hóa xuất khẩu đã có nhiều đơn hàng và mở rộng thị trường xuất khẩu đi nhiều nước. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu ước đạt 914 triệu USD, tăng 8,7% so cùng kỳ, xuất siêu hàng hóa đạt 286 triệu USD, tăng 57,8% so cùng kỳ.
Trong khi kim ngạch nhập khẩu hàng hóa giảm chỉ đạt 314,0 triệu USD, tương đương giảm 4,8% so với cùng kỳ năm 2023 thì kim ngạch xuất khẩu hàng hóa lại tăng trưởng khá ấn tượng đạt 600 triệu USD, tăng 17,4% so với cùng kỳ. Các nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng mạnh phải kể đến nhóm hàng công nghiệp chế biến với kim ngạch xuất khẩu đạt 484 triệu USD, tăng 17% so với cùng kỳ và chiếm tỷ trọng 80,7%. Trong đó, xơ, sợi dệt các loại ước đạt 120 triệu USD, tăng 19,2%; hàng may mặc ước đạt 313 triệu USD, tăng 14,8%; gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 51,0 triệu USD, tăng 26,2% so với cùng kỳ năm 2023. Nhóm các hàng hóa khác như: hương và bột hương, bia, rượu sa kê, hàng thủ công mỹ nghệ, bao bì xi măng… kim ngạch xuất khẩu cũng đạt 83 triệu USD, tăng 37,9% và chiếm tỷ trọng 13,8%.
Sự đa dạng và mở rộng các thị trường xuất khẩu và nhập khẩu cũng đã góp phần tạo ra sự ổn định và bền vững cho hoạt động thương mại quốc tế của tỉnh. Thị trường xuất khẩu của doanh nghiệp trên địa bàn đã đến khoảng 50 quốc gia và vùng lãnh thổ như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, ASEAN, các nước châu Âu,…
Thúc đẩy hoạt động xuất, nhập khẩu
Trong bối cảnh, hoạt động xuất, nhập khẩu đối mặt với nhiều khó khăn do tác động từ tình hình thế giới; lạm phát cao làm sụt giảm đơn hàng xuất khẩu. Xung đột nổ ra ở nhiều nơi… gây gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, gia tăng chi phí sản xuất, vận chuyển. Các bộ, ngành, địa phương đã và đang tập trung triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu, trong đó chú trọng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và thúc đẩy, tận dụng các Hiệp định FTA, hỗ trợ doanh nghiệp các địa phương tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm phát triển các thị trường xuất khẩu.
Cùng với đó, việc tạo thuận tiện trong thực hiện các thủ tục hải quan cũng góp phần không nhỏ trong đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất, nhập khẩu.
Theo ông Đỗ Hoàng Dương, Phó Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, với phương châm "Hải quan đồng hành cùng doanh nghiệp", Cục Hải quan tỉnh Thừa Thiên Huế đã và đang thực hiện nhiều giải pháp thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động xuất, nhập khẩu, tạo thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh theo tinh thần của Nghị quyết số 02/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của Chính phủ.
Đơn vị đã tập trung giải quyết thủ tục hải quan cho doanh nghiệp nhanh, thuận lợi theo đúng quy định của pháp luật. Cụ thể, thời gian thông quan, giải phóng hàng hóa năm 2023 của Cục Hải quan tỉnh Thừa Thiên Huế xếp hạng 17/35 Cục Hải quan địa phương (tăng 10 bậc so với năm 2022); ứng dụng mạnh mẽ các hệ thống công nghệ thông tin như hệ thống thông quan điện tử VNACCS/VCIS, hệ thống dịch vụ công trực tuyến, cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN trong giải quyết thủ tục hải quan. Phối hợp hiệu quả với các ngân hàng thương mại triển khai hệ thống thu thuế điện tử qua ngân hàng và thông quan 24/7, giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và chi phí. Thường xuyên tuyên truyền, phổ biến pháp luật, cung cấp thông tin về các chính sách, quy định mới về hải quan qua nhiều hình thức để các doanh nghiệp nắm bắt kịp thời, thực hiện đúng quy định. Đồng thời, Cục cũng bố trí công chức trực ngoài giờ hành chính để giải quyết thủ tục hải quan cho doanh nghiệp; duy trì các tổ tư vấn cấp cục, cấp chi cục để tiếp nhận, hướng dẫn, giải đáp vướng mắc của doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hải quan; tiếp nhận các phản ánh về tinh thần thái độ của công chức hải quan trong thực thi công vụ.
Các chính sách và giải pháp đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp đã góp phần giúp giảm đáng kể thời gian và chi phí cho các doanh nghiệp trong quá trình làm thủ tục hải quan, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong hoạt động xuất, nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh, đầu tư trên địa bàn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.