|
Để thúc đẩy xuất, nhập khẩu cần nỗ lực lớn từ phía doanh nghiệp và sự hỗ trợ của chính quyền địa phương |
Thách thức hiện hữu
Đánh giá các chỉ tiêu được tỉnh đề ra từ đầu năm, chỉ tiêu xuất, nhập khẩu được hoàn thành trong bối cảnh hết sức khó khăn. Ngoại trừ hoạt động sản xuất của một số ngành sản xuất như bia, chế biến thủy, hải sản, gạch ốp lát,... duy trì được tốc độ tăng trưởng khá nhờ phát huy được thị trường tiêu thụ và năng lực mới tăng thêm; nhìn chung đa số các ngành sản xuất còn lại như dệt may, dăm gỗ, xi măng,... tiếp tục gặp khó khăn đầu ra sản phẩm, thị trường tiêu thụ giảm sút, một số doanh nghiệp thiếu đơn hàng sản xuất phải cắt giảm lao động hoặc sản xuất cầm chừng nên sản lượng tăng chậm hoặc bị giảm mạnh.
Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Dệt may Huế Nguyễn Tiến Hậu cho rằng, tình hình kinh tế, chính trị thế giới diễn biến phức tạp đã tác động và ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình hoạt động sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của các ngành công nghiệp. Ngoài ra, sức mua vẫn chưa hồi phục, sản xuất khó khăn do thiếu hụt đơn hàng gây nên trở lực lớn. Các chính sách kinh tế của một số quốc gia tiếp tục có tác động không nhỏ đến các quốc gia phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu như Việt Nam, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, xuất khẩu của một số mặt hàng. “Trong số các mặt hàng xuất khẩu bị ảnh hưởng, sản phẩm dệt may bị tác động nặng nề nhất. Nhiều thời điểm chúng tôi thiếu hụt đơn hàng, phải cắt giảm nhân công”, ông Hậu nhấn mạnh.
|
Nhiều doanh nghiệp dệt may thiếu đơn hàng trong năm 2023 |
Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh ước đạt 1.200 triệu USD, tăng 6,85% so với cùng kỳ; sản phẩm đã xuất khẩu đến 44 quốc gia, trong đó thị trường chủ yếu là Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, ASEAN, các nước châu Âu,... Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 650 triệu USD, giảm 15%.
Rõ ràng, so với kỳ vọng từ đầu năm, dù nỗ lực lớn, những con số trên còn khiêm tốn. Nói về khó khăn, đại diện Sở Công thương cho biết, các nền kinh tế lớn là đối tác xuất khẩu của Việt Nam như, Hoa Kỳ, EU giảm chi tiêu mua sắm các sản phẩm thông thường và xa xỉ khiến khối lượng đơn đặt hàng giảm. Ngoài ra, bên cạnh việc giảm lượng, so với cùng kỳ, giá xuất khẩu của nhiều mặt hàng sợi, dệt may, dăm gỗ, viên nén năng lượng... đều giảm đã tác động đến tốc độ tăng giá trị xuất khẩu hàng hóa. Cùng với đó, việc Trung Quốc mở cửa trở lại cũng tạo nhiều áp lực cạnh tranh đối với hàng xuất khẩu cùng chủng loại của Việt Nam. Trong khi đó, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn do đơn hàng nước ngoài giảm, thị trường trong nước sức mua không lớn, chi phí đầu vào vẫn ở mức cao,...
Hiện nay, với những quy định khắt khe ở những thị trường lớn khiến sản phẩm của các doanh nghiệp khó lòng đáp ứng. Lãnh đạo một doanh nghiệp kinh doanh thủy sản dẫn chứng, các thị trường EU, Mỹ đưa ra quy định yêu cầu sản phẩm xuất khẩu vào các thị trường này phải đảm bảo “đơn hàng sản xuất xanh” mới đáp ứng được điều kiện nhập khẩu. Tuy nhiên, hiện nay các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hầu như chưa đạt yêu cầu này. Quy định của thị trường Nhật Bản thì các lô hàng thủy sản và sản phẩm chế biến từ nguyên liệu thuộc 4 loại thủy sản là mực ống và mực nang, cá thu đao, cá thu và cá trích được khai thác nhập khẩu sau ngày 1/12/2022 sẽ phải kèm theo giấy chứng nhận khai thác hoặc xác nhận cam kết khi xuất khẩu vào Nhật Bản là vấn đề không dễ vượt qua.
Tập trung vào nhiều giải pháp
Năm 2024, các chính sách kinh tế của một số quốc gia tiếp tục có tác động không nhỏ đến Việt Nam, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, xuất khẩu của một số mặt hàng chủ lực của tỉnh như, dệt may, chế biến thủy, hải sản, dăm gỗ,…
Nhiều chuyên gia cho rằng, để thúc đẩy hoạt động xuất, nhập khẩu cần các chính sách vĩ mô của Nhà nước, sự phối hợp giữa các ngành và địa phương cũng như ý thức và sự nỗ lực từ phía doanh nghiệp. Ngoài ra, việc nâng cấp cơ sở hạ tầng là điều quan trọng, đặc biệt là vấn đề phát triển cảng biển gắn với các trung tâm sản xuất hàng hóa, kêu gọi đầu tư cảng ngoài khơi để đảm nhận vai trò cảng cửa ngõ, đáp ứng nhu cầu xuất, nhập khẩu trực tiếp cho vùng.
Theo ông Lê Văn Tuệ, Trưởng ban Quản lý các Khu Kinh tế, công nghiệp (KKT, CN) tỉnh, năm 2023, tại khu vực này, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 900 triệu USD; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 590 triệu USD. “Để hỗ trợ cho hoạt động xuất, nhập khẩu, chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư hạ tầng như: Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật KCN Gilimex; KCN Phú Bài giai đoạn IV, đợt 1; Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng KCN Phong Điền - Viglacera; KCN và khu phi thuế quan Sài Gòn - Chân Mây”, ông Tuệ nói.
Hiện nay, tỉnh đang tập trung huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng KKT, CN. Hỗ trợ các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ các dự án như, đầu tư xây dựng bến tổng hợp - container số 4 và số 5 cảng Vsico Chân Mây của Công ty CP Hàng hải Vsico; Khu liên hợp sản xuất, lắp ráp Kim Long Motors Huế; dự án Nhà máy Kanglongda Huế giai đoạn 2; các dự án may mặc của Công ty Scavi, Công ty CP Dệt may Thiên An Phú,... sớm đi vào hoạt động, góp phần tăng năng lực sản xuất và tạo bước đột phá cho ngành công nghiệp.
“Tỉnh sẽ tiếp tục kêu gọi các dự án đầu tư công nghiệp có vai trò động lực, đột phá và lan tỏa trên địa bàn các KKT, CN của tỉnh. Tiếp tục hỗ trợ cảng Chân Mây trong việc mở các tuyến hàng container đi đến cảng Chân Mây; hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư cảng đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng các bến còn lại. Tập trung chỉ đạo các công ty hạ tầng hoàn thành hạ tầng kỹ thuật, tạo quỹ đất sạch, có quy mô lớn để chủ động thu hút các nhà đầu tư thứ cấp”, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương cho biết.
Chiến lược xuất, nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh cũng đã đề ra các nhóm giải pháp. Trong đó, đáng chú ý là việc triển khai các hoạt động xúc tiến xuất khẩu theo định hướng chiến lược về nhóm thị trường trọng điểm, nhóm mặt hàng ưu tiên; hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy phát triển công nghiệp, trong đó chú trọng đẩy mạnh kinh doanh xuất, nhập khẩu tạo đà phát triển sản xuất, kinh doanh. Tập trung cơ cấu lại ngành công nghiệp, ưu tiên phát triển sản xuất công nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, có hàm lượng công nghệ cao. Thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp.
“Ngoài các giải pháp căn cơ, tỉnh cũng chú trọng công tác hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin, thương mại điện tử vào quản lý, điều hành doanh nghiệp, mở rộng tìm kiếm đối tác, thị trường. Tham gia các sàn thương mại điện tử quốc tế để quảng bá, kinh doanh sản phẩm. Hướng dẫn doanh nghiệp sử dụng giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong hoạt động xuất, nhập khẩu nhằm tận dụng ưu đãi thuế quan, giảm chi phí, giá thành sản phẩm, tăng năng lực cạnh tranh”, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương nhấn mạnh.