ClockChủ Nhật, 31/03/2024 07:26

Xúc tiến đầu tư: Bắt đầu từ sự gắn kết chính quyền - doanh nghiệp

TTH - Cùng với chiến lược xúc tiến đầu tư quy mô lớn, các hoạt động hỗ trợ nhà đầu tư đang triển khai dự án, tìm hiểu đầu tư trên địa bàn, gắn kết cộng đồng doanh nghiệp cũng góp phần không nhỏ tạo nên thương hiệu và “điểm đến” cho các nhà đầu tư.

Xúc tiến, kêu gọi đầu tư vào thành phố Huế“Lấy lòng” nhà đầu tư

 Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương (thứ 2, trái qua) kiểm tra dự án Trung tâm thương mại Aeon Mall. Ảnh: Ngọc Minh

Xúc tiến đầu tư tại chỗ

Sau những năm dịch bùng phát, cụm từ xúc tiến đầu tư tại chỗ được nhắc đến nhiều hơn. Nói như ông Nguyễn Đại Vui, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tại hội nghị gặp gỡ các doanh nghiệp FDI cuối năm 2023, “hãy để các doanh nghiệp nói về môi trường đầu tư sau khi họ được quan tâm và đã trải nghiệm thực tế. Đó là cách xúc tiến đầu tư rất hiệu quả”.

Và thực tế, chiến lược này đã mang lại hiệu ứng lan tỏa tích cực trong bối cảnh hoạt động xúc tiến đầu tư bị giới hạn bởi không gian địa lý do dịch COVID-19. Có lẽ vì vậy, trong những năm gần đây, các hoạt động xúc tiến đầu tư gián tiếp thông qua các doanh nghiệp đã đầu tư tại địa phương được đẩy mạnh hơn. Thừa Thiên Huế cũng ngày càng quyết liệt hơn trong chỉ đạo “chăm sóc” các nhà đầu tư đang đầu tư trên địa bàn, cũng như kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, các dự án trong quá trình đầu tư, tiếp cận đầu tư.

Điều này thể hiện rõ nhất từ sau năm 2022 khi Thừa Thiên Huế thành lập 4 tổ công tác liên ngành do đồng chí Chủ tịch và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp chỉ đạo, đồng hành cùng doanh nghiệp kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh cho các dự án.

Hiện, các thành viên của tổ công tác đều được phân công nhiệm vụ, gắn công việc với từng đơn vị thực hiện và hạn xử lý. Bộ phận thường trực của các tổ công tác cập nhật nội dung công việc hàng tuần để thúc đẩy tiến độ các dự án. Đồng thời, báo cáo UBND tỉnh các vướng mắc thường xuyên để chỉ đạo xử lý kịp thời.

Ông Phan Quốc Sơn, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư từng chia sẻ, các doanh nghiệp có dự án nghiên cứu, đầu tư trên địa bàn tỉnh không phân biệt dự án có quy mô lớn, nhỏ đều sẽ được ứng xử như nhau theo mục tiêu chung là sớm đưa vào hoạt động đối với các dự án đã cấp phép đầu tư; sớm hoàn thành thủ tục kêu gọi đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư để tiếp tục triển khai thủ tục khác nhằm đưa vào hoạt động để phục hồi kinh tế, tạo đà tăng trưởng cho các năm tiếp theo. Hạn chế tối đa tình trạng doanh nghiệp phải tự tìm hiểu để thực hiện các thủ tục hành chính liên quan dự án. Xử lý dứt điểm vướng mắc của các dự án đang gặp phải để đẩy nhanh tiến độ, với mục tiêu cao nhất là sớm đưa các dự án đi vào hoạt động để thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.

 

Cũng với tinh thần này, tỉnh đã xây dựng và vận hành phần mềm quản lý dự án, giúp doanh nghiệp có thể chủ động theo dõi tiến độ, là kênh kết nối nhà đầu tư với chính quyền. Thông qua phần mềm, nhà đầu tư có thể phản ánh những vướng mắc với chính quyền để cùng tháo gỡ, thúc đẩy tiến độ dự án.

Sự đồng hành này đã góp phần không nhỏ tạo nên những chuyển biến tích cực trong công tác xúc tiến kêu gọi đầu tư. Khi trong năm 2023, toàn tỉnh đã cấp mới 25 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư đạt 9.374 tỷ đồng (gồm 8 dự án FDI vốn đăng ký 134,8 triệu USD tương đương 3.219 tỷ đồng). Ngoài ra, UBND tỉnh đã cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 13 dự án và đang lựa chọn nhà đầu tư với tổng vốn đăng ký đầu tư gần 6.246 tỷ đồng. Trong đó có một số dự án lớn, như: Bệnh viện Quốc tế Huế tại Khu E - Đô thị mới An Vân Dương với tổng vốn đăng ký 817 tỷ đồng; Khu đô thị sinh thái tại xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy với tổng vốn đăng ký 4.316 tỷ đồng,...

Hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư

Theo chương trình xúc tiến đầu tư năm 2024, Thừa Thiên Huế tập trung thực hiện mục tiêu phấn đấu thu hút khoảng 10.000 - 15.000 tỷ đồng vốn đầu tư đăng ký cấp mới/tăng vốn đầu tư của các dự án không sử dụng vốn ngân sách nhà nước trên địa bàn ngoài khu kinh tế, công nghiệp. Riêng với địa bàn khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp phấn đấu thu hút vốn đầu tư đăng ký cấp mới/tăng vốn đầu tư của các dự án không sử dụng vốn ngân sách nhà nước đạt khoảng 6.000 - 8.000 tỷ đồng; vốn thực hiện của các dự án đạt khoảng 4.000 – 5.000 tỷ đồng.

Để thực hiện mục tiêu này, ngoài các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư, quảng bá xúc tiến đầu tư cũng như các giải pháp đảm bảo hạ tầng, dự án kêu gọi đầu tư,... Thừa Thiên Huế đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính nhằm khơi thông nguồn lực đầu tư. Tích cực hỗ trợ các nhà đầu tư sớm hoàn thiện các thủ tục về đất đai đối với các dự án đã hoàn thành công tác lựa chọn nhà đầu tư. Tiếp tục rà soát, đơn giản hóa quy trình, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính bảo đảm thuận lợi nhất cho tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân tham gia đầu tư, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để bảo đảm tính công khai, minh bạch, giảm thời gian giải quyết vướng mắc cho doanh nghiệp trong quá trình hoạt động. Xây dựng hệ thống dữ liệu thông tin tích hợp, cập nhật đầy đủ, kịp thời các quy hoạch, cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư, các văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh; bảo đảm cơ sở dữ liệu có đủ độ tin cậy và bao quát, minh bạch các số liệu. Số hóa mọi quy trình, thủ tục của các cơ quan hành chính, đẩy mạnh các dịch vụ công trực tuyến, số hóa 100% kết quả giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh. Đẩy nhanh tiến độ lập, phê duyệt và thực hiện có hiệu quả các quy hoạch, tạo nhiều quỹ đất sạch làm cơ sở để xúc tiến, thu hút đầu tư.

Ông Phan Quốc Sơn, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ, tỉnh đã và đang chuẩn bị quỹ đất sạch sẵn sàng kêu gọi đầu tư dự án, tập trung các dự án hạ tầng khu công nghiệp, logistics. Phát huy vai trò người đứng đầu địa phương trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và chịu trách nhiệm cá nhân trước Tỉnh ủy, UBND tỉnh nếu để xảy ra chậm trễ, kéo dài, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Đồng thời, tiếp tục duy trì các hoạt động tiếp xúc với nhà đầu tư ngay cả sau khi hoàn tất thủ tục và triển khai dự án đầu tư; tăng cường các hoạt động trao đổi thông tin hai chiều, đối thoại chính sách giữa cơ quan quản lý và nhà đầu tư để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, giải đáp thắc mắc với nhà đầu tư, thúc đẩy nhà đầu tư mở rộng, đăng ký vốn tăng thêm đối với dự án đang triển khai.

Hoàng Anh
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khi doanh nghiệp là ngôi nhà thứ hai

Ngoài nâng cao chế độ lương, thưởng, nhiều doanh nghiệp (DN) đã quan tâm hơn đến việc cải thiện môi trường làm việc và xây dựng các công trình phúc lợi giúp người lao động (NLĐ) yên tâm cống hiến, gắn bó lâu dài với DN.

Khi doanh nghiệp là ngôi nhà thứ hai
TÀI CHÍNH TOÀN DIỆN:
Để không có vùng trắng tín dụng

Tăng khả năng tiếp cận tín dụng nói riêng và các dịch vụ tài chính nói chung sẽ góp phần nâng cao năng lực của toàn xã hội, nhất là người yếu thế.

Để không có vùng trắng tín dụng
Doanh nghiệp kỳ vọng vào sự tăng trưởng

Hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trong những tháng đầu năm có những dấu hiệu khởi sắc. Nhiều doanh nghiệp có đơn hàng trở lại, lãi suất ngân hàng hạ nhiệt… là những yếu tố thuận lợi để doanh nghiệp chủ động thực hiện tốt kế hoạch hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Doanh nghiệp kỳ vọng vào sự tăng trưởng
Tín chỉ carbon cho doanh nghiệp

Hiện nay, doanh nghiệp (DN) muốn tham gia sâu vào thị trường quốc tế phải có tín chỉ carbon. Tín chỉ carbon được hiểu là chứng nhận để giao dịch thương mại và đổi quyền được phát thải khí nhà kính.

Tín chỉ carbon cho doanh nghiệp
Return to top