ClockThứ Năm, 12/06/2014 04:19

Lỗi không tại con tôm!

TTH - Tôm chân trắng hay còn gọi là con tôm thẻ, tôm bạc vốn không có xuất xứ tại nước ta. Nó chỉ mới được đưa vào thử nghiệm ở Việt Nam từ năm 2001 và đến năm 2006, được ngành thủy sản cho phép nuôi tại một số địa phương.

Mở đầu như thế để thấy rằng, không phải như con ốc bươu vàng hay một số loài vật nuôi khác, con tôm chân trắng có mặt ở nước ta không phải theo con đường chui lủi, lén lút mà đường đường chính chính hẳn hoi. Tất nhiên, ở đây cũng nên lưu ý, vì nhiều lý do chủ yếu liên quan đến vấn đề môi trường và dịch bệnh nên không gian phát triển của con tôm chân trắng cũng ngay từ đầu được khoanh vùng. Ví dụ như ở Thừa Thiên Huế, ngay từ đầu UBND tỉnh đã có chỉ thị số 16/2007/CT-UBND ngày 27/3/2007 về việc cấm thả nuôi tôm chân trắng trên vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, Lăng Cô.

Điều đáng nói là mặc dù đã cấm và hạn chế nhưng ở phạm vi cả nước nói chung và tỉnh ta nói riêng, con tôm chân trắng vẫn phát triển mạnh, cả về diện tích và sản lượng. Riêng ở Thừa Thiên Huế, tôm chân trắng đã và đang được nuôi nhiều ở “vùng cấm” là đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, Lăng Cô. Nói một cách nôm na và dễ hiểu là, cấm thì cứ cấm mà nuôi thì cứ nuôi, việc ai nấy lo. Vì sao có điều trái khuấy này, ở đây có một vài nghịch lý xin được phép nêu ra để cùng tham khảo. Chỉ thị số 16/2007 của UBND tỉnh đặt vấn đề cấm nuôi ở đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, Lăng Cô bởi lẽ: “Tôm chân trắng có những yếu điểm cơ bản như thường mắc các bệnh của tôm sú, nguy cơ tiềm ẩn hội chứng Taura gây nên dịch bệnh rất lớn và có thể nhiễm bệnh sang cho các đối tượng tôm khác, làm thiệt hại nghiêm trọng đến nguồn lợi thủy sản và môi trường”.

Trong khi đó, “đơn xin kêu cứu” gửi Báo Thừa Thiên Huế vào năm 2013, có chữ ký của 49 ngư dân ở xã Lộc Điền, Phú Lộc thì lại nêu lên thực tế đáng bàn: “tôm chân trắng dễ nuôi thành công, đem lại hiệu quả kinh tế, không ô nhiễm môi trường như con tôm sú. Trong khi con tôm sú ăn thức ăn tươi sống, bị nhiều dịch bệnh phải dùng nhiều hóa chất, thuốc thủy sản, thì con tôm thẻ ăn thức ăn công nghiệp, rất ít bị dịch bệnh nên ít dùng đến hóa chất, thuốc thủy sản, hơn nữa thời gian nuôi ngắn hơn con tôm sú”. Ngư dân Lộc Điền còn bày tỏ: “Chúng tôi thiết nghĩ, chỉ có nuôi tôm chân trắng mới giúp chúng tôi trang trải nợ nần và cải thiện cuộc sống”. Tình hình cũng không có gì thay đổi trong thời gian gần đây.

Có thể trong câu chuyện về con tôm chân trắng, ngư dân xã Lộc Điền chỉ là “người mù xem voi”. Họ chỉ mới cảm nhận được những lợi ích bộ phận, mang tính trước mắt, cá nhân và cục bộ. Thế nhưng đó là những lợi ích có thực và người dân bằng lòng. Trong khi đó, những cảnh báo từ phía ngành chức năng, nhất là liên quan đến vấn đề dịch bệnh chưa thực sự khiến cho người nuôi tôm chưa “tâm phục, khẩu phục” khi so sánh với những vật nuôi tương tự như con tôm sú chẳng hạn. Còn nữa, lệnh cấm và phạt đã được đưa ra xung quanh việc thả nuôi con tôm chân trắng không theo quy định. Vậy nhưng, xử phạt sao đây thì lại vô cùng lúng túng khi mà Nghị định 103 ra đời thay cho Nghị định 31 trước đây không có khung xử phạt về việc thả tôm chân trắng ở đầm phá. 

Câu chuyện về con tôm chân trắng không mới nhưng lại đặt ra vấn đề đáng suy nghĩ trong việc quản lý và phát triển các loại vật nuôi và cây trồng mới ở nước ta. Để có thể thúc đẩy sản xuất phát triển, mang lại hiệu quả kinh tế cao, việc đưa các loại vật nuôi mới vào phát triển ở nước ta phải được chuẩn bị kỹ càng gắn với những tính toán thiệt hơn về các mặt, chớ nên để xảy ra tình trạng “nước tới chân mới nhảy” sẽ dẫn đến những hệ lụy đáng buồn. Rõ ràng, ở đây con tôm chân trắng không có lỗi.

Đan Duy
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quẩn quanh chuyện ăn

Những thông tin cụ thể, chi tiết và chính xác mà công luận được tiếp nhận gần đây, và với mật độ ngày một dày hơn trên các kênh thông tin truyền thông, mạng xã hội lại một lần nữa đặt ra một câu hỏi nghi ngại. Nó không chỉ dừng lại ở chúng ta đang ăn gì, như thế nào mà là trong những thứ mà chúng ta đang ăn mỗi ngày, có bao nhiêu thực phẩm - cả lương thực nữa - là an toàn?      

Quẩn quanh chuyện ăn
Return to top