ClockThứ Bảy, 01/10/2016 06:25

Mong manh nghề lặn

TTH - Hàng chục hộ dân ở xã Lộc Vĩnh (Phú Lộc) lấy nghề lặn biển làm kế sinh nhai. Biển “nhà” gặp sự cố, họ phải đi lặn thuê xứ người...

Sau mỗi chuyến biển, dụng cụ lặn được ngư dân cất giữ cẩn thận để chuẩn bị cho những chuyến kế tiếp

Hàng chục ngôi nhà được xây kiên cố, gạch men sáng bóng nằm san sát nhau ở các làng chài nhỏ xứ biển Lộc Vĩnh (Phú Lộc) là nhờ những con người quanh năm “mò mẫm” dưới đáy biển. Nhưng hôm nay, cái nghề - mà không ít người xem như cái “nghiệp” ấy quả thực mong manh…

Lặn biển xứ người

Thôn Phú Hải (Lộc Vĩnh - Phú Lộc) được xem là “thủ phủ” của nghề lặn biển ở Huế. Ngoài đánh bắt gần bờ, lặn biển là nghề “hái” ra tiền, giúp nhiều hộ thoát nghèo. Ông Nguyễn Ngọc Chính, trưởng thôn Phú Hải thông tin: “Hầu như hộ dân nào cũng có người làm nghề lặn biển, trong một gia đình ít thì có một người nhiều có đến hai, ba người lặn biển. Nói về lặn chẳng nơi nào bằng thôn Phú Hải”.

Những ngày này, câu chuyện xung quanh sự cố môi trường biển được bàn tán không ngớt. Câu chuyện càng trở nên rôm rả khi những “kình ngư” trở về từ Đà Nẵng góp chuyện. Câu chuyện được nửa chừng, anh Trần Thanh Chung (38 tuổi, thôn Phú Hải) kể: “Từ nhỏ, tui đã theo cha đi lặn bắt cua, sò, ốc, tôm hùm… tại vùng biển từ cảng Chân Mây đến cảng Thuận An. Nghề lặn biển nuôi sống gia đình tui từ bao đời. Bây giờ, biển gặp sự cố, nghề đánh bắt ven bờ gặp khó khăn. Có sẵn nghề lặn, tui phiêu bạt vào Đà Nẵng để lặn thuê cho các chủ thuyền, ăn chia 3/7 (chủ thuyền 3, người lặn thuê 7). Lặn 2 tháng được 50 triệu đồng”.

Hành trình ra ngoại tỉnh lặn thuê của anh Chung được “dẫn mối” từ các tư thương buôn bán thủy, hải sản. Nguyên cớ là nhiều năm trước, bởi khan hiếm thợ lặn nên một số chủ thuyền ở Đà Nẵng liên hệ với thương buôn tìm nhân lực. Nhưng thời điểm đó, những “kình ngư” xứ Lộc Vĩnh không mấy ai mặn mà với việc mưu sinh ngoại tỉnh. “Trước khi xảy ra sự cố môi trường biển, hải sản ở biển Lộc Vĩnh vẫn còn dồi dào, đặc biệt là tôm hùm. Chỉ cần đánh thuyền ra độ sâu chừng 25m, mỗi ngày kiếm được cả mấy triệu bạc nên không để mắt đến việc lặn biển ngoại tỉnh. Chừ biển gặp sự cố, được các tư thương quen biết dẫn mối chủ thuyền, mỗi tháng tụi tui lặn ở Đà Nẵng nhiều lắm tầm 30 triệu đồng mà thôi. Ở đó chủ yếu lặn chíp chíp, hải sản không phong phú như ở biển Lộc Vĩnh”, anh Chung chia sẻ.

Cũng như anh Chung, ông Nguyễn Cu (thôn Bình An, xã Lộc Vĩnh) vừa trở về sau chuyến mưu sinh gần 3 tháng ròng. Nhưng ông Cu là một trong số ít ngư dân Lộc Vĩnh “cả gan” dong buồm vượt sóng thẳng từ cảng Chân Mây đến cảng Tiên Sa (Đà Nẵng) để làm nghề.

Hành trình mưu sinh xứ người của ông gặp không ít trắc trở. Đó là những lần bị người dân bản xứ ngăn cản hay chuyện ăn, ở nơi vùng đất “lạ”. “Tui cùng 5 bạn thuyền chuẩn bị dụng cụ cùng nhu yếu phẩm cần thiết đánh thuyền 4 tiếng đồng hồ thẳng đến vùng biển Đà Nẵng để khai thác. Những ngày đầu đánh bắt ở mặt nước mới, tụi tui nhận được ánh mắt dò xét của ngư dân bản địa. Vì là “tàu lạ” nên họ hỏi: từ đâu đến? Sau đó, tụi tui đến đồn Biên phòng và Công an sở tại để trình bày hoàn cảnh. Biết khó khăn của cánh thợ lặn Huế, chính quyền địa phương bảo hộ, cho phép mới dám khai thác”, ông Cu bày tỏ.

Xa vợ con, xa mặt nước thân thuộc, những người đàn ông vốn quen “ăn sóng nói gió” đành dựa vào nhau để sống, mưu sinh. Ở Đà thành đâu chỉ có cánh thợ lặn Lộc Vĩnh, những “kình ngư” khắp các tỉnh tề tựu về đây cũng chỉ vì hai chữ mưu sinh. Những lúc như thế, nghĩa tình quê hương là sợi dây giúp mọi người gắn bó. “Ở tỉnh mình có cả thợ lặn ở Thuận An, Lăng Cô vào làm nghề. Mỗi người có thể đánh bắt cho mỗi chủ nhưng khi gặp nhau lại chia sẻ khó khăn, kinh nghiệm. Tụi tui tập hợp nhau lại thành nhóm 5-7 người cùng thuê phòng trọ để ở. Ban ngày lặn, tối về cùng hàn huyên cho đỡ nhớ nhà…”, ông Cu tâm sự.

Mong manh…

Nói về nghiệp lặn biển ở Lộc Vĩnh, không ai không biết tiếng lão ngư Nguyễn Xuân Thảo. Hơn 40 năm gắn bó với nghề “mò đáy”, ông là một trong những người thuộc thế hệ đầu tiên ở Lộc Vĩnh am tường con nước. Lớp trẻ trước khi vào nghề đều đến cậy ông chỉ bày. Ông Thảo cắt nghĩa về nguyên tắc lặn biển thế này: “Thợ lặn đầu tiên phải có sức khỏe thật tốt. Khả năng nín hơi tự nhiên tầm từ 1-2 phút. Theo đúng tiêu chuẩn, một thuyền có 3 vòi lặn phải cần 7 người, trong đó, 3 thợ lặn, 1 người trực máy và 3 người cầm vòi. Người cầm vòi cần phải tập trung, phòng trường hợp xảy ra sự cố. Với thợ lặn, khi gặp sự cố như, tắt máy, nổ bình oxy cần kịp thời bung đai chì, nổi lên mặt nước. Độ an toàn tính bằng giây, nếu chậm trễ sẽ mất mạng ngay lập tức…”. Nói đoạn ông Thảo trầm ngâm: “Năm 2014, anh N. lặn bắt ốc ở vùng biển thuộc xã Vinh Hải (huyện Phú Lộc), do ống thở bị vỡ nhưng không bung đai chì kịp nên mất mạng…”.

Sau sự cố môi trường biển, hầu hết lao động lặn biển ở địa phương tập trung vào Đà Nẵng để mưu sinh. Trung bình mỗi ngày có thể kiếm được trên dưới 1 triệu đồng. Có những trường hợp vào Đà Nẵng mua thuyền ở trong đó để làm nghề. Thời gian gần đây, chúng tôi ghi nhận 1 trường hợp ở thôn Cảnh Dương bị tử nạn trong quá trình làm nghề

Ông Lê Công Minh, Chủ tịch UBND xã Lộc Vĩnh (Phú Lộc)

Ông Thảo cho rằng, với cánh thợ lặn mưu sinh xứ người, việc lạ con nước chính là trở ngại lớn nhất. Nhận định của ông Thảo quả thực không sai khi bây giờ hầu hết “kình ngư” Lộc Vĩnh trở về từ Đà Nẵng đều “hú vía” với những chuyến mưu sinh đã qua. Anh Nguyễn Thành Thoại (thôn Phú Hải) vẫn chưa quên chuyện anh bạn đồng hương bỏ mạng nơi xứ người. “Trong đó, thời tiết thuận lợi nên lặn hầu như quanh năm. Nhưng nguồn nước ở đó khác chỗ mình. Thợ lặn như tui nếu lặn biển ở Huế thì cả đêm không hề hấn chi, nhưng lặn ở Đà Nẵng chỉ tầm 2 tiếng là đầu óc choáng váng. Đầu tháng 9, anh K. (xã Lộc Vĩnh) lặn cùng 4 người khác ở Đà Nẵng, vì máy bị đứt dây cua - roa, vỡ bình oxy nên mất mạng, trong khi đó 3 thợ lặn khác cũng bị sự cố tương tự nhưng không chết. Tụi tui không rõ lý do nhưng đoán là do lạ nguồn nước”, anh Thoại nói.

Theo nhiều thợ lặn Lộc Vĩnh, mưu sinh ở Đà thành không dễ như họ nghĩ. Nếu như lặn biển ở Huế có độ sâu đến vài chục mét thì ở Đà Nẵng, độ sâu chỉ áng chừng 5-6 mét. Tuy nhiên, những trầm tích ở mặt đáy thì không phải ai cũng chịu được. Anh Thoại cho biết: “Tụi tui thường khai thác tại vùng nước ở cảng Tiên Sa và dưới chân cầu sông Hàn. Vùng khai thác hải sản ở Đà Nẵng cũng không sâu. Nhưng nguồn nước quá đục, lớp bùn dưới đáy lên đến 10cm, khi xuống nước, thợ lặn không cẩn thận sẽ choáng váng, có khi bị tê liệt”.

Không chỉ lạ nguồn nước, cánh thợ lặn Lộc Vĩnh hàng ngày phải đối mặt với những cái chết khiến ai cũng có tâm lý như “đánh đu với tử thần. “Đã theo nghiệp lặn thì việc bị thương, trầy xước là bình thường. Nhưng nếu như ở Huế, lâu lâu mới nghe có người tử nạn thì ở Đà Nẵng “tử xem như thần” rình rập từng ngày. Nhưng nghề lặn tổ tiên để lại, hơn nữa không làm thì lấy chi mà sống. Phải đành chấp nhận sinh nghề tử nghiệp”, anh Chung thở dài.

Lê Thọ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cư dân làng Phú Hải ngóng ngày an cư

Đã lâu lắm rồi, bên cạnh chuyện dãi dầu mưa nắng mưu sinh, hai chữ “an cư” luôn thường trực trong tâm thức cư dân ở làng Phú Hải, xã Lộc Vĩnh (Phú Lộc) nằm bên cảng biển Chân Mây...

Cư dân làng Phú Hải ngóng ngày an cư
Rộn rã Ngày hội biên phòng toàn dân

Chiều 28/2, UBND xã Lộc Vĩnh ( Phú Lộc) phối hợp Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng (BPCK) Chân Mây tổ chức điểm tại tuyến biên giới biển "Ngày hội Biên phòng toàn dân" năm 2024. Đây là hoạt động kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng (3/3/1959-3/3/2024); 35 năm Ngày Biên phòng toàn dân (3/3/1989-3/3/2024).

Rộn rã Ngày hội biên phòng toàn dân
Return to top