ClockThứ Năm, 29/01/2015 06:02

Morin & sự khởi đầu

TTH - Lần đầu tiên tôi biết đến Morin là với tư cách một cơ sở của trường tôi, bấy giờ vào những năm 80 của thế kỷ trước là Trường đại học Tổng hợp Huế và nay là Trường đại học Khoa học. Sinh viên các ngành khoa học tự nhiên ở ký túc xá 27 Nguyễn Huệ phải đi bộ cả cây số để tới giảng đường tại cơ sở cạnh cầu Trường Tiền thơ mộng này. Đó là một khu nhà cũ kỹ, nhưng có sức hút đặc biệt bởi kiểu kiến trúc Tây tinh tế và những câu chuyện liên quan gắn liền với một thời chống Mỹ của sinh viên Huế cùng những trận đánh diễn ra ngay cả trong các phòng học, bấy giờ vẫn còn lưu lại nhiều vết đạn lổ nhổ.

Mãi sau này tôi mới biết, thì ra trước khi là cơ sở của Đại học Huế vào năm 1957, Morin là khách sạn đầu tiên và nổi tiếng của kinh sư. Mùa xuân 2015 này là vừa tròn 114 năm ra đời Khách sạn Morin. Đó là “tuổi đời cùng lứa” với Nhà thương Huế, cầu Trường Tiền, chợ Đông Ba hay Trường Quốc Học, những tên tuổi để đời và là niềm tự hào của Huế. Thật ra, anh em nhà Morin chỉ là những kẻ sang nhượng lại. Chủ nhân đầu tiên của Khách sạn Morin là Henri Bogaert mà người Huế mình vẫn gọi chệch cho dễ nhớ là Bồ Ghè. Ông là một sĩ quan quân đội Pháp viễn chinh sang Đông Dương và ở lại làm kinh tế sau khi giải ngũ. Từ năm 1885, hãng xây dựng của ông đã độc quyền kinh doanh xây dựng triển khai nhiều công trình, trong đó có Khách sạn Bogaert ở Huế vào khoảng năm 1901. Còn nữa, trước đó nó có tiền thân là Khách sạn Coutel mà thực chất là quán cà phê của cha Coutel. Cơn bão lịch sử Mậu Thìn 1904 đã gây thiệt hại nặng nề cho Cố đô Huế và khách sạn. Một nhà buôn Pháp là Alphonese Guerin mua lại, cho sửa chữa và đưa vào hoạt động trở lại từ năm 1905 với một cái tên mới “Le Grand Hotel de Hue”. Hai năm sau, tức vào năm 1907, đến lượt anh em nhà Morin làm chủ, quản lý mọi hoạt động của khách sạn và đổi tên thành Khách sạn Morin.

Cũng như Bogaert, anh em Morin cũng là những người Pháp, hết hạn quân ngũ đã quyết định chọn xứ Đông Dương để lập nghiệp. Vượt qua bao gian khó, cuối cùng họ cũng tạo dựng được nghiệp lớn, khi vào năm 1905, cả 4 anh em nhà Morin cùng cho ra đời Tập đoàn Anh em nhà Morin. Và rồi, không lâu sau đó, họ đã thành công trong việc chuyển nhượng, làm chủ, quản lý mọi hoạt động của “Le Grand Hotel de Hue” và đổi tên thành Khách sạn Morin.

Bên cạnh khách sạn ở Huế, tập đoàn Morin còn có cả một chuỗi dịch vụ du lịch ở Đà Nẵng, Quy Nhơn, Bạch Mã…Tồn tại cho đến năm 1951, khi được chuyển nhượng, Khách sạn Morin đã có 44 năm xây dựng và phát triển. Morin Huế một thời nổi tiếng không chỉ ở tầm vóc mà còn ở các dịch vụ phong phú và đa dạng, với câu nói bất hủ, đại ý rằng người ta có thể sinh ra trong một cái nôi được bán ở Morin và khi chết, cũng ở trong chiếc quan có bán ở Morin. Cũng chính vì cái thương hiệu quá lớn của Morin và ngay sau khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, năm 1989, Khách sạn Morin cổ xưa đã nhanh chóng được tái sinh gắn liền với một ông chủ từ phương Nam để rồi trở thành một địa chỉ du lịch hàng đầu của Huế, Khách sạn Sài Gòn - Morin.

Có thể nhiều người chưa biết, Huế hiện là nơi an nghỉ của vợ chồng ông chủ Khách sạn Morin một thời là W.Ladimir Morin và Jean de Rober. Các ngôi mộ nằm cách khách sạn không xa, tại khu nghĩa địa của làng Phước Quả ở đồi Phủ Cam xưa mà nay thường được gọi là Ngã ba Thánh Giá. Không phải là những người Pháp đầu tiên có mặt trên đất Cố đô, nhưng sự xuất hiện của anh em nhà Morin tại Huế lại mang đến một sắc thái mới cho vùng đất này. Họ là những người phương Tây đầu tiên phát hiện ra Huế với tư cách là một vùng đất du lịch và hơn thế đã có một công trình để đời cho xứ Thần kinh. Đó là một bổ sung tuyệt vời cho các giá trị văn hóa Huế mà người đời vẫn gọi là Huế Tây bên cạnh một Huế cổ kính với những di sản đền đài và cung điện xưa.

Đình Duy
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quẩn quanh chuyện ăn

Những thông tin cụ thể, chi tiết và chính xác mà công luận được tiếp nhận gần đây, và với mật độ ngày một dày hơn trên các kênh thông tin truyền thông, mạng xã hội lại một lần nữa đặt ra một câu hỏi nghi ngại. Nó không chỉ dừng lại ở chúng ta đang ăn gì, như thế nào mà là trong những thứ mà chúng ta đang ăn mỗi ngày, có bao nhiêu thực phẩm - cả lương thực nữa - là an toàn?      

Quẩn quanh chuyện ăn
Return to top