ClockThứ Năm, 21/06/2012 05:55

Mua nợ xấu = “đổ vỏ”?!

TTH - Dư luận chưa hết bức xúc về chuyện làm ăn thua lỗ và nợ nần chồng chất của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước cùng với đống nợ xấu 415.000 tỷ đồng tại các ngân hàng thương mại (NHTM); mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) lại có chủ trương xây dựng đề án lập công ty mua bán nợ xấu với kinh phí khoảng 100.000 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước. Đây quả là một “giải pháp tối ưu” hay nói đúng hơn là “phao cứu sinh” cho các DN và NHTM đang rối vì nợ; còn thua thiệt lại thuộc về phía… nhân dân.

Phát biểu tại Quốc hội, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình lý giải việc lập công ty mua bán nợ xấu với quy mô 100.000 tỷ đồng được NHNN đưa ra tại cuộc họp nội bộ với các ngân hàng lớn cách đây hơn một tuần nhằm khơi thông dòng vốn. Theo quy định, một khi có nợ xấu, ngân hàng phải trích quỹ dự phòng rủi ro và xử lý số nợ đó. Vì vậy, nhiều ngân hàng hiện dư dả thanh khoản nhưng không thể cho vay vì nợ xấu cao. Thống kê của NHNN cho thấy, tỷ lệ nợ xấu trong toàn hệ thống đang tăng rất nhanh, từ hơn 3% vào cuối năm ngoái lên 6% vào đầu năm nay và hiện lên đến 10%. Do phải gánh cả chi phí xử lý nợ xấu nên các ngân hàng chưa thể hạ lãi suất cho vay. Vậy là cái “kim trong túi” đã… lòi ra. Lãi suất được đẩy cao kỷ lục trong thời gian qua khiến nhiều DN lao đao cũng có nguồn gốc từ đây!

Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho rằng, mua bán nợ là hoạt động bình thường và được pháp luật quy định. Tuy nhiên, một số chuyên gia lo ngại, nếu làm không đến nơi đến chốn, việc xử lý nợ xấu sẽ phát sinh nhiều tiêu cực, chỉ giúp ngân hàng thanh lý nợ xấu chứ không cứu được doanh nghiệp. Một số ý kiến cho rằng, Chính phủ nên đứng ra mua bán nợ xấu. Nhưng theo chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, Chính phủ không có bổn phận phải mua nợ ngân hàng. Ông nói, chưa chắc số nợ xấu ngân hàng đã là 100.000 tỷ đồng vì chỉ riêng nợ của DNNN đã 415.000 tỷ đồng, trong đó có 218.000 tỷ là của 12 tập đoàn, tổng công ty. Chưa ai nói số tiền 100.000 tỷ đồng sẽ lấy ở đâu, tổ chức công ty như thế nào, ai quản trị. Nhà nước có thể tạo điều kiện bằng cách cung cấp một số vốn, nhưng không phải Nhà nước đứng ra mua để gánh nợ xấu cho ngân hàng.
 
Cũng theo ông Bùi Kiến Thành, không nên giao việc này cho các tổ chức hành chính, vì đã là hành chính thì như chúng ta thấy, có hiện tượng “phong bao, phong bì”. Rất có khả năng, công ty mua bán nợ sẽ dùng tiền mua sản phẩm dưới chuẩn, không chất lượng tạo ra những vấn đề khác không giải quyết được. Càng không thể biến công ty này thành nơi để ngân hàng làm sạch những khoản đầu tư không chính đáng ở “sân sau” của họ. Do đó, nếu thành lập, cần tạo cho nó một hoạt động an toàn và hiệu quả. Không nên thành lập công ty theo kiểu nhà nước với cơ chế xin - cho. Ngoài ra, cần phải lường trước được nguy cơ, khi thấy có công ty mua bán nợ, nhóm lợi ích ngân hàng sẽ “quét nhà”, đùn hết nợ sang để lấy tiền. Bán được nợ xấu, nợ thối thì ngân hàng “phủi tay”, còn nó xấu, nợ thối bao nhiêu, thì Nhà nước phải chịu. Các NHTM và NHNN cùng hào hứng vì đẩy được “nợ thối” qua các công ty mua bán nợ này. Và nếu Nhà nước không có giải pháp hữu hiệu thì công ty mua bán nợ được thành lập từ nguồn ngân sách quốc gia sẽ là một “sọt rác” để nhiều DNNN và NHTM làm ăn lèm nhèm có nơi để… “đổ vỏ”. Cũng cần thấy rằng, ngân sách Nhà nước chính là tiền của nhân dân và không thể để nhân dân chịu thua thiệt khi tiếp tục gánh nợ cho những “đại gia ném tiền qua cửa sổ”. Xem ra “lợi ích nhóm” ngày càng lộ rõ tính nguy hiểm của nó và ngân sách Nhà nước vẫn còn là… “chùm khế ngọt”!
 
Hoàng Thành
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quẩn quanh chuyện ăn

Những thông tin cụ thể, chi tiết và chính xác mà công luận được tiếp nhận gần đây, và với mật độ ngày một dày hơn trên các kênh thông tin truyền thông, mạng xã hội lại một lần nữa đặt ra một câu hỏi nghi ngại. Nó không chỉ dừng lại ở chúng ta đang ăn gì, như thế nào mà là trong những thứ mà chúng ta đang ăn mỗi ngày, có bao nhiêu thực phẩm - cả lương thực nữa - là an toàn?      

Quẩn quanh chuyện ăn
Return to top