ClockThứ Năm, 26/06/2014 04:57

Nguy hiểm và thiệt thòi

TTH - “Quần quật với công việc cả ngày lẫn đêm, không bao giờ được vui chơi, nhưng đáng lo hơn là môi trường nơi các em làm việc hết sức ngột ngạt, không an toàn...”- ông Nguyễn Xuân Nam, cán bộ làm công tác lao động - thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH) thị trấn Thuận An (huyện Phú Vang) kể với chúng tôi như thế khi ông vừa đưa 4 em nhỏ lao động nặng nhọc từ TP Hồ Chí Minh ra Huế.

“Khổ lắm”

Chưa học xong lớp 5, cậu bé Nguyễn Chí N (12 tuổi) ở thôn An Hải, thị trấn Phú Vang bỏ học ở nhà. Đầu năm 2014, nghe bạn bè rủ rê, N vào TP Hồ Chí Minh. Qua giới thiệu, em xin vào làm thợ cắt chỉ tại một cơ sở may mặc tư nhân. Công việc tưởng chừng như đơn giản nhưng đòi hỏi sự cẩn trọng và luôn tay khiến cậu bé vốn tuổi ăn, tuổi chơi luôn mệt mỏi. Mỗi ngày N làm việc 3 ca, tổng cộng 12 tiếng rưỡi đồng hồ. Thời gian biểu hàng ngày cứ lặp đi, lặp lại như vậy, kể cả thứ bảy, chủ nhật hay ngày lễ. Nhiều lúc thích xem phim hoạt hình, nhưng ngay cả điều đó em cũng không có được. Đáng nói là những bữa ăn hàng ngày của N rất qua quýt. Khi chúng tôi hỏi đến chuyện này, N cúi mặt xuống, thút thít khóc, kể: “Sáng ăn mì tôm, trưa được ăn cơm, nhưng tối đến lại phải ăn mì tôm”.
Sau thời gian ngắn xa nhà lao động vất vả, N (trái) đã trở về với mẹ
Sau đó, N được giới thiệu sang làm ở một cơ sở may mặc mới. Chủ cơ sở là người Huế nên ít nhiều quan tâm hơn, nhất là cho em được nghỉ ngơi vào ngày chủ nhật. Tuy nhiên, N cũng phải làm việc 12 tiếng đồng hồ mỗi ngày và ăn uống không đảm bảo. Sau thời gian ngắn làm việc ở đất khách quê người, N được Tổ chức Trẻ em Rồng Xanh (Australia) đưa về địa phương. Chúng tôi hỏi ý định có vào Nam làm ăn nữa hay không, cậu bé trả lời rất dứt khoát: “Không, vào đó khổ lắm”.
Đầu năm 2013, qua kiểm tra tại một nhà trọ, công an TP Hồ Chí Minh đã phát hiện 4 em nhỏ quê Thừa Thiên Huế, trong đó 2 em có dấu vết bị bỏng và lở loét trên đầu 10 ngón tay.
Đối tượng Hồ Đình Châu và vợ là Trần Thị Hồng quê tại Phú Diên, Phú Vang, Thừa Thiên Huế khai nhận: Bốn em này được người quen cùng quê gửi vào cho vợ chồng Châu nuôi dưỡng và phụ công việc bán hoa dạo. Dấu vết bị bỏng trên tay của 2 em là do Châu lấy điếu thuốc đang hút chích vào khi các em bán không hết hoa. Ngoài ra, Châu còn bắt các em quỳ lên vỏ sầu riêng cho đến khi đầu gối chảy máu hoặc dùng chày đâm tiêu đánh vào vùng thái dương các em.
Cô bé Hoàng Thị H. N, 15 tuổi, ở thôn An Hải đang học lớp 7 cũng nghỉ học vào TP Hồ Chí Minh để làm ăn. Hai năm vùi đầu làm thuê cho một cơ sở may mặc, H.N chỉ dành dụm và gửi về cho gia đình được 8 triệu đồng trong khi em phải làm việc trong suốt 13 tiếng rưỡi đồng hồ mỗi ngày. “Nghe con điện thoại kể khổ, tui ăn ngủ không yên nên đã nhờ Tổ chức Trẻ em Rồng Xanh cùng chính quyền thị trấn hỗ trợ đưa con về quê”- bà Nguyễn Thị L, mẹ của H.N kể.
Thiệt thòi, nguy hiểm
Theo ông Nguyễn Xuân Nam: “Có dịp thâm nhập vào nơi các em làm việc mới thấy được nỗi khổ của trẻ em ở Huế vào TP Hồ Chí Minh kiếm sống”. Các em chủ yếu làm trong các cơ sở may mặc cả ngày lẫn đêm và dường như chưa bao giờ được ra khỏi cổng. Một số em nhiều ngày chỉ ăn mì tôm trừ bữa. Thu nhập khoảng trên 10 triệu đồng mỗi năm tùy lứa tuổi và thời gian làm việc. Ngoài ra, các em không hề có bất kỳ một chế độ hỗ trợ nào.
Đáng lo ngại là hầu hết các cơ sở may mặc đều tận dụng nhà ở làm nơi sản xuất, chỉ có một cửa vào ra, bởi vậy môi trường làm việc rất ngột ngạt. Nếu có hỏa hoạn không biết điều gì sẽ xảy ra? Những người thợ cùng ăn, ngủ tại nơi làm việc nên cũng không ai dám chắc không có trẻ em gái nào bị quấy rối, xâm hại?
Ông Nam tâm sự: “Có những gia đình chỉ biết con vào TP Hồ Chí Minh làm ăn chứ chẳng biết con ở địa chỉ nào. Chúng tôi tìm được nơi các em làm việc đã khó, lại càng khó hơn khi tiếp cận bởi chủ cơ sở luôn cố tình không hợp tác, thậm chí che giấu bằng việc bắt các em vào trốn trong nhà vệ sinh”.
Cần tạo điều kiện cho trẻ đến trường
Từ năm 2005, Tổ chức Trẻ em Rồng Xanh quan tâm đến những trẻ em Huế vào TP Hồ Chí Minh làm việc vất vả và đã giúp đỡ 165 trẻ trở về đoàn tụ với gia đình.
Riêng ngành LĐ-TB&XH tỉnh, từ năm 2011 đến nay đã phối hợp với chính quyền, các ban ngành, đoàn thể đưa 67 em về với gia đình và tiếp tục được đến trường, đi học nghề. 
Các báo cáo chính thức cho thấy, toàn tỉnh có 809 trẻ em dưới 16 tuổi đang phải lao động sớm, sống xa gia đình. Trong đó, 479 em đang lao động tại TP Hồ Chí Minh. Số còn lại lao động tại Hà Nội, Bình Dương, Đà Nẵng và các tỉnh, thành khác. Số liệu này chưa đầy đủ bởi con số thực tế lớn hơn nhiều. Hai huyện có tỷ lệ trẻ bỏ học, di cư tự do và tham gia lao động sớm cao nhất là Phú Lộc và Phú Vang.
Thời điểm các em thường bỏ học, đi làm ăn xa là sau Tết Nguyên đán và dịp hè. Nhất là sau Tết, nhiều chủ doanh nghiệp người Huế về quê tìm lao động. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, kết quả học tập kém hoặc đua đòi theo bạn bè là nguyên nhân khiến nhiều trẻ em xa gia đình để kiếm sống.
Bà Trần Thị Bê, thôn An Hải, thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang:
“Không để con xa nhà kiếm sống”
Vợ chồng tôi sinh 7 người con. Cuộc sống hết sức khó khăn nên đã để con trai 12 tuổi vào TP Hồ Chí Minh. Nghe người quen kể, cháu làm việc cực khổ lại thường bị chủ chửi mắng nên tôi rất đau lòng. Tôi đã viết giấy xin giúp đỡ và được chính quyền thị trấn Thuận An phối hợp với Tổ chức Trẻ em Rồng Xanh đưa con trai về quê. Nay tôi cố gắng chăm sóc, tạo điều kiện để con đi học lại, quyết không bao giờ để con còn nhỏ phải xa nhà kiếm sống.
Ông Hồ Nam, Phó trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Phú Vang:
“Gia đình cần tạo điều kiện cho con theo học”
Để hạn chế trẻ lao động sớm, xa nhà, Sở LĐ-TB&XH đã hỗ trợ huyện Phú Vang thành lập CLB Ngăn ngừa trẻ em lao động nặng nhọc ở thị trấn Thuận An và xây dựng mô hình bảo vệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn dựa vào cộng đồng tại xã Phú Diên. Qua tuyên truyền, nhiều gia đình hiểu được những vất vả, hiểm nguy đối với trẻ đi làm ăn xa.
Tuy vậy, tình trạng trẻ bỏ học nửa chừng để đi làm ăn xa trên địa bàn huyện còn nhiều. Các ban ngành chức năng cần chỉ đạo các xã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động gia đình tạo điều kiện cho con theo học. Khi nào con đủ tuổi thì mới cho đi học nghề.
Bà Võ Thị Kim Khánh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo trợ xã hội - Chăm sóc trẻ em (thuộc Sở LĐ- TB và XH):
“Phối hợp tuyên truyền về Quyền Trẻ em”
Hàng năm, Sở LĐ-TB&XH tỉnh đều vào làm việc với Sở LĐ-TB&XH TP Hồ Chí Minh đề nghị phối hợp tuyên truyền về quyền trẻ em, thanh tra chặt chẽ các cơ sở sản xuất nhằm hạn chế tình trạng bạo lực, bóc lột lao động trẻ em. Ngành cũng phối hợp với Sở Giáo dục & Đào tạo Thừa Thiên Huế trong việc vận động các gia đình tạo điều kiện cho con em được đến trường, không nên bỏ học nửa chừng.
Nguyện vọng của nhiều em là về quê có được việc làm ổn định để nuôi sống bản thân và gia đình, song, vấn đề này đang gặp khó khăn.
Thụy Anh (ghi)
 
 
Ngày 6/3/2014, UBND tỉnh ban hành Quyết định 474/QĐ-UBND về việc phê duyệt tiếp nhận dự án “Ngăn chặn tình trạng trẻ em di cư tự do đi làm ăn xa và bị lạm dụng sức lao động tại tỉnh Thừa Thiên Huế” do Tổ chức Trẻ em Rồng Xanh (BDCF) tài trợ.
Dự án được thực hiện tại 14 xã, thị trấn của 2 huyện Phú Vang, Phú Lộc. Hoạt động chủ yếu của dự án gồm: Xác định trẻ em di cư tự do và bị bóc lột sức lao động, giúp trẻ em trở về với gia đình; trợ cấp sinh hoạt phí cho 87 trẻ em hồi gia (giai đoạn trước); hỗ trợ học phí và chi phí học tập cho 200 trẻ, xây dựng và sửa chữa nhà cho gia đình 7 em có hoàn cảnh khó khăn... Dự án được triển khai từ ngày 1/1/2014 đến ngày 31-10-2015 với tổng nguồn vốn 2.393 triệu đồng. Cơ quan tiếp nhận và thực hiện dự án là Hội LHPN tỉnh.
 
Bích Thùy
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hỗ trợ hơn 1,5 tỷ đồng bò giống sinh sản ở Hương Thủy

Ngày 26/4, UBND TX. Hương Thủy tổ chức bàn giao bò sinh sản cho các hộ nghèo trên địa bàn. Đây là hoạt động nằm trong dự án “Hỗ trợ phát triển đàn bò lai sinh sản” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn thị xã giai đoạn 2021-2025.

Hỗ trợ hơn 1,5 tỷ đồng bò giống sinh sản ở Hương Thủy
Điều phối toàn diện chính sách an sinh xã hội

Công tác an sinh xã hội trên địa bàn thời gian qua đã có nhiều khởi sắc. Từ những chính sách, các chương trình, dự án, hoạt động trợ giúp, nhiều hoàn cảnh được tiếp cận các nguồn hỗ trợ, các dịch vụ xã hội để cải thiện chất lượng cuộc sống, được nâng cao kỹ năng để giải quyết khó khăn về vật chất và tinh thần.

Điều phối toàn diện chính sách an sinh xã hội
Khởi công xây dựng nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo

Sáng 23/4, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh phối hợp với Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội - Chi nhánh Huế và huyện Phong Điền khởi công xây dựng “Nhà đại đoàn kết” cho các hộ khó khăn ở Phong Điền.

Khởi công xây dựng nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo
Hỗ trợ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại bản Hạ Long

Nhân Kỷ niệm 78 năm Ngày truyền thống lực lượng Tham mưu, An ninh nội địa Công an Nhân dân (18/4/1946 - 18/4/2024), Đoàn Thanh niên Phòng Tham mưu, Đoàn Thanh niên Phòng An ninh nội địa Công an tỉnh cùng phối hợp tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa hướng về cơ sở.

Hỗ trợ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại bản Hạ Long
Return to top