ClockThứ Tư, 13/07/2022 14:49

Nhắc nhớ những trang sử bi hùng

TTH - Thăm Nghĩa trang Liệt sĩ xã Lộc Bổn (huyện Phú Lộc), thật xót xa khi biết, trong số 154 ngôi mộ được quy tập tại đây đã có đến 110 ngôi trên mộ chí còn để trống vì “chưa có thông tin”.

Những đóa hoa sen hồng ở Nghĩa trang liệt sĩ Hương ĐiềnDâng hương tại các nghĩa trang liệt sĩDâng hương, dâng hoa tại các nghĩa trang liệt sĩ

Dâng hương tưởng nhớ đồng đội ở Nghĩa trang Lộc Bổn

Sau khi dâng hương ở  Nghĩa trang Liệt sĩ Lộc Bổn, nguyên Bí thư xã Hưng Lộc - Nguyễn Thanh Thiệt và tôi ghé thị trấn Phú Bài thăm Trung úy Nguyễn Đình Kiên, nguyên Đại đội phó Đại đội hành lang của Huyện đội Hương Thủy.

Đại đội hành lang được thành lập sau Xuân 1968 có nhiệm vụ bám vùng giáp ranh Hưng Lộc để trinh sát, cảnh giới, dẫn đường cho cán bộ, chiến sĩ từ hậu cứ của Thành ủy Huế về đồng bằng Phú Vang công tác. Là người có gần 7 năm gắn bó với vùng đất này nên phần lớn những sự kiện diễn ra ở đây, ông Nguyễn Đình Kiên biết khá tường tận.

Ký ức bi thương

Vùng giáp ranh Hưng Lộc là nơi rất ác liệt. Ác liệt không phải vì đạn bom của hai bên giao tranh mà là do quân đội Mỹ thường xuyên phục kích làm cho nhiều cán bộ, chiến sĩ của ta hy sinh. Ông Kiên nhớ lại và khẳng định: “Lúc đó, Hưng Lộc nuôi cán bộ của cả nửa tỉnh”.

Đó là những 1969 -1970, thời kỳ đầy bi thảm và đen tối của phong trào cách mạng ở Thừa Thiên Huế. Trên thực địa, sau khi “ bình định cấp tốc” ở đồng bằng, phía Tây-Nam Huế, quân đội Mỹ đã lập hàng loạt căn cứ quân sự dọc tuyến đường 12 và 14; đồng thời đổ quân lên tận vùng biên giới Việt-Lào nhằm đánh phá kho tàng và ngăn chặn tuyến đường chi viện của miền Bắc. Lúc này từ khe Trái (Hương Trà), hậu cứ của Thành ủy Huế đã chuyển hẳn vào vùng khe Đầy (Hương Thủy).

Lâm vào tình thế  “trên không về, dưới không lên được”, hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ của các cơ quan, đơn vị Thành ủy Huế (bao gồm 3 quận nội thành: Hữu ngạn, Tả ngạn, Thành nội và 3 huyện vùng ven: Hương Trà, Phú Vang, Hương Thủy cùng lực lượng vũ trang địa phương) vì thiếu gạo nên đói quay quắt.

Để “cầm cự”, họ phải tìm các loại rau rừng, cây củ gì ăn được như rau tàu bay, môn thục, môn vót, tai nai, ruột cây đoác, hạt sót… thay cơm. Chống đói như chống giặc, cơ quan, đơn vị nào cũng lập “đội thu mua”.

Từ vùng khe Đầy, từng đoàn người vượt sông Hai Nhánh và hàng loạt các con khe: Dứa, Chẹt, Bòng để tập kết ở khe Trạng Cày. Tại đây, đợi đêm xuống, họ băng qua vùng giáp ranh để thâm nhập địa bàn, thuở ấy thường gọi là “mũi Hưng - Hải”. Hưng là tên gọi tắt của xã Hưng Lộc (nay là Lộc Bổn), tương tự Hải là xã Hải Thủy (nay là Thủy Phù) - những nơi gần Huế, có vựa lúa và chợ Nong, chợ Phú Bài nên có thể cung cấp hàng hóa với số lượng lớn.

Sau khi lập căn cứ quân sự ở Phú Bài, để ngăn không cho “cộng quân” có nơi ẩn nấp, quân đội Mỹ đã bắn phá, cày ủi và rải chất “khai quang” làm cho vùng gò đồi rộng lớn ở phía Tây-Nam của hai xã này trở nên trơ trọi,  chỉ còn lại  lau lách với sim mua. Do vậy, để tránh bị phát hiện, các “đội thu mua” phải đợi đêm xuống mới băng qua vùng giáp ranh để vào các thôn, xóm ở đồng bằng.

Nắm được quy luật này, lính Mỹ tiến hành phục kích và máu đã không ngừng đổ ở vùng giáp ranh này.

Theo tài liệu được công bố trong cuốn Lịch sử Công an Hương Thủy, tính từ tháng 2/1969-4/1971 trên  địa bàn xã Hải Thủy địch tổ chức 9 trận phục kích làm cho 1 Trung đội vũ trang và 18 cán bộ, chiến sĩ hy sinh, 29 người khác bị bắt.

“Hóc mụ Bồi” cần có một tấm bia tưởng niệm

Cho đến nay tuy chưa có con số thống kê cụ thể nhưng có một điều chắc chắn, vùng giáp ranh Hưng Lộc là nơi bi thương nhất, bởi có những thời đoạn, nhất là trước mùa mưa 1969, hầu như đêm nào, phía cách mạng cũng có cán bộ, chiến sĩ hy sinh, do bị Mỹ phục kích ở khe Trạng Cày, khe Ông Thạo, đồi Lệ, Bàu Bàng và trên những quả đồi không tên khác. Nhưng nhiều nhất và bi thương nhất là trận ở Hóc mụ Bồi diễn ra cuối hè của năm 1969.

“Hóc mụ Bồi” là tên dân gian tự đặt để tưởng nhớ công lao người khai khẩn mấy soi ruộng ở Bàu Bàng (nay thuộc thôn Hòa Vang, xã Lộc Bổn). Bàu ruộng này nằm tiếp giáp với sườn đồi Lệ thoai thoải ở phía bắc, do trâu lâu ngày qua lại đã biến thành hóc. Nhờ có sườn đồi che chở nên mỗi khi lên-về, các “đội thu mua” thường chọn nơi này làm điểm tập kết, nghỉ ngơi. Quân đội Mỹ phát hiện và tổ chức mai phục.

Đêm đó, các “đội thu mua” từ đồng bằng lên, đợi đội hình đã lọt hẳn vào trận địa đã được bố trí sẵn, từ nơi ẩn nấp quân Mỹ điểm hỏa. Hàng loạt quả mìn định hướng Claymo từ hai bên sườn đồi chụp xuống. Ngoài 19 người hy sinh tại chỗ, dân làng còn nghe lính Mỹ bắt sống 1 người, người đó bị thương nên máy bay đã chở đi trong đêm. 

Theo nguyên Bí thư Đảng ủy xã Hưng Lộc - Nguyễn Thanh Thiệt, thời điểm này, ngoài các đội thu mua của các cơ quan Thành ủy Huế, trên địa bàn Hưng Lộc còn có Tổ thu mua của Ban Kinh tế Khu ủy Trị Thiên Huế do ông Lan phụ trách.

Do vậy, trong số những cán bộ, chiến sĩ hy sinh đêm ấy ở “Hóc mụ Bồi” vẫn không rõ họ thuộc cơ quan, đơn vị nào - ông Thiệt khẳng định.

Bà Đặng Thị Chiến, một cơ sở hoạt động hợp pháp ở xóm Bại (thôn I, xã Hưng Lộc) cho biết, trong 19 người bị chúng đem phơi xác ở “đường quan” - Quốc lộ 1 hôm đó có 3 cán bộ nữ. Bà Chiến khẳng định: “trong 3 chị ấy, có chị tôi biết tên là Nỗ, quê ở Phong Điền”. Sau Hiệp định Paris 1973, bà Chiến thoát ly lên chiến khu nên bà “không biết thân nhân chị Nỗ đã di dời hài cốt chị đem về quê hay chưa?”.

Sau Xuân 1968, phần lớn thi thể của cán bộ, chiến sĩ ta hy sinh ở Hưng Lộc, chúng đều đem phơi dọc Quốc lộ I - phía Bắc sông Nong. Sau những đợt “triển lãm” ấy, chúng mang “xác anh em” lấp ven thiết lộ hoặc đưa đưa đi chôn tập thể, vì không phải là con em Hưng Lộc hy sinh nên việc xác định danh tính là vô cùng khó.

Sau ngày nước nhà thống nhất, để tri ân những người đã nằm lại trên quê hương mình, Đảng bộ và Nhân dân xã Lộc Bổn đã quy tập những liệt sĩ này về Nghĩa trang. Khi biết chúng tôi vừa viếng Nghĩa trang ở quê nhà, cựu Đại đội phó Đại đội hành lang Hương Thủy - Nguyễn Đình Kiên đã nhắc lại câu mà anh chị em lúc ấy thường nói: địch không sợ, chỉ sợ đói. Vì không sợ địch nên đã có lớp lớp cán bộ, chiến sĩ hy sinh.  

Trong cuốn “Lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và Nhân dân xã Lộc Bổn” có ghi chi tiết: “Mặc dù gặp vô vàn khó khăn trong sản xuất và đời sống, nhưng Nhân dân đã tích cực đóng góp và thu mua được 900 tấn lương thực, 15 tấn thực phẩm trong 2 năm 1969-1970”. Nếu một người bình quân mang được 30kg, thì để có chừng ấy nhu yếu phẩm hẳn phải cần tới hơn 3 vạn lượt người tham gia cùi cõng và không rõ trong số ấy đã có bao nhiêu người hy sinh ở vùng giáp ranh Hưng Lộc?

Đã đến lúc “Hóc mụ Bồi” cần có một tấm bia tưởng niệm, nhắc nhớ về những trang sử bi hùng của một thời đã qua.

Bài, ảnh: Phạm Hữu Thu

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sau khi đọc bài “Nhắc nhớ những trang sử bi hùng”:
Lão thành cách mạng kiến nghị nên nghiên cứu lập đền tưởng niệm

Sau khi đọc bài “Nhắc nhớ những trang sử bi hùng” đăng trên Báo Thừa Thiên Huế ngày 13/7/2022 của tác giả Phạm Hữu Thu, ông Võ Nguyên Quảng, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế, viết thư gửi Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Tổng Biên tập Báo TTH tỏ bày kiến nghị của ông - một người trong cuộc.

Lão thành cách mạng kiến nghị nên nghiên cứu lập đền tưởng niệm
Return to top