ClockChủ Nhật, 02/04/2023 10:44

“Chân trời gọi nắng” nhắc nhớ cuộc đời, sáng tác của nhạc sĩ Hồng Đăng

TTH - Xúc động trong niềm tiếc nhớ và cảm phục, đông đảo văn nghệ sĩ đã cùng gia đình cố nhạc sĩ Hồng Đăng làm giỗ đầu của ông bằng sự kiện ra mắt cuốn sách “Chân trời gọi nắng” tại Hà Nội.

Khi những trái tim về nhà

leftcenterrightdel
Ca sĩ Thắng Lợi lần đầu hát ca khúc “Ký ức đêm” 

Chia sẻ về sự ra đời của cuốn sách, kỹ sư Lê Anh Thúy, người vợ tần tảo kém nhạc sĩ Hồng Đăng 26 tuổi nghẹn ngào: “Một năm qua, trong nhà tôi vẫn tràn ngập hình ảnh, bóng dáng của nhạc sĩ Hồng Đăng. Như thể ông vẫn ở đó, vẫn làm việc với sự nhiệt huyết đến quên bản thân mình. Khi sắp xếp lại di cảo của ông, tôi bất ngờ tìm thấy bản thảo tác phẩm Sóng biển lang thang. Đây là tác phẩm ông gửi dự thi tại Tiệp Khắc và giành giải thưởng lớn. Sau đó, vì một vài ý kiến không thỏa đáng xoay quanh cái tên “tại sao lại là Sóng biển lang thang? Tại sao lại mang Sóng biển của mình sang… nhà khác?”…, mà ông bị “hành lên, hành xuống”, điêu đứng. Giận, nên ông xé bỏ, muốn lãng quên. Sau này, chính ông cũng không tìm lại được bản thảo nguyên vẹn đã viết, chỉ thấy một vài đoạn, nên dù quan điểm về sáng tác đã cởi mở, cũng không thể dựng được bài hát này. Tôi tìm thấy một bản thảo của Sóng biển lang thang trong đống bản thảo khổng lồ ông để lại. Lúc đó, bản thảo cuốn sách đã làm xong, nên tôi không thể đưa Sóng biển lang thang vào cuốn sách. Bài này màu sắc nhạc đẹp lắm, tôi sẽ tìm ca sĩ, dựng bài thật tử tế rồi sẽ công bố”.

Cuốn sách “Chân trời gọi nắng” mà kỹ sư Lê Anh Thúy dành nhiều tâm huyết để xuất bản dày 365 trang (tròn 1 năm ngày nhạc sĩ Hồng Đăng mất), gồm 3 phần: Phần 1: Hồng Đăng - sống và viết, đây là những câu chuyện về gia đình, những bài báo về cuộc sống của cố nhạc sĩ cùng tuyển tập các tác phẩm ca khúc cùng bài viết âm nhạc mà ông sáng tác; Phần 2: Câu chuyện tử vi, do kỹ sư Lê Anh Thúy ghi lại; và Phần 3: Hồng Đăng trong lòng người, mang tới những lời bình, lời nhận xét của những người bạn nghệ thuật, những tâm hồn nghệ sĩ yêu mến gửi tới Hồng Đăng.

leftcenterrightdel
“Chân trời gọi nắng” ra mắt nhân kỷ niệm 1 năm ngày mất của nhạc sĩ Hồng Đăng 

Tập sách như một thước phim tua chậm về cuộc đời cố nhạc sĩ Hồng Đăng, đưa tới cho độc giả cái nhìn đa chiều không chỉ về khía cạnh hoạt động nghệ thuật mà còn về cuộc sống gia đình, về cách nhìn thời thế, những câu chuyện “bên lề” của cuộc sống và cả góc nhìn đầy sự yêu mến của bạn bè, đồng nghiệp cùng những nghệ sĩ khác dành cho ông.

Tại buổi ra mắt sách, nhạc sĩ Doãn Nho đã nghiêm cẩn đọc những trang viết tay của mình về người đồng nghiệp mà ông ngưỡng mộ: “Sáng tác của Hồng Đăng rất đa dạng, từ khí nhạc, nhạc phim, nhạc sân khấu đến ca khúc và ở mỗi thể loại ông đều có thành tựu. Riêng nhạc phim, ông đã viết gần 70 tác phẩm. Đó có thể xem là “kỳ tích”, bởi viết nhạc cho phim rất khó, phải am hiểu âm nhạc, điện ảnh và có kiến thức sâu rộng về đời sống. Nhiều ca khúc viết cho phim của nhạc sĩ Hồng Đăng đã vượt ra khỏi khuôn khổ của một bộ phim, đứng vững trong đời sống âm nhạc như một tác phẩm độc lập xuất sắc. Không chỉ có Hoa sữa, một loạt tác phẩm anh rút ruột viết ra đã có tiếng vang trong trong cộng đồng và trong giới nhạc sĩ chúng tôi, như: Kỷ niệm thành phố tuổi thơ, Biển hát chiều nay, Đường đi có nắng mặt trời, Không gian xanh, Có một vùng đảo xa. Với khối lượng tác phẩm đồ sộ, có chất lượng, anh được xếp vào hàng nhạc sĩ quý hiếm của Việt Nam”.

Đồng cảm với những chia sẻ của nhạc sĩ Doãn Nho, nhạc sĩ Đức Trịnh cho biết, ông vinh dự khi theo nhạc sĩ Hồng Đăng mấy chục năm nên rất ngưỡng mộ sự đa tài của nhạc sĩ. Không chỉ ấn tượng mảng ca khúc, nhạc khí, nhạc phim, sách đào tạo chuyên ngành mà nhạc sĩ Hồng Đăng viết cũng rất hay. “Hình ảnh của anh sẽ sống mãi trong nỗi nhớ của người thân, bạn bè, người yêu âm nhạc, sống mãi trong những cuốn sách như “Chân trời gọi nắng” và trong những bản nhạc của anh” - nhạc sĩ Đức Trịnh nói.

Về ca khúc Hoa sữa mà nhà văn Nguyễn Quang Thiều quả quyết: “50 năm trước khi nghe giai điệu Hoa sữa của Hồng Đăng chúng ta run rẩy. 50 năm sau chúng ta nghe giai điệu Hoa sữa chúng ta vẫn run rẩy về nó, bởi những rung động về tình yêu giữa con người với con người”. Nghệ sĩ Thanh Tú kể: “Có một hôm, nhạc sĩ Hồng Đăng đến chơi với gia đình tôi, ông nói với tôi: “Anh đang viết ca khúc cho phim Hà Nội mùa chim làm tổ. Nó hay lắm. Anh chắc chắn, nó sẽ rất hay, mọi người sẽ thích ca khúc này”. Và sau đó, đúng là ca khúc đã trở thành tác phẩm “nằm lòng” với rất nhiều người Việt Nam”.

Khi thể hiện ca khúc Hoa sữa trong buổi ra mắt sách Chân trời gọi nắng, ca sĩ Thanh Tâm xúc động với đôi mắt đỏ hoe. Chị nói mình là ca sĩ trưởng thành từ những giai điệu của bài Hoa sữa, nên dù hát cả ngàn lần, giờ hát lại trong chị vẫn run rẩy cả một trời kỷ niệm.

Ca sĩ Quỳnh Hoa hát Đường về hoàng hôn trong nước mắt. Mỗi một nét nhạc, một giai điệu, người nghe đều thấy ánh lên nụ cười đôn hậu, lành hiền của nhạc sĩ Hồng Đăng. Vẻ như ông chưa từng dời đi, ông vẫn sống mãi trong những giai điệu nhạc mỗi khi nó được cất lên, vang mãi.

Và tất cả bỗng ngỡ ngàng khi ca sĩ Thắng Lợi hát Ký ức đêm mà anh và người bạn chơi đàn vừa kịp “vỡ bài” theo đề nghị của gia đình nhạc sĩ Hồng Đăng. Những tiếng vỗ tay liên tục vang lên. Giai điệu bài hát rất lạ, rất khác với những bài mọi người đã nghe, đã biết của nhạc sĩ Hồng Đăng: “Từ đâu đó rất xa rất xa. Tiếng anh gọi không thể nào vọng tới. Có ai hát nghe xa vời vợi. Có một thời dường như ta đã thương nhau rồi đấy thôi?”. Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ lau nước mắt: “Nghe lạ quá, thấm quá, rồi ca khúc này sẽ nổi tiếng như Hoa sữa…”.

Trong vai trò MC của buổi ra mắt sách, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên khép lại chương trình với những chia sẻ xúc động: “Một năm nhạc sĩ Hồng Đăng đã đi xa. Nhưng lời ca tiếng nhạc ở những bài hát phổ biến quen thuộc của ông thì vẫn mãi ngân nga trên các phương tiện thông tin và trong lòng người. Ông đã hòa vào muôn con sóng của biển xanh, của biển đời, tiếp tục vỗ mãi đến những chân trời gọi nắng. “Những người chết là vô hình nhưng không vắng mặt”, ông cũng như những người đã dâng cho đời những giá trị sống tích cực luôn vẫn hiện diện giữa mọi người”.

Bài, ảnh: CHU THU HẰNG
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khởi nguồn từ một căn cước văn hóa

Võ Thành Thân là một trong những họa sĩ trẻ, góp phần làm nên công cuộc đổi mới nghệ thuật Việt Nam. Triển lãm cá nhân “Mộng Ảnh” của anh đang diễn ra tại Bảo tàng Nghệ thuật Quang San (TP. Hồ Chí Minh) từ ngày 30/11 - 15/12/2024 - triển lãm quy tụ 14 bộ tác phẩm sơn dầu, thành quả của hơn ba năm nghiên cứu và sáng tạo miệt mài.

Khởi nguồn từ một căn cước văn hóa
Trao giải 3 cuộc thi về lực lượng vũ trang Thừa Thiên Huế

Ngày 17/12, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tổ chức tổng kết, trao giải 3 cuộc thi: Sáng tác ca khúc về truyền thống, sáng tác logo truyền thống Lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh và cuộc thi viết “Xây dựng nền quốc phòng toàn dân” tỉnh lần thứ 3, năm 2024; đồng thời, công bố phim tài liệu về lịch sử truyền thống LLVT tỉnh.

Trao giải 3 cuộc thi về lực lượng vũ trang Thừa Thiên Huế
“Huế rất riêng, đó là niềm cảm hứng trong sáng tác của tôi”

“Ngoài đề tài văn hóa di sản của Huế, điều mà tôi ấn tượng và cảm xúc trong quá trình sáng tác ảnh nghệ thuật ở vùng đất này đó chính là con người. Người Huế bình dị, mộc mạc và có “chất” riêng”, nhiếp ảnh gia Hoàng Quốc Vĩnh (sinh năm 1986, Gia Lai) – người vừa được xướng tên với giải thưởng tác phẩm nghệ thuật xuất sắc về Huế với bộ ảnh “Quần thể di tích Cố đô Huế” đã trải lòng như thế với Thừa Thiên Huế Cuối tuần.

“Huế rất riêng, đó là niềm cảm hứng trong sáng tác của tôi”
Thi sáng tác lô gô ngành Dân số

Ngày 28/10, Chi cục Dân số tỉnh cho biết, đã có văn bản gửi các đơn vị đề nghị truyền thông, hưởng ứng cuộc thi Sáng tác lô gô ngành Dân số do Cục Dân số, Bộ Y tế phát động nhằm phù hợp với định hướng chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển…

Thi sáng tác lô gô ngành Dân số

TIN MỚI

Return to top