ClockThứ Tư, 03/02/2016 15:39

Nhẹ như một bè lau

TTH - Nếu ví cuộc đời như một dòng sông, thì đời người có quá nhiều chuyến để qua. Khởi thủy từ lọt lòng mẹ, con người ta đã bắt đầu chuyến đò cuộc đời của mình. Lớn lên, mỗi bước qua một đoạn đường, người ta lại phải đổi một chuyến đò mới. Chuyến vơi chuyến đầy, sông sâu sông cạn, tùy lúc. Êm đềm xuôi chèo mát mái, hay sóng to gió cả lại tùy phận. Và cuối cùng, có đến đích mình chọn hay không, lại tùy duyên.

Cô và trò. Ảnh: Hàn Đăng

Nhưng với những người làm nghề giáo, mỗi năm lại miệt mài với con đò của riêng mình. Đó là những chuyến đò chở người qua một phần thời gian trong mỗi cuộc đời.

Tôi gọi mỗi chuyến đò mình đã đưa ấy là mỗi bè lau, như cách ví von của Thiền sư Nhất Hạnh. Bởi mỗi chuyến sang sông dẫu chở đến mấy trăm người khách, hay đơn độc chỉ một, đều mang lại cho tôi một cảm giác thênh thang của những người nhàn du trên cuộc đời của mình.

Vì, tôi đã may mắn được chở những người khách có những tâm hồn quá đẹp.

Những người khách mang trong hành trang của họ những vẻ đẹp tươi mới của lứa tuổi hoa niên. Đó là môi thắm má hồng, là đôi mắt long lanh rạng rỡ, là mái tóc huyền xanh với đôi vai hướng về phía trước mạnh mẽ hân hoan, là đôi tay luôn vươn lên những ngày tháng tương lai sắp đến, là nụ cười hồn nhiên, là tiếng cười trong trẻo không một chút phân vân ngần ngại trước cánh cửa của đời.

Nên mỗi chuyến qua sông, chúng tôi đã đi bằng cả tâm hồn của mình, cưỡi lên sóng cả gió to, cưỡi lên những bất trắc chập chờn của sông hồ gian khó, để cập một bến mới dìu dịu thanh bình đầy màu sắc của tuổi trẻ nhân gian.

J.J. Rousseau trong “Émile hay là về giáo dục” từng nói: “Chúng ta sinh ra yếu đuối, chúng ta cần sức mạnh; chúng ta sinh ra chẳng có gì, chúng ta cần sự giúp đỡ; chúng ta sinh ra ngu ngốc, chúng ta cần sự phán đoán. Tất cả những gì chúng ta không có khi ra đời và chúng ta cần đến khi lớn lên, đều được sự giáo dục đem lại cho ta”, ý chừng nhấn mạnh tầm quan trọng của sự giáo dục. Tôi muốn nói thêm, rằng, thật hạnh phúc xiết bao khi “chúng ta” cùng nhau đi trên con đường giáo dục ấy với những kẻ đồng hành đáng yêu, với những người khách mang trong mình một bản thể đầu tiên trong trắng, để khi bất cứ một chất xúc tác nào chạm vào, đều ngân lên những thanh âm hồn nhiên trong veo trước cuộc đời.

Cuộc sống ngày nay vội quá, người ta tất bật, ngược xuôi kiếm tìm đủ thứ trong ngày thường. Sự học cũng vậy, dường như, mỗi cha mẹ khi sinh con ra, gửi con đến nhà trường đều mong mỏi tìm kiếm cho con em mình một tương lai sáng lạn ở sự học, một thành công cụ thể ở tương lai, một thành tựu nào đó trong cuộc đời. Điều này không hẳn là xấu, nếu không muốn nói là tốt ở  khía cạnh thực dụng. Tuy nhiên, phải chăng quá mải mê tìm kiếm mà đôi khi người ta quên mất sự thảnh thơi trong cuộc sống phải được sử dụng ngay từ những năm tháng đầu đời, chứ không phải đợi sau một quãng đời hối hả mới dừng chân lại để tận hưởng. Có một câu cách ngôn nào đó đại ý rằng, tại sao phải tách bạch cuộc sống và công việc mà không phải mình đang sống ngay chính trong công việc của mình? Sự học cũng vậy, hãy để cho con trẻ được tận hưởng cuộc đời ngay chính trong sự học của mình. Hãy để chúng hiểu rằng tình cảm đầu tiên của một đứa trẻ là tự yêu chính nó; và tình cảm thứ nhì dẫn xuất từ tình cảm thứ nhất, là yêu những người gần gũi nó; vì rằng, trong tình trạng yếu đuối của nó lúc đó, nó chỉ biết người nào qua sự hỗ trợ và săn sóc mà nó nhận được mà thôi.

Và được làm người chèo thuyền đưa những tâm hồn đang lưu giữ tình cảm thứ nhất đó qua sông, với tôi là một ân huệ.

Không gọi là ân huệ sao được, khi mỗi ngày đến trường, được ăn mặc đẹp đẽ tươm tất đứng trước những đôi mắt thiên thần kia, để được lắng nghe những lời tâm tình thủ thỉ, được trao đổi những điều mình mới biết được hôm qua, được sẻ chia những thắc mắc về một câu thơ, một đoạn văn mà các tâm hồn non trẻ chưa kịp thấu hiểu được. Tất cả những điều đó gợi lên một cảm xúc ran ríu thương yêu của tôi dành cho bọn trẻ. Sau những bài học, sau những giờ lên lớp lại có những tiếng thủ thỉ hỏi han khi cô ốm đau trái gió trở trời. Hay một tin nhắn cuối giờ dặn dò: “Lúc nãy em thấy bạn ni ho nhiều, nhớ mặc ấm nghe” vang lên, tôi vừa đọc vừa mỉm cười mà ấm lòng chi lạ. Những bài học trên lớp chưa đủ cho các em kiến thức để vào đời, nhưng sự ân cần chăm chút của những người đứng lớp đã giúp cho các em biết khám phá tâm hồn mình, giúp các em phát hiện được khả năng quan sát, khả năng bộc lộ yêu thương, từ đó dẫn xuất đến những thứ tình cảm thứ nhì, tình cảm thứ ba tốt đẹp.

Cuộc sống tự nhiên vẫn xoay vần. Mỗi năm cũ qua đi, mỗi mùa xuân mới lại đến. Sự sống luôn phát triển để mỗi vòng quay luôn cao mãi lên. Và tôi nhìn những chuyến đò mình đã đưa qua sông, mỗi lứa học sinh, mỗi chuyến đưa khách qua sông xong, người đưa đò lại về bến cũ. Nhưng những chuyến đò dài ngắn, vui buồn luôn khác nhau. Bến của hôm nay xa hơn hôm qua một chút. Bến của ngày mai chắc hẳn sẽ dài hơn bến cập hôm nay. Bởi, những người khách của mỗi thời luôn có sự tiến bộ khác nhau, họ tinh tế hơn, giỏi giang hơn, nhẽ tất nhiên cũng yêu cầu người chèo thuyền vững tay hơn nữa.

Nhưng trên tất thảy, dù ngắn dài, dù gần xa, dù đầy dù cạn, thì với tôi, đó cũng là những chuyến thanh xuân của quá nhiều cuộc đời mà tôi hân hạnh được chở.

Nên qua mỗi chuyến đò, thì nhẹ như thả một bè lau…

Đông Hà

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tết thầy

Với truyền thống “tôn sư trọng đạo”, “Mùng 3 Tết thầy” đã trở thành một phong tục đẹp vào dịp Tết cổ truyền, được các thế hệ học trò gìn giữ cho đến ngày nay.

Tết thầy
“Vitamin” cho nghề giáo

Sớm. Ngồi dưới hiên nhà uống trà và nghe mưa. Tiếng mưa của tháng 11, như người thân, hiện hữu cùng bao kỷ niệm.

“Vitamin” cho nghề giáo
Nghề giáo luôn được tôn vinh

Chuyện kể về những thầy, cô giáo ở Thừa Thiên Huế như một lời tri ân và tôn vinh họ nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

Nghề giáo luôn được tôn vinh
Hạnh phúc với nghề giáo

Tháng 8 năm nay cô giáo Nguyễn Thị Bích Thủy, Hiệu trưởng Trường tiểu học (TH) Phong Chương 1 đến tuổi nghỉ hưu. Cô Thủy làm hiệu trưởng từ tháng 1/2012, khi trường vừa được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 1.

Hạnh phúc với nghề giáo
Return to top