ClockThứ Hai, 12/02/2024 21:21

Tết thầy

TTH.VN - Với truyền thống “tôn sư trọng đạo”, “Mùng 3 Tết thầy” đã trở thành một phong tục đẹp vào dịp Tết cổ truyền, được các thế hệ học trò gìn giữ cho đến ngày nay.

Người thầy “đeo khăn quàng đỏ”Dạy chữ giỏi, dạy nghề tốtVừa dạy vừa… dỗNghề giáo-Nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý

Dù đã ra trường hơn 20 năm, cô học trò cũ vẫn đều đặn đến thăm cô giáo Võ Thị Quỳnh vào dịp tết

Nhớ ngày “Tết thầy”

Từ Đồng Nai về Huế ăn tết, sau khi dành mùng 1 và mùng 2 thăm nội, ngoại, chiều mùng 3, anh Phạm Thế Phiệt cùng bạn bè hẹn nhau đi chúc tết thầy cô. Gặp lại thầy, cô giáo dạy mình từ thời cấp 2, cấp 3, những cô cậu học trò nay đã ngoài 40 tuổi vẫn tíu tít, rôm rả tranh nhau kể chuyện ngày xưa.

Anh Phiệt kể: “Tôi ra trường hơn 25 năm, giờ lại sống xa quê nên những khoảnh khắc gặp lại thầy, cô, bạn bè quý lắm. Năm nào về quê ăn tết, tôi vẫn giữ thói quen chúc tết thầy, cô. Những lúc này, tôi được trở về với ký ức tuổi thơ qua những câu chuyện khi còn là cậu học trò nhỏ”.

Hôm nay, ngôi nhà của thầy giáo Huỳnh Trường Thân, Hiệu trưởng Trường THPT Hương Vinh, TP. Huế cũng rộn vang tiếng cười với sự hiện diện của học trò cũ. Bên khay trà, dĩa mứt, những câu chuyện xưa ùa về trong ký ức mỗi người. Cái thuở “nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò” luôn là kỷ niệm thân thương nên ai cũng nhớ. Trìu mến hỏi thăm gia đình, công việc của từng trò cũ, thầy Thân nhắc lại chuyện xưa. Với thầy, sự thành đạt, hạnh phúc của học trò là niềm vui vô tận của người thầy giáo.

Thầy Huỳnh Trường Thân chia sẻ: “Giữa nhịp sống hiện đại, điều đáng quý là học trò vẫn nhớ ngày tết thầy, truyền thống “tôn sư trọng đạo” không bị mai một. Năm nào cũng vậy, đến trưa mùng 3 tết, học trò cũ lại hẹn nhau tập trung ở nhà tôi, cùng đoàn viên bên mâm cơm ngày tết. Dẫu mỗi người một hoàn cảnh, một công việc nhưng tình thầy trò vẫn luôn nồng đượm”.  

Sau 2 ngày tết dành cho gia đình, hôm nay (mùng 3 Tết) được nhiều người dành để chúc tết thầy cô, gặp gỡ bạn bè. Không phân biệt già trẻ, địa vị cao thấp, các thế hệ học trò vẫn luôn nhớ câu “Mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy”. Vui mừng khi đón nhiều học trò cũ đến thăm, cô giáo Võ Thị Quỳnh, cựu giáo viên chuyên Văn, Trường THPT Chuyên Quốc Học – Huế cho hay, học trò cũ ở nhiều phương giờ cùng tụ hội đã mang xuân ấm nồng về cho gia đình cô. Những cô cậu học trò bé bỏng năm xưa giờ đưa gia đình nhỏ đến thăm cô giáo cũ dịp đầu năm mới là niềm động viên tinh thần lớn lao với người làm nghề giáo.

Thấm đượm tình nghĩa thầy - trò

Tết là dịp quan trọng và thiêng liêng nhất trong một năm để mọi người thể hiện tấm lòng hiếu kính đối với tổ tiên, ông bà, cha mẹ và tri ân những người đã dạy dỗ mình. Không biết xuất hiện từ bao giờ, nhưng câu nói “Mùng 1 tết cha, mùng 2 tết mẹ, mùng 3 tết thầy” trở thành truyền thống văn hóa tốt đẹp của người Việt. “Mùng 3 Tết thầy” là dịp để mỗi người thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, tri ân người thầy - những người đã truyền chữ, dạy nghề... để các thế hệ học trò thành tài và thành người.

Sự tri ân, kính trọng của học trò là niềm hạnh phúc với mỗi thầy, cô giáo

Theo thầy giáo Huỳnh Trường Thân, truyền thống ấy vẫn luôn được giữ gìn cho đến ngày nay. Rời xa mái trường cũ với bao lưu luyến, đây là dịp để học trò đến chúc Tết thầy, cô giáo cũ. Chúc tết thầy, cô không phải bằng những món quà sang trọng, mà quan trọng là tình cảm, tấm chân tình của học trò. Có khi ở xa hay bận việc không đến được, trò gửi tin nhắn, thiệp qua Zalo, Facebook, thầy, cô vẫn vui và quý.

Anh Thế Phiệt cho rằng, tết thầy không phải là nghĩa vụ mà thể hiện tình nghĩa thầy - trò. Vậy nên, việc thăm, chúc tết là cơ hội để thầy trò gặp nhau, trò chuyện ôn lại kỷ niệm xưa, tâm sự về cuộc sống trong năm cũ, chia sẻ những dự định sắp tới… Tết thầy vì thế mà trở nên ấm áp, thấm đượm nghĩa tình. Tôi nghĩ, truyền thống này cần được duy trì để giáo dục cho học trò lòng biết ơn, tri ân thầy cô và sống có đạo nghĩa.

Tuy vậy, trong xã hội hiện đại, sự mai một của “Mùng 3 tết thầy” không phải là không có. Nhiều học trò hiện nay không biết đến sự tồn tại của ngày này. Điều này xuất phát từ sự phát triển của xã hội hiện đại khi trò chưa được thầy cô, bố mẹ nhắc nhở về ý nghĩa của tết thầy.

Dù xã hội có phát triển đến đâu thì truyền thống “tôn sư trọng đạo” vẫn luôn song hành. Người thầy vẫn luôn là “người lái đò” dìu dắt bao thế hệ học sinh. Trong hành trình ấy, những niềm vui nho nhỏ được chắt chiu trong mối quan hệ với học trò là hạnh phúc để họ tiếp tục gắn bó với nghề giáo. Thế nên, Tết thầy vẫn là nét đẹp văn hóa từ ngàn đời cần được giữ gìn và phát huy, để các thế hệ học trò bày tỏ tấm lòng tri ân thành kính với thầy, cô giáo.

MINH HIỀN
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sông Hai Nhánh - Dấu ấn hào hùng - Kỳ 2: Tri Ân

Những ai trân quý quá khứ hào hùng của dân tộc, nhớ về những người hy sinh có thể ghé thuyền dâng một nén hương vì cần biết rằng, dưới làn nước xanh thẳm kia là xương cốt của nhiều liệt sĩ mà đến nay thân nhân họ không còn cơ hội kiếm tìm.

Sông Hai Nhánh - Dấu ấn hào hùng - Kỳ 2 Tri Ân
Phú Lộc: Dâng hương tri ân các Anh hùng liệt sĩ

Sáng 22/3, Huyện ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Phú Lộc tổ chức lễ viếng, dâng hương tri ân Anh hùng liệt sĩ nhân kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng quê hương Phú Lộc (24/3/1975 - 24/3/2024), kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng quê hương Thừa Thiên Huế (26/3/1975 - 26/3/2024), hướng đến kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024).

Phú Lộc Dâng hương tri ân các Anh hùng liệt sĩ
Tri ân, tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ Gạc Ma

Ngày 14/3, tròn 36 năm sự kiện Gạc Ma (14/3/1988), tại Khu tưởng niệm các chiến sĩ Gạc Ma (xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa), Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân tổ chức dâng hương tưởng nhớ các Anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Tri ân, tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ Gạc Ma
Viết để tri ân những người mình mang ơn

Khó quên là buổi giao lưu, giới thiệu sách của tác giả Nuage Rose, tên Việt là Hồng Vân, với sự điều phối của Tiến sĩ văn chương Trần Thị Thu Ba cùng với sự tham gia của các khách mời, giảng viên và tập thể sinh viên Khoa Sư phạm Ngữ văn ĐHSP Huế ngay trong tháng 10 vừa qua.

Viết để tri ân những người mình mang ơn
Return to top