ClockThứ Bảy, 30/04/2016 00:33

Nhiều kinh nghiệm được sẻ chia

TTH - Phiên họp đầu của dự án “Thành lập mạng lưới các thành phố văn hóa của Diễn đàn hợp tác Đông Á - Mỹ Latinh” (FEALAC), diễn ra ngày 29/4, tại Huế, với sự tham dự 29 đơn vị, của 16 quốc gia, trong đó có nhiều thành phố văn hóa đặc trưng của các quốc gia đã chia sẻ những kinh nghiệm hay trong việc giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa đặc sản của từng vùng miền.

Thông qua quy chế và tuyên bố chung

Đại biểu thảo luận bên ngoài hội trường phiên họp

Phát triển theo giá trị văn hóa đặc trưng

TP. Kyoto (Nhật Bản) là đơn vị được chọn mở màn phiên tham luận về các giải pháp phát huy giá trị văn hóa đặc trưng gắn với phát triển kinh tế-xã hội. Đại diện TP. Kyoto cho rằng, giữa Kyoto có điểm tương đồng cùng là cố đô và có nhiều di sản được công nhận là di sản văn hóa. Một số món ăn cũng được công nhận là văn hóa phi vật thể.

Khi chính quyền di chuyển thủ đô, Kyoto suy giảm khá lớn số dân, song, người dân Kyoto luôn có tinh thần độc lập và tự chủ, nhất là trong việc bảo vệ các tài sản mang tính di tích, lịch sử. Một trong những tài sản quan trọng của Kyoto là các công trình được làm từ gỗ, như chùa, nhà ở… Kyoto luôn xem đây là những công trình cần được bảo vệ và chính quyền luôn hỗ trợ người dân để thực hiện công việc này. Đối với các nhà gỗ bị hư hỏng một phần, chính quyền Kyoto hỗ trợ tái tạo làm nhà hàng, shop, do vậy, nhà gỗ luôn được giữ gìn và phát triển.a

Tuy nhiên, thành phố luôn đối mặt với việc bảo tồn các di sản, do thiên tai, hỏa hoạn, thế nên, thành phố đã có chủ trương lắp đặt thiết bị phòng cháy chữa cháy cho những ngôi nhà bằng gỗ.

Đại diện TP. Kyoto cũng chia sẻ kinh nghiệm trong việc phát triển, bảo vệ bền vững nhà gỗ bằng cách bảo tồn toàn cảnh, với việc điều tiết quảng cáo ngoài trời, cấm những quảng cáo có nhiều màu sắc, nhiều đèn, cho dù điều đó ảnh hưởng đời sống và sinh kế của người dân.

Bà Valdes Bolano Sara, Đại sứ Mexico tại Việt Nam chia sẻ, đất nước Mexico là quốc gia phong phú về ngôn ngữ, với 68 ngôn ngữ đang sử dụng và 463 biến thể ngôn ngữ. “Chúng tôi tự hào và nhận thức được trách nhiệm của mình, thông qua sự gìn giữ văn hóa đa dạng của ngôn ngữ. Đây cũng là nét văn hóa đặc sắc của chúng tôi”.

Ngoài các tham luận, phiên họp đầu tiên của FEALAC còn thông qua quy chế thành lập mạng lưới các thành phố văn hóa của Diễn đàn hợp tác Đông Á-Mỹ Latinh và các tuyên bố chung. Cũng tại phiên họp này, các đại biểu đã nhất trí thông qua việc đề cử vinh danh Huế là thành phố văn hóa tiêu biểu trong hai năm tới, diễn ra ở San Savaldo de Jujui của Argentina, thành phố vừa đăng cai phiên họp thứ 2 của FEALAC.

Mexico hiện có 187 khu khảo cổ luôn mở cửa chào đón du khách,  1.800 di tích lịch sử, 1.200 bảo tàng, 1.567 cửa hàng bán sách, 620 rạp hát, 1.800 trung tâm văn hóa, 420 trung tâm triển lãm luôn đông khách và người dân tham gia.

Quan điểm phát triển văn hóa của Mexico là luôn gắn liền với phát triển kinh tế, góp phần nâng cao đời sống của người dân và cũng là yếu tố gắn kết xã hội, do đó, những đầu tư cho văn hóa đều còn nhằm mục đích tạo ra việc làm, giúp người dân địa phương có thêm thu nhập. 

Một số thành phố khác như Lệ Thủy của Trung Quốc, nêu kinh nghiệm trong việc phát huy các nghề truyền thống, như nghề gốm, thuê lụa, TP. Sao Luis của Brasil chú trọng phát triển văn hóa lễ hội đường phố…

Áp dụng theo đặc thù riêng

Các thành phố thành viên của Việt Nam, gồm: Huế, Hà Nội, Đà Nẵng, Thanh Hóa cũng lần lượt trình bày các tham luận về giải pháp bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa đặc trưng. Trong các thành phố thành viên của Việt Nam, Huế là thành phố có nhiều di tích lịch sử, văn hóa được công nhận nhất, trong đó có nhiều di tích xếp hạng đặc biệt. Tuy nhiên, việc bảo tồn và phát huy giá trị của các di tích hiện gặp khó khăn vừa do thiếu kinh phí trùng tu, khi có khá nhiều công trình di tích hiện đang hư hỏng, xuống cấp. Việc sắp xếp chỗ ở ổn định cho người dân trong vùng di tích cũng đang là vấn đề nan giải với các cấp chính quyền. Tuy thế, TP. Huế luôn nỗ lực trong việc tìm kiếm, kêu gọi đầu tư để thành lập các thiết chế văn hóa, xây dựng Huế trở thành trung tâm hội nghị, tăng cường thu hút khách du lịch, với mục tiêu đón 5 triệu lượt khách sẽ đến Huế vào năm 2020.

Đại diện TP. Yogyakarta (Indonesia), chia sẻ kinh nghiệm trong việc quy hoạch các công trình trong thành phố dựa trên nguyên tắc triết lý nhân sinh quan đảm bảo hài hòa giữa thiên nhiên, con người, thần thánh và cố gắng gìn giữ tốt nhất những công trình văn hóa, di tích tiêu biểu, hiện vật liên quan, như đài phun nước, cây cối, quảng trường…

Sau khi nghe đại diện các thành phố trình bày tham luận, nhiều đại biểu cho rằng, những kinh nghiệm mà các thành phố đã nêu có thể lựa chọn áp dụng, học tập, triển khai đối với từng vấn đề của mỗi thành phố. Với Huế, Chủ tịch UBND TP. Huế Nguyễn Văn Thành cho rằng, ngoài các kinh nghiệm trong quản lý, phát triển văn hóa, bảo tồn các giá trị di tích, lịch sử hiện nay, phiên họp còn giúp đơn vị đăng cai quảng bá hình ảnh, du lịch Huế đến với du khách, góp phần thúc đẩy du lịch Huế phát triển.

Tuy thế, Huế hiện còn một số khó khăn trong việc đưa các di vật, cổ vật thất lạc trở về. Đây cũng là vấn đề được nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân đề cập. Với vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung thông tin, Bộ Ngoại giao đang nỗ lực cùng với tỉnh tìm kiếm, mua lại các cổ vật đã thất lạc nhiều năm nay để đưa về Huế, Việt Nam. Tuy nhiên, đây là vấn đề mang tính toàn cầu và đòi hỏi phải có thời gian mới thực hiện được.

Ngài Servio S. Samudio B., Đại sứ Cộng hòa Pamana tại Việt Nam:

Cơ hội tiếp cận thêm những thông tin thú vị

Chúng tôi nhận thấy đây là cơ hội tốt để chúng ta có thể trao đổi thông tin và kinh nghiệm; với bản thân tôi, đây cũng là cơ hội để tôi tiếp nhận thêm những thông tin rất thú vị nhằm tìm hiểu và biết thêm về các nước trên thế giới. Với vai trò là những nhà ngoại giao, chúng tôi có nhiệm vụ đưa những điểm chung của nền văn hóa giữa Việt Nam và Panama xích lại gần nhau hơn nữa hy vọng có thể nâng cao sự hợp tác văn hóa giữa các nước trên thế giới.

 

Ông Umar Priyono – Giám đốc Sở Văn hóa tỉnh Yogyakarta, Indonesia:

Học hỏi được nhiều kinh nghiệm

Chúng tôi có sự liên kết giữa cộng đồng trong việc bảo tồn di sản. Ví như, trong việc bảo tồn đền Prambanan, chúng tôi phổ cập thông tin cho người dân sống quanh ngôi đền về cách bảo vệ vẻ đẹp của di sản văn hóa này. Vì vậy, sự liên kết giữa cộng đồng và việc bảo tồn di sản đóng vai trò rất quan trọng và được chính phủ đánh giá rất cao.

Trong hội nghị lần này, chúng tôi cũng có thể học hỏi nhiều kinh nghiệm từ thành phố Huế, Kyoto và các tỉnh, thành phố khác để bảo tồn những di sản văn hóa có giá trị cao của đất nước chúng tôi. Như tôi thấy, Huế là một thành phố rất đẹp nhưng vẫn giữ được nét cổ kính.

Bà Su Yeon Yun, Đại diện Ban Thư ký FEALAC Cyber tại Seoul, Hàn Quốc:

Dự án này sẽ thành công

Đây là lần đầu tiên hội nghị được tổ chức để các nước thành viên FEALAC biết về tiến trình phát triển của FEALAC trong tương lai. Huế đã làm tốt vai trò chủ nhà trong chương trình sáng nay, khi kết nối được các nước thành viên và mang lại cơ hội để cùng nhau chia sẻ thông tin, cũng như kinh nghiệm cần thiết nhằm nâng cao sự phát triển của việc bảo tồn di sản. Tôi tin rằng, dự án này sẽ thành công.

QUYÊN – THẢO (Thực hiện)

Bài, ảnh: Tâm Huệ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khai mạc Diễn đàn hợp tác Đông Á - Mỹ Latinh (FEALAC) tại Busan, Hàn Quốc

Hôm nay (29/8), Diễn đàn hợp tác Đông Á - Mỹ Latinh (FEALAC) kéo dài 3 ngày chính thức bắt đầu tại Busan - thành phố cảng lớn nhất của Hàn Quốc, quy tụ các Bộ trưởng Ngoại giao từ hai khu vực này cùng thảo luận về các vấn đề an ninh và hợp tác liên vùng trước sự phát triển vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.

Khai mạc Diễn đàn hợp tác Đông Á - Mỹ Latinh FEALAC tại Busan, Hàn Quốc
Phiên họp đầu tiên của dự án “Thành lập mạng lưới các thành phố văn hóa của Diễn đàn hợp tác Đông Á-Mỹ Latinh” (FEALAC):
Thông qua quy chế và tuyên bố chung

Ngày 29/4, tại Huế diễn ra phiên họp đầu tiên của dự án “Thành lập mạng lưới các thành phố văn hóa của Diễn đàn hợp tác Đông Á-Mỹ Latinh” (FEALAC).

Thông qua quy chế và tuyên bố chung
Return to top