ClockThứ Tư, 22/06/2016 14:17

“Sống khỏe” nhờ rừng

TTH - Trong khi không ít hợp tác xã (HTX) lúng túng chọn hướng đi phù hợp thì HTX Nông nghiệp Nam Sơn, xã Lộc Sơn (Phú Lộc) đã biết tận dụng, phát huy thế mạnh trồng rừng, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD).

Diện tích rừng ở HTXNN Nam Sơn sắp thu hoạch

Hướng đi đúng

Từ những năm đầu thành lập (sau giải phóng), HTXNN Nam Sơn đã chọn hướng đi phù hợp với điều kiện đất đai, tiềm năng địa phương. Trong đó, việc khai thác các vùng đồi hoang là mục tiêu hướng đến của HTX, trồng rừng kinh tế, làm “bàn đạp” phát triển.

Chủ tịch HĐQT, kiêm Giám đốc HTXNN Nam Sơn-Nguyễn Hữu Thoan nhớ lại, hồi đó, công nghệ sản xuất giống, cũng như trình độ kỹ thuật trồng và chăm sóc rừng chưa phát triển nên HTX chọn cây thông nhựa đưa vào trồng với diện tích 250 ha, được giao khoán cho người dân chăm sóc, hưởng lợi. Theo hợp đồng giao khoán, đến kỳ thai thác nhựa, HTX thu 20% giá trị sản phẩm phục vụ công tác quản lý, bảo vệ rừng. Nguồn thu lúc này tuy không lớn nhưng góp phần tích cực cho các hoạt động SXKD của HTX.

Xét thấy trồng thông nhựa không hiệu quả, UBND huyện Phú Lộc quyết định cho HTXNN Nam Sơn thu hoạch, chuyển sang trồng keo. Nguồn thu từ sản phẩm gỗ thông được chia cho người dân 50%, HTX hưởng 50%. Đến năm 2000, 250 ha thông được thay thế bằng cây keo, trong đó 163 ha được giao khoán cho 144 hộ quản lý, chăm sóc, bình quân mỗi hộ trên 1 ha. Cũng như phương án trồng thông, sau khi thu hoạch keo, HTX thu trên 20% giá trị sản phẩm. Các đợt khai thác gỗ rừng trồng, HTX thu về hàng tỷ đồng, góp phần hỗ trợ tích cực cho SXKD.

Hoạt động trồng rừng của HTX đã động viên, kích thích người dân hưởng ứng tham gia phong trào trồng rừng. Ngoài diện tích giao khoán, người dân trên địa bàn HTX còn mạnh dạn khai thác tiềm năng đưa vào trồng thêm 430 ha rừng keo. Đến kỳ khai thác, HTX thu trên 3 triệu đồng/ha phục vụ công tác quản lý, bảo vệ, phòng chống cháy rừng… Tận dụng lợi thế này, HTX đầu tư xây dựng vườn ươm cây keo giống cung ứng cho người dân. Nguồn thu từ cây giống tuy không lớn, nhưng đã giải quyết được tình trạng thiếu giống chất lượng cho người dân.

“Điểm tựa” cho nông dân

Giữa năm 2015, sau khi chuyển đổi theo Luật HTX, HTXNN Nam Sơn đã kiện toàn bộ máy điều hành, mở rộng quy mô hoạt động; đầu tư mở rộng, đa dạng hóa các dịch vụ làm đất, thủy lợi, giống, thuốc bảo vệ thực vật, đấu úng, chống hạn, thu hoạch xử lý cây mai dương, dịch vụ lâm nghiệp, tín dụng nội bộ…

Ông Nguyễn Hữu Thoan khẳng định, chính kinh tế rừng đã thúc đẩy SXKD của HTX và bà con trên địa bàn phát triển. Các hộ xã viên được giao khoán rừng có điều kiện thoát nghèo, vươn lên… Các nguồn thu từ rừng, mấy năm qua, HTX đã đầu tư xây dựng bê tông hàng chục km kênh mương, đê bao thủy lợi; mua các loại vật tư, phân bón, máy móc cơ giới phục vụ sản xuất nông nghiệp. Ngoài đầu tư thiết bị máy móc, HTX dành khoản vốn gần 500 triệu đồng cho các hộ xã viên vay khi gặp khó khăn.

Đến thăm hộ ông Nguyễn Kha ở thôn 3, chúng tôi thật sự vui khi điều kiện kinh tế gia đình ổn định, khấm khá. Ít ai ngờ trước đây gia đình ông Kha thuộc diện nghèo đói, được HTX giúp đỡ. Ông Kha nói: “Nếu không có HTXNN Nam Sơn thì không biết gia đình tôi sẽ như thế nào? Trong lúc túng quẫn, HTX đã cho vay vốn làm ăn. Đến mùa vụ, không có tiền mua giống, phân… cũng được HTX bán nợ không tính lãi. Từ đó mà gia đình có điều kiện sản xuất, từng bước ổn định cuộc sống”.

Không riêng hộ ông Kha, hàng trăm hộ trên địa bàn được HTX cho vay vốn, bán nợ phân bón, thuốc trừ sâu, nợ công cày đất… sau vụ thu hoạch mới hoàn trả. Ông Lại Đình Đại xã viên của HTX cho hay, từ ngày có hệ thống kênh mương, thủy lợi, đê bao ổn định, vào mùa hè không còn khô hạn, thiếu nước; mùa mưa được đấu úng kịp thời. Từ đó, hiệu quả sản xuất nông nghiệp trên địa bàn HTX ngày càng nâng cao. Năng suất lúa cách đây 5 năm chỉ từ 30-35 tạ/ha, giờ đây đạt trên 60 tạ, đứng đầu toàn huyện.

Ông Nguyễn Hữu Thoan cho rằng, HTXNN Nam Sơn vốn đi lên từ khó khăn, đến nay doanh thu mỗi năm 2,5 tỷ đồng, lãi gần 500 triệu đồng là thành công lớn. Mục tiêu HTX hướng đến là tạo động lực phát triển cho hộ xã viên, người dân. Khi đời sống người dân ổn định cũng sẽ thúc đẩy phát triển SXKD của HTX.

Bài, ảnh: Hoàng Triều

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thị trường carbon: Chìa khóa chuyển đổi xanh

Thị trường carbon được coi là một trong những công cụ quan trọng trong việc giảm nhẹ phát thải khí nhà kính với chi phí của doanh nghiệp và xã hội thấp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050” của Việt Nam.

Thị trường carbon Chìa khóa chuyển đổi xanh
Trồng rừng theo hướng đa mục tiêu

Tại lễ Tết trồng cây năm 2024, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh nhấn mạnh, hoạt động trồng cây, gây rừng là vô cùng cần thiết, nhất là trong bối cảnh Thừa Thiên Huế đang nỗ lực thực hiện mục tiêu xây dựng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025.

Trồng rừng theo hướng đa mục tiêu
Trồng 2.400 cây rừng bản địa

Đó là hoạt động chào mừng Ngày Lâm nghiệp Việt Nam 28/11 do Chi cục Kiểm lâm (CCKL) tỉnh tổ chức vào ngày 25/11.

Trồng 2 400 cây rừng bản địa
Return to top