|
Trồng rừng bản địa đa loài, đa mục tiêu |
Dù bước đầu vẫn còn gặp một số khó khăn nhất định, như có lúc đầu ra thiếu ổn định, bão lũ gây thiệt hại, nhưng với nhiều hộ dân ở vùng gò đồi, miền núi thì trồng rừng keo đã mang lại hiệu quả kinh tế tương đối ổn định. Từ những vùng đất trống, đồi núi trọc một thời trên địa bàn tỉnh nay đã phủ một màu xanh của rừng keo tràm. Nhiều hộ không chỉ thoát nghèo mà còn có điều kiện, cơ hội vươn lên làm giàu từ trồng rừng kinh tế.
Ông Hồ Đa Thê ở Bến Ván, xã Lộc Bổn (Phú Lộc) cho rằng, trồng rừng là điều kiện phát triển kinh tế hiệu quả của nhiều hộ dân, nhất là đồng bào dân tộc miền núi. Một hướng đi mới hiện nay còn mang lại hiệu quả gấp đôi, gấp ba lần so với trồng rừng gỗ nhỏ là trồng rừng gỗ lớn (RGL). Trước nhu cầu, yêu cầu khắt khe của thị trường tiêu thụ hiện nay thì trồng RGL là hướng đi tất yếu, không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế mà còn thích ứng với biến đổi khí hậu.
Thực tế đã minh chứng lợi thế, lợi ích của trồng RGL mang lại từ nhiều năm nay. Đối với đối tượng kinh doanh rừng gỗ nhỏ (dăm nguyên liệu) thì chu kỳ kinh doanh 4-5 năm tuổi, mật độ cây trồng bình quân 2.500 cây/ha, cho năng suất 80m3. Sau khi trừ chi phí (khoảng 25 triệu/ha), lợi nhuận mỗi ha 60 triệu/5 năm (tương đương 120 triệu đồng/ha/10 năm của 2 chu kỳ kinh doanh).
Nếu thực hiện chuyển hóa RGL với biện pháp tỉa thưa hai lần, mật độ cuối cùng 1.100 cây/ha, sau 8 -10 năm cho sản lượng khoảng 200m3 (gấp từ 2-2,5 lần) so với rừng gỗ nhỏ. Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận thu từ RGL từ 250- 300 triệu đồng/ha/10 năm (kể cả thu từ lâm sản tỉa thưa).
|
Giống cho rừng trồng đa mục tiêu |
Tính riêng năm 2023, toàn tỉnh trồng mới hơn 6.311ha rừng, tăng 7,6% so với năm trước. Trong đó, trồng mới hơn 1,8 triệu cây xanh, gieo ươm hơn 20 triệu cây giống phục vụ cho hoạt động trồng rừng. Đáng chú ý, đến nay toàn tỉnh đã có hơn 12.400ha RGL các loài keo và cây bản địa, có hơn 11.920ha rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững, trong đó có khoảng 940ha rừng tự nhiên. Đến năm 2023, diện tích rừng trên địa bàn tỉnh tiếp tục được quản lý, bảo vệ tốt, ổn định độ che phủ rừng đạt 57,16%.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Nguyễn Đình Đức đánh giá, tài nguyên rừng địa phương có giá trị rất lớn về mặt kinh tế, môi trường, xã hội và an ninh quốc phòng. Ngành lâm nghiệp tỉnh thực hiện phát triển lâm nghiệp bền vững theo hướng đa mục tiêu, giữ ổn định và cải thiện mạnh mẽ diện tích rừng tự nhiên; trồng mới thành công các diện tích rừng phòng hộ, đặc dụng theo hướng đa tầng tán như mô hình rừng tự nhiên, rừng bản địa, phát triển và kinh doanh RGL có chất lượng cao gắn với chứng chỉ rừng bền vững.
Định hướng và quan điểm của tỉnh, trồng rừng theo hướng phát huy các lợi thế và tận dụng các cơ hội để phát triển lâm nghiệp bền vững. Các địa phương và ngành nông nghiệp đẩy mạnh xã hội hóa và tổ chức liên kết sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị lâm sản. Trên cơ sở đó, thu hút các nguồn lực và bảo đảm sự tham gia của các thành phần kinh tế trong hoạt động lâm nghiệp, phân bổ và sử dụng các nguồn lực sản xuất, nhất là đất đai và tài nguyên rừng dựa trên cơ chế chia sẻ lợi ích công bằng.
Ngành kinh tế rừng được xây dựng theo hướng đổi mới mô hình tăng trưởng từ dựa vào mở rộng diện tích, khối lượng và nguồn lực sang tập trung vào thâm canh để nâng cao chất lượng rừng trồng, đầu tư công nghệ sản xuất, chế biến sâu để tạo ra sản phẩm gỗ và lâm sản có giá trị gia tăng cao.
Ngành lâm nghiệp đang quy hoạch các vùng nguyên liệu rừng trồng gắn với các cụm công nghiệp chế biến tập trung, phát triển kinh tế rừng trồng với bảo vệ rừng tự nhiên. Hoạt động trồng rừng đặc biệt chú trọng đến đời sống kinh tế, xã hội vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đảm bảo an sinh xã hội và an ninh quốc phòng khu vực biên giới.
Đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh có 11 nhà máy chế biến gỗ và lâm sản đang hoạt động và 2 nhà máy chế biến gỗ và lâm sản đang triển khai đầu tư cơ sở hạ tầng. Trong giai đoạn 2021-2025, tiếp tục duy trì 11 nhà máy chế biến gỗ và lâm sản hiện có và xây dựng hoàn thành 2 nhà máy mới để đưa vào hoạt động. Ngành lâm nghiệp đang tập trung hỗ trợ tổ chức dịch vụ chế biến gỗ rừng trồng ở 13 hợp tác xã lâm nghiệp bền vững tại các huyện Nam Đông, Phú Lộc, Phong Điền, A Lưới, TX. Hương Trà. Phấn đấu giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản ngoài gỗ đạt khoảng 100 triệu USD/năm.
Định hướng đến năm 2030, toàn tỉnh duy trì các nhà máy chế biến gỗ giai đoạn 2021-2025, ưu tiên nâng cấp các nhà máy chế biến gỗ chuyên sâu với dây chuyền sản xuất hiện đại, khép kín, tạo sản phẩm hoàn chỉnh. Hầu hết các hợp tác xã lâm nghiệp bền vững sử dụng giống cây lâm nghiệp tiêu chuẩn công nghệ cao, thực hiện dịch vụ cơ giới hóa trong khâu làm đất, trồng rừng và khai thác gỗ, tổ chức dịch vụ vận chuyển sản phẩm. Giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản ngoài gỗ đạt khoảng 120 triệu USD/năm.
|
Để đạt mục tiêu đề ra, tại buổi lễ Tết trồng cây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh kêu gọi mọi người dân, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trong và ngoài tỉnh, các tổ chức quốc tế chung tay, chung sức, hăng hái tham gia trồng cây, trồng rừng, khuyến khích phát triển kinh tế rừng bền vững theo hướng đa mục tiêu. Cùng với đó cần nâng cao ý thức và có biện pháp hữu hiệu để bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng chặt phá, đốt rừng, khai thác rừng trái phép. Người dân cùng với các ban ngành, chính quyền địa phương nêu cao tinh thần trách nhiệm, ý thức bảo vệ môi trường, cộng đồng để bảo vệ cây xanh đã trồng... |