ClockThứ Sáu, 20/01/2017 14:51

Tâm hồn con trẻ

TTH - Họ đã từng là vợ chồng, có chung hai đứa con. Tưởng rằng họ sẽ là “ngôi nhà” vững chắc, ấm áp của con cái. Ai ngờ khi “nhà” vỡ, những đứa trẻ phải đứng trước một sự nghiệt ngã...

Vụ án tranh chấp quyền nuôi con diễn ra tại phòng xét xử TAND TP.Huế hôm ấy chỉ có hai “nhân vật chính”. Họ đã từng là vợ chồng, đã từng yêu thương nồng mặn. Vậy nhưng 1 năm trước, khi hai đứa con còn rất thơ bé, hơn bao giờ hết cần sự che chở của cả cha lẫn mẹ, thì họ dắt nhau ra tòa đường ai nấy đi, vì cho rằng tình cảm không còn. Lúc đó, đứa con lớn nhỉnh hơn 3 tuổi, đứa bé còn quá bé nên nhất trí giao cả hai con cho người vợ trực tiếp chăm sóc nuôi dưỡng. Người cha cấp dưỡng nuôi con mỗi tháng 3 triệu đồng. Theo quy định của pháp luật, cha (hoặc mẹ) có quyền thăm nom, chăm sóc con chung, không ai được ngăn cản.

Hai đứa trẻ ấy tuổi còn trứng nước đã phải chịu cảnh bất hạnh cha mẹ chia lìa. Thế nhưng, được gia đình bên ngoại hết lòng yêu thương, anh em quấn quýt cạnh nhau, coi như cuộc sống của các cháu được ổn định, bù đắp. Vậy mà chỉ 1 năm sau, hai anh em có nguy cơ phải thêm lần nữa chia lìa, rời xa nhau, khi người cha đâm đơn đến tòa yêu cầu thay đổi quyền nuôi con, với nguyện vọng được mang một cháu về trực tiếp nuôi dưỡng.

Trước tòa anh lý giải, khi vợ chồng ly hôn, vì các con còn quá nhỏ, nghĩ đến quyền lợi của con được mẹ chăm sóc là tốt nhất nên anh đồng ý để chị trực tiếp nuôi dưỡng cả hai cháu. Thế nhưng, trong thời gian qua, các con anh bị bên ngoại cách ly với bên nội. Mỗi lần anh muốn dẫn con đi chơi, bên nhà ngoại lúc bảo trời nắng, lúc bảo trời mưa. Bà nội của tụi nhỏ đến thăm cháu cũng gặp những ngăn cản tương tự... Theo anh, đó chỉ là cái cớ để ngăn cản anh gần gũi các con, chia rẽ tình cha con. Anh lo lắng các con dần dần mất đi tình cảm với cha, với bên nội.

Vậy nên anh yêu cầu được nuôi 1 trong 2 cháu, dù biết rằng hai con lâu nay quấn quýt bên nhau, tách ra bọn trẻ sẽ rất buồn. Anh sẽ bù đắp bằng cách thường xuyên để hai con gặp nhau, cả hai đứa đều có tình cảm bên ngoại lẫn bên nội.

Chị thì một mực không đồng ý với yêu cầu của anh. Chị bảo các con lâu nay ở bên ngoại, được mẹ và bà ngoại chăm sóc từng ly từng tý, không hề thiếu thốn tình cảm. Trong khi đó, tình cảm của cha và bên nội với các cháu không bao nhiêu. Vậy nên, không có lý do gì để đưa “con của chị” về “bên kia” sống. Điều đó sẽ ảnh hưởng đến tình cảm, quyền lợi của trẻ thơ.

Tòa phân tích, dù vợ chồng đã ly hôn, con được giao chị nuôi thì chị cũng nên đưa con về thăm nội, đừng để con không biết gì bên nội, dần xa cách tình ruột thịt máu mủ. Làm mẹ phải có trách nhiệm vun vén tình cảm cho con đối với cha mẹ, ông bà, nguồn cội.  Tòa: “Giờ con còn nhỏ dại, chị nói gì cháu cũng nghe theo. Chị có nghĩ, sau này con lớn lên, đủ hiểu biết, suy nghĩ, khi biết rằng những gì chị nói trước đây không đúng sự thật, cháu sẽ quay lưng với chị không? Người cha có đui què, sứt mẻ, vẫn là cha trong lòng đứa trẻ. Người mẹ có đi tù thì vẫn là người mẹ trong lòng con. Chị cần phải tạo điều kiện bình thường cho con trẻ phát triển. Đừng cô lập, tách biệt nó với cha hay gia đình nội”.

Tòa: “Vì các con còn nhỏ, nghĩ đến quyền lợi của con nên khi ly hôn, anh giao cả 2 cháu cho chị nuôi dưỡng. Hiện hai cháu vẫn chưa kịp lớn, vẫn cần sự bảo bọc của mẹ, anh có thể để cho các cháu lớn hơn một chút, có khả năng chăm sóc được bản thân rồi hãy thay đổi quyền nuôi con”. Anh không đồng ý. Tòa tiếp tục phân tích, cuối tuần anh có thể đón các con về bên nội chơi. Ngoại trừ con ốm đau, nếu chị ngăn cản, anh có thể báo chính quyền. Một lần nữa, vì quyền lợi của các con, anh có thể rút đơn”. Anh vẫn không. Tuy nhiên, xét thấy các cháu còn nhỏ, người mẹ làm giờ hành chính, có điều kiện chăm sóc con tốt hơn nên tòa xử tiếp tục giao hai cháu cho chị nuôi dưỡng. Anh và chị lặng lẽ ai về đường nấy, mặt mũi ai cũng có vẻ tâm trạng. May mà, các con chị không hề biết cuộc “cãi vã” giữa cha và mẹ tại phiên tòa. Nếu không, tâm hồn non nớt của các cháu sẽ một lần nữa bị tổn thương.

Duy Trí

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Để tâm hồn nhẹ nhàng như sông Hương

Nhiều du khách một lần đến Huế rồi trót thương Huế bởi Cố đô giờ “thay da nhưng không đổi thịt”. Giữa sự phát triển của một mảnh đất giàu tiềm năng du lịch, cái bình yên của miền Hương Ngự còn đó đang chữa lành hoặc ít nhất làm gác lại những lo âu, trăn trở mà cuộc sống lỡ dúi vào tay người.

Để tâm hồn nhẹ nhàng như sông Hương
Nơi gặp gỡ những tâm hồn đồng cảm

Xin được gọi như thế về ấn phẩm Thơ Haiku Việt 3 miền (do câu lạc bộ thơ Haiku Xứ Huế, thuộc Hội thơ Hương Giang Thừa Thiên Huế chủ biên), Nhà xuất bản Thuận Hóa vừa mới ấn hành.

Nơi gặp gỡ những tâm hồn đồng cảm
Con trẻ chưa được giáo dục giới tính đúng cách

Hiện nay, giáo dục giới tính vẫn được coi là chủ đề nhạy cảm. Thậm chí, nhiều phụ huynh còn cảm thấy “ngại ngùng” khi nói chuyện với con cái về vấn đề này và giữ quan niệm, dạy cho trẻ hiểu về tình dục là “vẽ đường cho hươu chạy”.

Con trẻ chưa được giáo dục giới tính đúng cách
Đưa trò chơi dân gian vào trường học

Xuất hiện trên các trang facebook trong những ngày gần đây là hình ảnh nhiều phụ huynh khoe cùng con chơi các trò chơi dân gian trong trường học.

Đưa trò chơi dân gian vào trường học

TIN MỚI

Return to top