ClockThứ Tư, 14/02/2024 13:55

Để tâm hồn nhẹ nhàng như sông Hương

TTH - Nhiều du khách một lần đến Huế rồi trót thương Huế bởi Cố đô giờ “thay da nhưng không đổi thịt”. Giữa sự phát triển của một mảnh đất giàu tiềm năng du lịch, cái bình yên của miền Hương Ngự còn đó đang chữa lành hoặc ít nhất làm gác lại những lo âu, trăn trở mà cuộc sống lỡ dúi vào tay người.

Ngắm di sản từ “Vọng Huế”Thành phố bên sôngDu lịch đường sông: Hướng phát triển cho du lịch

Nhiều người muốn đến Huế để được chữa lành tâm hồn 

“Huế thương mình, rồi mình thương Huế”

Trĩu nặng những ngổn ngang trong cuộc sống, Duy Lộc quyết định tạm rời đất Sài thành, “trốn” ra Huế. Lộc thuê một căn phòng nhỏ dưới khu vườn xanh mát, nhìn ra cửa sổ toàn là màu xanh của lá, của cây và những sắc màu của nhiều loài hoa. Ban sớm, trong ánh nắng xuyên qua tán lá, những thanh âm của tiếng chim hót, của giọng Huế êm ngọt nghe lạ tai mà thân thương làm lòng Lộc bình dịu. Lộc kể với tất cả sự chân thành: “Những ngày tháng yên bình nhất trong cuộc đời của mình cũng bắt đầu từ đó”.

Ngót nghét gần chục lần đến Huế, Lộc nói về Huế mà nghe qua tưởng như là người con mảnh đất yêu thương này. “Người ta hay nghĩ về Huế với những lăng tẩm, đền đài, di tích. Điều đó đúng nhưng mới chỉ là một nửa của Huế. Huế còn là vùng đất rộng lớn mà chúng ta có thể dành cả thanh xuân để trải nghiệm. Huế khiến ai đặt chân đến bỗng nhiên bước chầm chậm lại, nói năng, trò chuyện nhỏ nhẹ hơn, ngắm nhìn và suy ngẫm nhiều hơn…”, Lộc chia sẻ.

Cuộc sống hiện đại, dường như người trẻ đối mặt nhiều áp lực. Để rồi có những người phải tìm đến các hình thức giải trí, nhưng cũng nhiều bạn trẻ chọn đến Huế, không đơn thuần chỉ để đi du lịch, mà để… chữa lành. Đầu mùa mưa năm nay, tôi gặp một bạn trẻ giống Lộc, đang mang trong mình những vết thương lòng khi gặp mất mát chuyện tình cảm. Bên tách trà còn phả hơi nóng, Thanh Nhàn, người con đất Cảng từ tốn kể: “Lần đầu đặt chân đến Huế, mình không mường tượng được một Cố đô đầy chất thơ sẽ ra sao giữa thời hiện đại. Nhưng như linh tính mách bảo, mình nghĩ nét bình dị, dịu dàng từng xuất hiện trong thơ ca, nhạc họa sẽ xua đi những bất ổn trong tâm hồn. Hơn một tuần ở Huế, cảm nhận gần đủ những ngày nắng, ngày mưa, những món ẩm thực và con người Huế, mình thấy Huế rộng lớn vô cùng. Từ những bác xích lô, cô bán hàng ở chợ Đông Ba, ai cũng gần gũi với giọng ngọt lịm như chính ba mẹ mình. Ở cái mảnh đất mà ai ở cũng có thể yêu này, mình cảm nhận được Huế thương mình còn hơn cả chính mình thương Huế”.

Tôi hỏi Nhàn, điều gì ở Huế đặc biệt nhất? Cô nàng lưỡng lự, bởi trong đầu bỗng dưng hiện lên quá nhiều thứ đặc biệt. Rồi Nhàn đáp: “Kể từ ngày đặt chân đến Cố đô lần đầu, đến nay Huế vẫn luôn là một mối tình đặc biệt của mình. Tuy không náo nhiệt như những thành phố lớn nhưng Huế vẫn đang dần khẳng định sự phát triển của một thành phố trẻ năng động, có nhiều quán sá xinh và vui nhộn, những góc cà phê như chốn hò hẹn cho những kẻ cần chữa lành vết thương lòng. Ấn tượng nhất là nhịp sống, con người xứ Huế như những nốt nhạc khiến cho mình quên bản thân là khách du lịch. Tâm hồn mình lắng lại, ở Huế là như được ở nơi mà mình thuộc về”.

Trong mắt của nhiều du khách đặt chân đến Huế, nền tảng văn hóa di sản là vốn quý, nhưng còn tài nguyên du lịch quý không kém đó là vẻ đẹp của tự nhiên với núi, sông, đầm phá và biển, khung cảnh bình yên xua tan những lo toan cuộc sống. Khi trong lòng cồn cào những lo lắng, nhiều du khách tìm đến những con đường ngập tràn màu xanh của hy vọng dưới những vòm cây, rồi lại đặt mình vào những phút giây trải lòng, đắm chìm cảm xúc bên dòng sông Hương. Trước dòng Hương lặng lẽ, hiền hòa, dịu dàng cứ như một tiểu thư khuê các không vướng bụi trần, bao mệt mỏi đều trả về cho đất trời.

Ngày gặp Nhàn trở lại sau chuyến đến Huế không lâu, chính tôi cũng bất ngờ với “tần suất” đến Huế của Nhàn. Cô gái 29 tuổi rạng rỡ hơn như được nạp năng lượng trên gương mặt tươi xinh, bảo: “Người Huế mộc mạc, nặng tình. Đi cả tháng rồi trở lại, cô bán bánh canh, dì bán bèo - nậm - lọc vẫn nhớ mặt, vẫn hỏi thăm như chính người nhà. Có lẽ chính cái nhịp sống bình dị, ra ngõ được thấy nhiều chùa, nên người Huế toát ra một khí chất thanh tao, hiếu khách để thương, để nhớ và để tâm hồn bình yên đến vậy”.

Để Huế chữa lành

Đem chuyện của Lộc, của Nhàn kể cho những người làm du lịch. Có người bảo tôi đó là nét riêng của Huế, cũng là cơ hội cho du lịch chữa lành trên đất Cố đô. Huế đang quan tâm phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe và thực sự giàu tiềm năng cho du lịch chữa lành.

Từ năm 2022, cả thế giới bừng tỉnh giấc sau hai năm dài “ngủ đông” bởi đại dịch COVID-19. Đó cũng là lúc mà xu hướng du lịch chữa lành bắt đầu trở nên phổ biến. Nhiều người tìm đến du lịch chữa lành như một hành trình hồi phục sức khỏe thể chất bằng tinh thần thông qua những chuyến đi. Và, Huế là lựa chọn hàng đầu trong việc cân bằng thân - tâm - trí.

Cách đây ít lâu, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Lê Phúc cũng từng chỉ ra rằng, bên cạnh Quần thể di tích Cố đô Huế, hệ thống chùa miếu, cảnh quan thiên nhiên, hệ thống đầm phá và nhiều bãi biển đẹp, Thừa Thiên Huế có tới 7 nguồn nước khoáng nóng. Trong đó, có các nguồn nước nóng đã được khai thác, hình thành các khu nghỉ dưỡng phục vụ sức khỏe và du lịch. Bên cạnh đó, Thừa Thiên Huế còn có hệ thống các khu nghỉ dưỡng, khách sạn cao cấp được xây dựng trong những không gian yên bình theo triền đồi, ven bờ sông Hương hay trải dài trên các bãi biển, dễ dàng hòa mình với thiên nhiên và thích hợp để khai thác du lịch nghỉ dưỡng.

Theo đại diện nhiều đơn vị lữ hành trên đất Cố đô, nếu Huế phát triển được loại hình du lịch kết hợp chăm sóc sức khỏe, du lịch chữa lành sẽ góp phần định hình lại thị trường du lịch trong bối cảnh mới, sau đại dịch. Loại hình này sẽ giúp tăng thời gian lưu trú và chi tiêu của khách hàng, nâng cao tay nghề cho đội ngũ chuyên môn, nâng tầm chuyên môn hóa và công nghiệp của ngành dịch vụ. Nhưng để đạt được hiệu quả, phải xây dựng được những sản phẩm du lịch bài bản, để khách được hòa mình vào nhịp sống, con người, khung cảnh bình yên của mảnh đất lãng mạn, mộng mơ, đậm chất thơ, một miền di sản có một không hai về vẻ đẹp rất riêng, rất ngọt ngào.

Nhiều người từng ví Huế là một quê hương của hạnh phúc. Điều đó còn phụ thuộc vào cách Huế chuyển mình nhưng vẫn là một mảnh đất cho khách những cung bậc cảm xúc bồi hồi, khó quên. Có một điều là tôi tin Huế làm được, khi nghe những lời đầy quyết tâm từ Giám đốc Sở Du lịch Nguyễn Văn Phúc rằng: “Huế đang thay đổi từng ngày và sẽ tiếp tục được thay đổi trong thời gian đến. Các sản phẩm du lịch sẽ hướng đến chiều sâu, chăm sóc “tâm - thân - trí” để khi đến Huế là cảm nhận, là tìm kiếm và để tận hưởng hạnh phúc”.

Hữu Phúc
ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nên tổ chức đua thuyền trước công viên Trịnh Công Sơn

Lâu nay lễ hội đua thuyền cuả tỉnh và TP.Huế trong các ngày lễ được tổ chức qui mô lớn trên sông Hương đoạn trước Phu Văn Lâu. Theo tôi tổ chức đua thuyền trên khúc sông trước công viên Trịnh Công Sơn thì hợp lí hơn.

Nên tổ chức đua thuyền trước công viên Trịnh Công Sơn
Đến hẹn lại... đua

Đã thành thông lệ, đúng vào dịp kỷ niệm giải phóng 26/3, sông Hương lại dậy sóng với lễ hội đua ghe truyền thống thành phố Huế. Người Huế gọi dịp này là đua ghe 26/3 để phân biệt với lễ hội đua ghe truyền thống tổ chức vào dịp Quốc khánh 2/9, có quy mô toàn tỉnh.

Đến hẹn lại  đua
Huế xưa Huế mới

“Huế cổ kính, mà luôn luôn mới mẻ, bất ngờ. Ai đã từng dành trọn buổi sớm mai sương khói hay buổi chiều tà mát mẻ đi một vòng dọc hai bờ sông Hương mới cảm nhận được sức sống kỳ diệu của thành Huế bây giờ… Huế đi lên từng ngày, dần xứng tầm là một đô thị di sản, một trung tâm văn hóa, giáo dục, du lịch và y tế chuyên sâu tương lai của nước nhà, của khu vực” - Đó là những cảm nhận sâu sắc của một người bạn xa về một Huế “muôn đời đẹp và thơ”.

Huế xưa Huế mới
Cầu... nối lòng dân

Chuyện thật đáng mừng cho đất nước ta là có hàng trăm cây cầu được xây mới trong những năm vừa qua đến từ sự đóng góp của cá nhân người dân, nhóm thiện nguyện, doanh nghiệp. Điều đó cho thấy lời kêu gọi Nhà nước và Nhân dân cùng làm là giải pháp hiệu quả cho những thách thức lớn về phát triển cơ sở hạ tầng trong mọi thời kỳ.

Cầu  nối lòng dân
Đặc sản của Huế

Nếu nói đến đặc sản Huế chắc nhiều người nghĩ ngay đến ẩm thực, tức là nghĩ đến cái “dạ dày”. Ai tinh tế hơn thì nghĩ đến chiều sâu văn hóa, ví dụ như di sản (vật thể và phi vật thể), thậm chí là giọng nói; trang phục.

Đặc sản của Huế
Return to top