ClockThứ Năm, 28/04/2016 09:47

Thăm lại chiến trường xưa

TTH - Cuộc hành hương thăm lại chiến trường xưa A Lưới do Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ Phú Xuân tổ chức đã khiến tôi bất ngờ về sự đổi thay của một vùng núi rừng hẻo lánh khi tôi còn là một chiến sĩ quân y phục vụ trận đánh lớn bao vây triệt phá Đồn A So của Sư đoàn 325B đầu tháng 3/1966.

Nếu không tận mắt chứng kiến thì khó hình dung từ ngày thành lập huyện đến nay, chỉ trong vòng 25 năm, một vùng quê nghèo khó của đồng bào các dân tộc Tà ôi, Pa cô, Pa hy sống rải rác trong những túp nhà sàn với các bản làng thưa thớt bây giờ là một thị trấn lớn dọc theo đường chiến lược Hồ Chí Minh rải nhựa phẳng lỳ. San sát hai bên đường là những công trình kiến trúc đồ sộ: Đền thờ Bác Hồ, trụ sở các cơ quan hành chính trung tâm huyện, đến các dãy nhà dân, quán hàng, khách sạn, chợ A Lưới… Đứng trên cao phóng tầm mắt xuống các đường phố tỏa ra các khu dân cư trong thung lũng bao la mới thấy toàn cảnh đổi thay này quá nhanh.

A Lưới ngày nay đã thay da đổi thịt. Ảnh: Dulich - A Lưới.com

Đoàn hành hương chúng tôi có 54 hội viên được đồng chí Phó Bí thư Huyện ủy A Lưới nhiệt tình đưa đi thăm một số di tích lịch sử trọng điểm: Đồi A Bia, nơi diễn ra cuộc chiến ác liệt thời chống Mỹ tháng 5/1969, quân Mỹ tổn thất nặng nề đặt thêm cho cái tên Hamburger Hill (Đồi thịt băm); Nhà trưng bày chứng tích chất độc màu da cam (dioxin); Sân bay A So cũ rồi quay về dâng hương tại Đền thờ Bác Hồ. Buổi chiều thăm xã Đông Sơn. Riêng di tích lịch sử diệt Đồn A So không nghe đồng chí Phó Bí thư Huyện ủy nhắc đến và hầu như ở đó không còn ai biết nên không có điểm đến cho Đoàn chúng tôi trong chương trình. Đoàn chúng tôi có 3 người từng ở Sư đoàn 325B nên trước lúc đi gọi nhau lên cùng một xe, ngồi cùng dãy ghế để ôn lại chuyện xưa nay đều hẫng hụt.

Đó là một trận đánh lớn, còn gọi là chiến dịch vì ngoài bộ phận bao vây cộng đồng còn có các bộ phận chặn viện binh địch, chống quân đổ bộ đường không… Bộ Tổng tư lệnh giao nhiệm vụ cho Sư đoàn 325B phải nhổ bằng được cái đồn biệt kích hiểm ác này đang án ngữ con đường huyết mạch chi viện cho miền Nam. Sư đoàn vừa vào đến nơi tập kết, đang chuẩn bị chiến đấu thì hai chiến sĩ trinh sát trong bộ phận khảo sát chiến trường bị địch bắt, chúng đưa lên máy bay trực thăng buộc nói vào loa phóng thanh kêu gọi chiêu hồi. Thế là kế hoạch tác chiến bị lộ phải gấp rút nổ súng tấn công đồn địch. Cuộc chiến diễn ra rất gay go quyết liệt. Đêm mùng 8/3 ta bắt đầu pháo kích, bộ binh tổ chức đánh lấn kéo dài hai ngày đêm, đến rạng sáng ngày 11/3 mới triệt phá được đồn địch, làm chủ hoàn toàn trận địa.

Đây là chiến thắng lịch sử có ý nghĩa chiến lược rất quan trọng với gần 600 cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh. Có một sơ suất là mai táng các liệt sĩ quá gần đồn, nếu sau này địch tái chiếm sẽ không an toàn. Vì vậy, ba ngày sau phải bốc dời đến một nơi khác cách đó hơn một cây số. Tôi hỏi một sĩ quan biên phòng đã công tác ở A Lưới 15 năm: - Anh có biết 4 khoảnh mộ liệt sĩ trận A So bây giờ ở đâu không? Anh ta không biết, chỉ nghe trước đây huyện đã quy tập hài cốt liệt sĩ các nơi vào một nghĩa trang mà phần lớn là vô danh. Còn vị trí đồn địch bây giờ là một bãi cây cỏ lúp xúp rộng mấy hecta gần sân bay A So. Quá trình số người dưới xuôi lên đập nát các lô cốt lấy sắt, cày xới đất làm kinh tế mới nên không còn rõ dấu tích đồn giặc ở đó nữa.

Rất tiếc là đã quá muộn, tôi là một trong số 9 đồng đội Sư đoàn cử ở lại xây dựng địa phương. Khi hoàn thành nhiệm vụ chúng tôi dành một ngày đến viếng và đắp sửa lại 4 khoảnh mộ đồng đội trước khi từ giã A Lưới vào Tây Nguyên.

Không còn biết làm gì hơn, ba chúng tôi trao đổi với nhau chung một nguyện vọng là được lãnh đạo tỉnh và huyện A Lưới tìm hiểu lại trận đánh oanh liệt này qua lịch sử Sư đoàn 325 và các vị cao niên đang sống tại A Lưới để lập một Nhà bia ghi công tưởng niệm gần 600 cán bộ, chiến sĩ của Sư đoàn đã anh dũng hy sinh, góp phần mở rộng địa bàn kháng chiến và tạo thuận lợi cho con đường mòn Hồ Chí Minh lúc đó thông thương chi viện cho cách mạng miền Nam phát triển, và để không quên một chiến công đổi bằng xương máu của các liệt sĩ miền Bắc chiến đấu vì miền Nam ruột thịt và vì Độc lập Thống nhất Tổ quốc.

Trần Quốc Phong

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Return to top