ClockThứ Ba, 05/10/2010 09:27

Thăng Long - Hà Nội với Huế, Huế với Thăng Long - Hà Nội

TTH - Lịch sử ngàn năm Thăng Long – Hà Nội là giá trị tinh thần, là tài sản vô giá của đất nước Việt Nam kiên cường, bất khuất, liên tục đấu tranh và xây dựng để khẳng định nền độc lập, quyền tự chủ.
Hồ Hoàn Kiếm - Hà Nội

Thành Đại La từng là kinh đô Cổ Loa của Nhà nước Âu Lạc, Kinh đô Mê Linh của Hai Bà Trưng, thành Tống Bình của Lý Nam Đế. Thế đất ở đây “rồng chầu, hổ phục... vạn vật phong thịnh tươi tốt, là nơi thắng địa, là chỗ bốn phương tụ họp, có thể làm đất kinh sư muôn đời”. Hơn một ngàn năm Bắc thuộc, các tập đoàn phong kiến ngoại bang đều chọn vùng đất này làm trụ sở khi xâm chiếm lãnh thổ dân tộc Việt. Sau chiến thắng lừng lẫy quân Nam Hán trên Bạch Đằng Giang, Ngô Quyền xưng vương, dựng nền độc lập, lại chọn Cổ Loa làm Kinh đô.

Một ngàn năm Thăng Long – Hà Nội là cột mốc do nhà Lý khởi nghiệp và định đô để tiếp tục khẳng định nền tự chủ và dựng xây nền văn hiến Đại Việt đã có nền tảng từ các triều đại trước đó, mà gần nhất là các triều đại Ngô, Đinh, Tiền Lê. Từ Hoa Lư thiên đô ra Thăng Long là sự trở về với vùng đất thiêng vốn đã gắn với sự hình thành nền tự chủ để từ đó mở mang bờ cõi về phương Nam tạo nên lãnh thổ nước Việt Nam hình chữ S từ Móng Cái đến Hà Tiên.
 
Một ngàn năm Thăng Long - Hà Nội cũng là một ngàn năm phấn đấu để hoàn thiện, toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam. Trong một ngàn năm đó không thể không kể đến vai trò, vị thế của Phú Xuân - Huế hơn một thế kỷ rưỡi giữ vai trò Kinh đô của nhà Tây Sơn và nhà Nguyễn. Trước đó, kể từ khi Nguyễn Hoàng vào Thuận Hoá khai mở xứ Đàng Trong đã khởi nguồn cho những đợt di cư lớn nhất của người Việt về phương Nam. Kể từ đây, một trung tâm đô thị mới và một vùng văn hoá mới dần dần được hình thành, phát triển. Đặc biệt, từ khi Kim Long, Phú Xuân trở thành thủ phủ của Đàng Trong; khi Phú Xuân - Huế là Kinh đô của hai triều đại, đã biến Huế trở thành trung tâm đào tạo - sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao; và là trung tâm thu hút nhân tài, vật lực của cả nước. Mỗi nhân tài đến Huế đều đem theo những phong tục, vốn sống tốt đẹp của quê hương mình, tài bồi, un đúc cho truyền thống văn hoá của cộng đồng, hình thành những bộ môn nghệ thuật, những ngành nghề mới, những làng quê văn hiến truyền đời.
 
Trong không khí tưng bừng kỷ niệm ngàn năm Thăng Long – Hà Nội, người Huế nhớ ơn những người mở cõi mà tiên phong là Phật hoàng Trần Nhân Tông, là công chúa Huyền Trân “nước non ngàn dặm ra đi”, chịu “đắng cay muôn phần” để đưa về cho giang sơn Đại Việt “hai châu Ô, Lý vuông ngàn dặm”. Theo bước chân công chúa Huyền Trân có những mảng màu văn hoá Thăng Long, dung hợp với các yếu tố văn hoá bản địa với những nét da diết lắng sâu của nền văn hoá Chăm Pa, tạo thành văn hoá Huế toả sáng ở Phú Xuân và có tác động, ảnh hưởng trở lại văn hoá Thăng Long ở Đàng Ngoài.
 
Cuối thế kỷ XVIII, khi triều Tây Sơn chọn Phú Xuân làm Kinh đô, kẻ sĩ về giúp rập không chỉ có từ Bình Định ra mà từ Bắc Hà vào cũng nhiều vô kể, tiêu biểu là Ngô Thời Nhậm, Phan Huy Ích, La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp, và kể cả công chúa Ngọc Hân... Đầu thế kỷ XIX, nhà Nguyễn thống nhất được đất nước, nhiều nhân tài từ Thăng Long đã vào kinh sư giữ vai trò lương đống của triều đình. Thời Minh Mạng có Tiến sĩ Hà Tôn Quyền (Tham tri Bộ Lại), Tiến sĩ Hoàng Thế Mỹ (Tham tri Bộ Binh). Thời Thiệu Trị có Tiến sĩ Trần Văn Sàm (Phủ doãn Thừa Thiên), Tiến sĩ Diệp Xuân Huyên (Ngự sử), Tiến sĩ Vũ Văn Lý (Tế tửu Quốc tử giám). Thời Tự Đức có Hoàng giáp Nguyễn Tư Giản và Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hợp đều là Thượng thư Bộ Lại...
 
Diện mạo văn học nghệ thuật và các lĩnh vực nghiên cứu lịch sử, địa lý, văn hoá Huế không thể không kể đến đóng góp rất quan trọng của các tác giả đến từ Thăng Long – Hà Nội “vang bóng một thời” ở Huế, như: Ngô Thời Nhậm, Phan Huy Ích, Lê Quý Đôn, Phan Huy Chú, Nguyễn Du, Nguyễn Văn Siêu, Cao Bá Quát, Nguyễn Tuân... Trong âm nhạc cổ điển Huế có một hệ thống bài bản phong phú, trong đó có nhiều bài bản nổi tiếng thuộc điệu Bắc. Khi tân nhạc ra đời những tình khúc Huế chiếm một vị trí đặc biệt trong gia sản tình khúc Việt Nam hiện đại. Những tình khúc Huế không chỉ do người Huế sáng tác, nhiều tình khúc tốp hay nhất do các tác giả đến từ Thăng Long – Hà Nội sáng tác, như Dương Thiệu Tước với Tiếng xưa, Đêm tàn Bến Ngự; Văn Cao với Thiên Thai.
 

Chùa Thiên Mụ - Huế

Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, Hà Nội nối lại long mạch đế đô, trở thành Thủ đô của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, trái tim của cả nước suốt hai cuộc kháng chiến thần thánh và Thủ đô của nước Việt Nam thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ sau năm 1975. Không chỉ có các nhà cách mạng, như Nguyễn Chí Thanh, Tố Hữu, Hoàng Anh, Hải Triều..., khá nhiều trí thức, nhân sĩ tiêu biểu của Huế đã ra Hà Nội tham gia chính phủ, xây dựng chế độ dân chủ và tham gia kháng chiến - kiến quốc theo lời hiệu triệu của Tổ quốc, non sông như: Ưng Uý, Hồ Đắc Điềm, Hồ Đắc Di, Tôn Thất Tùng, Đặng Văn Ngữ...
 
Ở TP Huế ngày nay, ngoài đường Hà Nội nối cầu Phú Xuân và đường Hùng Vương, có miếu thờ vua Lê Thánh Tông, đền thờ Đức Thánh Trần, miếu Lịch đại đế vương thờ các vua Lý, Trần, Lê. Ở Hà Nội ngoài Phố Huế, từ phố Bạch Mai đến hồ Hoàn Kiếm, có Khuê Văn Các, một kiến trúc Huế (thời Nguyễn) tiêu biểu nằm trong Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Cột cờ bên cạnh khu di tích Hoàng thành Thăng Long di sản thế giới lưu dấu Nguyễn Tri Phương và Nguyễn Lâm, vị Tổng đốc và Phò mã người Huế đã hy sinh, đã quyết tử để giữ thành Hà Nội. Người Hà Nội có quá nhiều kỷ niệm để nhớ về Huế. Người Huế cũng có nhiều kỷ niệm, nhiều mối quan hệ để nhớ về Hà Nội.
 
Thanh Tùng
 
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát triển toàn diện, hài hòa giữa các hoạt động văn hóa

Chiều 25/4, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội do ông Nguyễn Đắc Vinh, UVTW Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội làm trưởng đoàn có buổi làm việc với UBND tỉnh về việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035.

Phát triển toàn diện, hài hòa giữa các hoạt động văn hóa
220 năm quốc hiệu Việt Nam

“220 năm quốc hiệu Việt Nam – những chặng đường lịch sử (1804-2024)” là chủ đề cuộc hội thảo khoa học do Hội Khoa học Lịch sử tỉnh tổ chức, diễn ra sáng 23/4 tại TP. Huế.

220 năm quốc hiệu Việt Nam
Đưa triển lãm di sản văn hóa Huế đến Điện Biên

Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế ngày 22/4 cho biết, trong khuôn khổ các hoạt động năm Du lịch quốc gia 2024 và Kỷ niệm 70 năm Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024) diễn ra tại Điện Biên, đơn vị đã đưa triển lãm chuyên đề “Huế - Di sản văn hoá, điểm đến tiềm năng” giới thiệu đến với công chúng.

Đưa triển lãm di sản văn hóa Huế đến Điện Biên
Return to top