Năm 2020 là một năm biến động với nhiều sự kiện. Ảnh minh họa: Vnexpress
Đại dịch toàn cầu
Vào tháng 3/2020, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus tuyên bố “COVID-19 có thể coi là một đại dịch”.
COVID-19 được phát hiện đầu tiên tại Vũ Hán (Trung Quốc) cách đây khoảng 1 năm. Hiện đại dịch đã lây nhiễm cho khoảng hơn 83 triệu người trên thế giới và khiến hơn 1,8 triệu người tử vong. Sinh kế và công việc kinh doanh của nhiều người cũng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng do hậu quả của đại dịch COVID-19.
Đại dịch và các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt như phong tỏa, hạn chế đi lại và đóng cửa biên giới đã đưa con người đến với một thế giới của sự hỗn loạn, mất mát tàn khốc. Ngoài ra, một chủng virus mới xuất hiện ở Anh hiện đã lây lan sang nhiều nước khác đã và đang làm gia tăng sự lo ngại rằng mức độ tàn phá của COVID-19 thậm chí có thể còn nghiêm trọng hơn vào năm 2021.
Ông Joe Biden thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ
Đảng viên Đảng Dân chủ ông Joe Biden đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020 được tổ chức vào ngày 3/11 – kết thúc nhiệm kỳ tổng thống của ông Donald Trump. Theo đó, Tổng thống đắc cử sẽ chính thức nhậm chức Tổng thống thứ 46 của Mỹ vào ngày 20/1/2021.
Khu vực Đông Nam Á đối mặt với thiên tai
Ngoài đại dịch, Đông Nam Á cũng phải đối mặt với nhiều sự kiện khác. Trong đó có thể kể đến những thảm họa thời tiết chết người xảy ra ở Philippines, Việt Nam và Campuchia. Vào ngày đầu năm 2020, lũ quét đã xảy ra ở khắp Jakarta (Indonesia), khiến ít nhất 66 người thiệt mạng. Trong những tháng gần đây, Philippines đã liên tục phải hứng chịu những cơn bão, lũ liên hoàn...
Bất ổn chính trị cũng là vấn đề xuất hiện ở nhiều nước Đông Nam Á.
Hiệp định thương mại RCEP
Vào tháng 11, 15 nước bao gồm 10 quốc gia thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và 5 quốc gia đối tác bao gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia và New Zealand đã ký kết thành công thỏa thuận thương mại lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu.
Vaccine phòng ngừa COVID-19
Khi thế giới đang phải vật lộn để ngăn chặn đại dịch COVID-19 lây lan, hi vọng duy nhất có thể kể đến là một loại vaccine hiệu quả. Chỉ trong tháng trước, hi vọng được thắp lên khi hãng dược Pfizer của Mỹ và công ty đối tác BioNTech của Đức tuyên bố vaccine COVID-19 của họ đã cho thấy 90% hiệu quả (sau này nâng lên thành 95%) trong các thử nghiệm lâm sàng trên người.
Không lâu sau khi tin tức về vaccine của Pfizer và BioNTech được công bố, công ty công nghệ sinh học Moderna cũng cho biết vaccine thử nghiệm của họ cũng đạt được hiệu quả gần 95%. Ngay sau đó, nhiều hãng dược khác nhau cũng ra thông báo về mức độ hiệu quả của vaccine của mình.
Vương quốc Anh đã trở thành nước đầu tiên trên thế giới sử dụng vaccine COVID-19 để tiêm chủng cho người dân nước mình. Theo sau đó là các nước khác như Israel, Saudi Arabia, Mỹ và Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE).
Đan Lê (Lược dịch từ The ASEAN Post & Worldmeters)