Đại dịch COVID-19 làm tỷ lệ nghèo của nước Mỹ tăng cao nhất trong 60 năm qua. Ảnh minh họa: TTXVN
Vào tháng 3, chính phủ Mỹ đã đưa ra một gói cứu trợ bao gồm các khoản hỗ trợ một lần (lên đến 1.200 USD/người) và mở rộng đáng kể trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp, điều này thực sự khiến tỷ lệ nghèo giảm trong tháng 4, 5 và 6. Tuy nhiên, tình trạng nghèo đói đã tăng mạnh sau đó do chính phủ nước này không tiếp tục trợ cấp tiền mặt và một số chương trình trợ cấp cứu trợ đã hết hạn.
Mặc dù tỷ lệ thất nghiệp chính thức của nước này giảm 40%, từ mức 11,1% trong tháng 6 xuống mức 6,7% vào tháng 11, nhưng tình trạng nghèo đói vẫn tăng dần mỗi tháng trong giai đoạn này, với tổng số 7,8 triệu người Mỹ rơi vào cảnh nghèo đói.
Theo nghiên cứu này, người Mỹ da màu, trẻ em và những người có trình độ học vấn trung học trở xuống bị ảnh hưởng không giống nhau. Tỷ lệ nghèo ở người da màu tăng 3,1% kể từ tháng 6. Tỷ lệ nghèo ở những người không có bằng đại học đã tăng từ 17% vào tháng 6 lên 22,1% vào tháng 11 năm nay. Khoảng 2,3 triệu trẻ em dưới 17 tuổi bị rơi vào tình trạng nghèo đói trong 6 tháng qua.
Nghiên cứu cũng lưu ý rằng tỷ lệ đói nghèo có thể tiếp tục tăng cao do các khoản trợ cấp bổ sung sẽ hết hạn vào cuối tháng này. Hai chương trình trợ cấp thất nghiệp khẩn cấp của liên bang cuối cùng trong Đạo luật CARES (bao gồm cả Hỗ trợ Thất nghiệp do Đại dịch, dành cho những người thường không đủ điều kiện nhận bảo hiểm thất nghiệp bình thường) sẽ hết hạn vào ngày 26/12. Theo một phân tích độc lập của Tổ chức Century, có tới 12 triệu công nhân phụ thuộc vào các chương trình này sẽ bị mất trợ cấp vào ngay sau ngày Giáng sinh.
Trước đó, ngân hàng đầu tư toàn cầu Stout đã thông tin về việc hơn 14 triệu hộ gia đình của Mỹ đang đứng trước nguy cơ bị đuổi khỏi nhà, gần 5 triệu hộ gia đình trong số đó dự kiến sẽ nhận được thông báo trục xuất khỏi nhà bắt đầu từ ngày 01/01/2021 khi lệnh cấm trục xuất của CDC hết hiệu lực.
“Có hai cách để chống lại sự gia tăng của xu hướng đói nghèo này: Một là cải thiện đáng kể thị trường lao động. Điều còn lại là tăng hỗ trợ từ chính phủ liên bang,” Giáo sư James X. Sullivan của Đại học Notre Dame, nói. “Nhưng với tình hình của đại dịch COVID-19, tôi sẽ không đặt cược vào việc cải thiện đáng kể thị trường lao động trong thời gian ngắn.”
Anh Tuấn (Lược dịch từ Forbes)