Các diễn giả tham dự tọa đàm kỷ niệm 25 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Mỹ tại Trung tâm Hoa Kỳ, TP.HCM, ngày 23/7. Ảnh: TRẦN PHƯƠNG
Chúng tôi xem Việt Nam là một đối tác quan trọng và đáng tin cậy. Tôi có niềm tin mạnh mẽ rằng quan hệ Việt Nam - Mỹ trong 25 năm tới sẽ còn lớn mạnh và ấn tượng hơn.
Bà Marie Damour (Tổng lãnh sự Mỹ tại TP.HCM)
Tại buổi tọa đàm kỷ niệm 25 năm quan hệ ngoại giao Việt - Mỹ tổ chức chiều 23-7 ở Trung tâm Hoa Kỳ tại TP.HCM, bà Tổng lãnh sự Marie Damour kể lại trải nghiệm đầu tiên đối với Việt Nam năm 2002.
Bà đặt chân xuống sân bay lúc nửa đêm, sau hơn 30 tiếng bay từ thủ đô Washington. "Tôi đứng xếp hàng một mình, cầm hộ chiếu trên tay và gặp nhân viên hải quan trong bộ đồng phục nghiêm chỉnh.
Tôi rất hồi hộp khi anh ấy nhìn vào hộ chiếu của tôi, nhìn thông tin nơi sinh của tôi là bang Kentucky, rồi lại nhìn tôi. Rồi anh ấy nói: KFC. Tôi mừng rỡ trả lời đúng vậy, đúng vậy, tôi sinh ra cùng nơi KFC ra đời" - bà vui vẻ chia sẻ.
Đối thoại mỗi ngày là chìa khóa xây dựng quan hệ
Trở lại Việt Nam cuối năm 2019 với vai trò tổng lãnh sự Mỹ tại TP.HCM, chứng kiến sự thay đổi nơi đây, bà càng vững tin về mối quan hệ song phương. Theo bà, trong các mối quan hệ luôn có những thách thức, bất đồng.
Nhưng điều quan trọng trong mối quan hệ là phải chân thành với nhau, nói chuyện rõ ràng, chân tình về những điều hai bên quan tâm.
"Chúng tôi lắng nghe những gì mà Việt Nam quan tâm, chúng tôi hợp tác trong những lĩnh vực quan trọng đối với cả hai... Chúng ta phải xây dựng mối quan hệ mỗi ngày. Không thể đến với nhau chỉ sáu tháng để có một mối quan hệ tốt đẹp.
Chúng ta phải trao đổi qua lại hằng ngày. Đó là lý do tôi rất thích thú khi ở TP.HCM, thành phố lớn nhất Việt Nam, một thành phố trẻ trung và không ngần ngại nói lên những điều mình muốn" - bà Damour nhấn mạnh.
Nói về yếu tố Trung Quốc, bà Damour nhìn nhận hiện Mỹ có mối quan hệ khá "ồn ào" với Trung Quốc, nhưng Bắc Kinh vẫn là một đối tác thương mại lớn của Washington, hàng chục ngàn sinh viên Trung Quốc đang học tại Mỹ.
Theo bà, qua quá trình phát triển, Việt Nam đã thể hiện mình là một đối tác ổn định, thịnh vượng và độc lập ở Đông Nam Á, đóng góp cho hòa bình và an ninh quốc tế, ủng hộ luật pháp tại khu vực Thái Bình Dương, quy định của hệ thống thương mại thế giới. "Tất cả những điều đó cũng đã góp phần vào an ninh của Mỹ" - bà khẳng định.
Hợp tác Biển Đông và 25 năm tới
Trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ về việc liệu Mỹ và Việt Nam có thể tăng cường hợp tác trong vấn đề Biển Đông hay không và ở những khía cạnh nào, Tổng lãnh sự Damour cho biết khía cạnh hợp tác quan trọng nhất giữa Mỹ và Việt Nam trong vấn đề Biển Đông hiện nay là cả hai nước đều bám sát con đường giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình và các nước nhỏ phải được đối xử công bằng với các nước lớn, đồng thời tất cả quốc gia trong khu vực và trên thế giới hợp tác cùng nhau trên cơ sở luật pháp quốc tế.
"Như các bạn cũng đã biết, Việt Nam từ lâu là một quốc gia ủng hộ giải quyết các tranh chấp như vậy một cách hòa bình. Và tôi nghĩ đây là lý do Việt Nam là một đối tác phù hợp đối với Mỹ, đặc biệt về vấn đề này" - Tổng lãnh sự Damour cho biết.
Về vấn đề này, tiến sĩ Nguyễn Thành Trung - giám đốc Trung tâm nghiên cứu quốc tế (SCIS), Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM - cho biết trong vài năm qua, Việt Nam và Mỹ đã có sự hợp tác to lớn, xét về nhận thức các vấn đề hàng hải (MDA), về việc hỗ trợ cho cảnh sát biển Việt Nam, chẳng hạn chuyển giao tàu tuần tra cho phía Việt Nam... và đây là một "điểm khởi đầu tốt đẹp" để hợp tác hơn nữa giữa hai nước và để duy trì sự ổn định trong khu vực.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, tiến sĩ Nguyễn Thành Trung đánh giá rằng trong 25 năm tới, một trong những yếu tố quan trọng định hình quan hệ song phương là hai bên có niềm tin chiến lược vào nhau hay không. Chính sự thiếu vắng niềm tin chiến lược đã làm cho nhiều mối quan hệ song phương sau một thời gian phát triển đã đi xuống mức thấp như chúng ta thấy hiện nay.
"Tôi nghĩ rằng mối quan hệ hai bên vẫn còn nhiều dư địa để phát triển. Hiện tại hai bên vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển hợp tác trong các lĩnh vực như quốc phòng, an ninh, hàng hải, năng lượng, giáo dục, khoa học công nghệ, và cả thương mại" - tiến sĩ Nguyễn Thành Trung nhận xét.
Theo Tuoitre