Cần duy trì luật pháp quốc tế trong duy trì hòa bình trên biển Đông. Ảnh minh họa: SCMP/ Dân trí
Cụ thể, các nhà lãnh đạo Đông Nam Á đã lên tiếng về một thông điệp rõ ràng rằng các tranh chấp ở Biển Đông và những khu vực khác cần phải được giải quyết theo luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982.
Đại diện Mỹ, Đại sứ Mỹ tại Campuchia W. Patrick Murphy thông tin, Mỹ chia sẻ những nguyên tắc này và nhất trí với ASEAN trong việc phải bảo vệ chúng.
Trong một thông tin có liên quan, đầu tuần này, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố sự thay đổi trong chính sách hàng hải ở biển Đông, với nội dung nhấn mạnh hỗ trợ của Mỹ cho các quốc gia Đông Nam Á ven biển duy trì quyền chủ quyền theo đúng luật pháp quốc tế.
Đại sứ W. Patrick Murphy khẳng định, tất cả chúng ta đều có trách nhiệm bảo vệ nguyên tắc này và cam kết mọi quốc gia đều tuân thủ cam kết và thực hiện nghĩa vụ của mình, đặc biệt là theo đúng nội dung các hiệp ước quốc tế, các hiệp định song phương và thỏa thuận thương mại.
Tất cả các nước phải được hưởng sự độc lập, chủ quyền và tự do trong lựa chọn đối tác, hoàn toàn tự do, không bị ép buộc. Quan trọng hơn, đây là khẳng định về việc duy trì sức mạnh của pháp luật cả ở trong và ngoài nước, bởi vì điều này rất quan trọng đối với hòa bình, thịnh vượng và độc lập dân tộc. Theo ông W. Patrick Murphy, đây chính là lý do vì sao Mỹ sẽ tiếp tục lên tiếng bảo vệ nguyên tắc quốc tế và hành động trên cơ sở này. Mỹ cũng cam kết tiếp tục triển khai các đường bay, đường thủy và hoạt động tại nơi nào luật pháp quốc tế cho phép; đảm bảo tuân thủ quyền tự do hàng hải và bay trong vùng biển, đường hàng không quốc tế.
Đan Lê (Lược dịch từ Khmer Times)